Báo cáo “Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011 – 2015” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư  gửi Thủ tướng Chính phủ tỏ ra khá lạc quan về việc thực hiện các chỉ tiêu đặt ra. Nhưng Bộ này lại tỏ ra lo ngại khi DN đang “đuối sức” dần.

'Chấm điểm' doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nỗi lo lấn át niềm vui

24/06/2014, 08:46

Báo cáo “Đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2011 – 2015” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư  gửi Thủ tướng Chính phủ tỏ ra khá lạc quan về việc thực hiện các chỉ tiêu đặt ra. Nhưng Bộ này lại tỏ ra lo ngại khi DN đang “đuối sức” dần.

Lạc quan về số lượng DN, bi quan về xuất khẩu
Cách đây gần 2 năm – ngày 7.9.2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015. Bản kế hoạch này đã đề ra 5 mục tiêu cụ thể về số lượng DNNVV thành lập mới.
Đó là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của DNNVV trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc; đầu tư của khu vực này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp trong GDP, ngân sách nhà nước và cuối cùng là số lượng việc làm mới trong giai đoạn 2011-2015.

Trong số các mục tiêu này, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 4/5 chỉ tiêu là đạt được, trừ chỉ tiêu về kim ngạch xuất khẩu của DNNVV.

Đơn cử như số lượng DNNVV thành lập mới, mục tiêu của Kế hoạch đặt ra là 350 nghìn DN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng số DN đăng kí mới trong 3 năm 2011-2013 là 224,3 nghìn DN. Số lượng DN thành lập mới trong các năm 2014-2015 được kỳ vọng sẽ cao hơn mức trung bình của 3 năm 2011-2013. Do đó sẽ giúp đạt hoặc vượt mục tiêu 350 nghìn DN mới thành lập trong giai đoạn 2011-2015.

Cũng theo cơ quan này, năm 2013 số lượng DN hoạt động đã tăng đáng kể, thêm gần 150 nghìn DN so với năm 2012. Nếu tình hình kinh tế trong nước tiếp tục được cải thiện như năm 2014 thì có thể dự kiến rằng con số 600 nghìn DN hoạt động vào thời điểm cuối năm 2015 là mục tiêu khả thi.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra kém lạc quan hơn về mục tiêu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 là khoảng 125 tỷ USD, không kể dầu thô. Giả sử mục tiêu về tỷ trọng của DNNVV trong kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 25% thì con số tuyệt đối sẽ là khoảng trên 31 tỷ USD. Nếu có khoảng 30 nghìn DNNVV xuất khẩu thì giá trị xuất khẩu trung bình của một DN phải là khoảng 1 triệu USD, tương đương 22 tỷ đồng.

Có thể chủ quan cho rằng đây là con số khó có thể đạt được đối với một tập hơn 11 nghìn DNNVV xuất khẩu. Do đó mục tiêu DNNVV chiếm 25% tỷ trọng xuất nhập khẩu có thể không khả thi vào năm 2015.
“Đau đầu” vì DN khai tử

Dù lạc quan trong việc thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển DNNVV, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại tỏ ra thận trọng trước tình trạng DNNVV “chết” hàng loạt thời gian qua.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng. Số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2013 là 60,7 nghìn DN, tăng 11,9% so với 2012 và tăng 12,5% so với 2011.

Số DN gặp khó khăn phải rút lui khỏi thị trường ngày càng nhiều cho thấy những thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn 2011-2013 đã và đang dần loại bỏ khỏi thị trường các DN yếu kém, không đủ sức tồn tại hoặc không kịp thay đổi để thích nghi với điều kiện mới.

Mặt khác, việc lợi nhuận trước thuế của DNNVV đang theo chiều hướng suy giảm liên tục những năm qua cũng khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư không vui.

Theo số liệu của cơ quan này, nếu như năm 2010, lợi nhuận của DNNVV năm 2010 là 80,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,87% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN), thì năm 2012 lợi nhuận trước thuế giảm đáng kể, chỉ còn 22,82 nghìn tỷ đồng (chỉ chiếm 7,26% tổng lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bày tỏ lo ngại khi tỷ lệ DN rơi vào tình trạng thua lỗ gia tăng đáng kể.

Từ năm 2010, ảnh hưởng của khó khăn kinh tế trong nước đã khiến tỷ lệ DN thua lỗ, chủ yếu là DNNVV tăng đáng kể, từ 25,14% năm 2010 lên 65,8% vào hết tháng 9-2013. Tỷ lệ DN kinh doanh có lãi cũng giảm từ 64,12% năm 2010 xuống còn 34,12% vào hết tháng 9-2013.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư băn khoăn: "Thua lỗ kéo dài khiến DN rơi vào phá sản, giải thể và tạm dừng hoạt động. Tình trạng này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng xấu cho kết quả sản xuất kinh doanh của DN nói chung trong thời gian tới".

Mai Phạm

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Chấm điểm' doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nỗi lo lấn át niềm vui