Chấm điểm chéo là một trong những đề xuất để chống gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2019, thế nhưng đề xuất này đã dấy lên nhiều lo ngại tiêu cực vẫn có thể diễn ra như thường.
Kỳ thi THPT 2018 vừa diễn ra với những vụ tiêu cực gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, đã tạo nên một “cú sốc” trong dư luận và cả hệ thống giáo dục. Những gì diễn ra cho thấy phần lớn đều là lỗi ở việc giao cho các địa phương thực hiện việc tự chấm thi.
Từ những tiêu cực đó đã có những đề xuất kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 không chấm thi tại địa phương nữa mà thành lập một số cụm chấm thi quốc gia, mỗi cụm phụ trách chấm một số tỉnh. Sau khi thi xong, tất cả bài thi được niêm phong, bảo mật và vận chuyển về các cụm chấm thi.
Tại các cụm này, khu vực chấm bài thi trắc nghiệm được cách ly với 3 vòng, giống như khi in sao đề. Bài thi tự luận được rọc phách tại đây rồi chuyển về các cơ sở chấm là một số trường ĐH và một số tỉnh, thành phố. Mỗi cơ sở chịu trách nhiệm chấm bài thi của một số tỉnh được lựa chọn bằng cách bốc thăm ngẫu nhiên. Sau khi chấm xong, bài thi được chuyển lại về các cụm chấm thi để ghép phách.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT và các sở giáo dục đang nghiêng về phương án tổ chức chấm thi chéo giữa các tỉnh hoặc theo cụm bài thi. Phương án này là một trong những phương án đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn lo lắng về khả năng có thể xảy ra gian lận như đã từng xảy ra.
Sự việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từng “đi đêm” với nhau để điều chỉnh kết quả thi khi hình thức chấm chéo này được triển khai vào năm 2011 là một minh chứng cho phương pháp chấm thi kiểu này, vẫn còn rất nhiều hạn chế và chưa đủ tin tưởng để tiếp tục triển triển khai trong những năm tới.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP.HCM, cho rằng giao các địa phương chấm chéo vẫn khó đảm bảo nghiêm túc.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, thì Bộ cần thận trọng hơn nếu thực hiện chấm thi chéo giữa các tỉnh. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho rằng chấm chéo cũng là phương án để hạn chế tiêu cực nhưng lại quá phức tạp.
Trong khi đó phương án giao công tác chấm thi cho các trường đại học cũng nhận được sự đồng tình từ đại diện nhiều trường. TS Trần Đình Lý cho rằng nên giao cho một số trường đại học chấm thi hoặc các trung tâm khảo thí uy tín vì một cụm có quá nhiều tỉnh, chắc chắn sẽ có sự chênh lệch giữa các hội đồng chấm thi.
Tương tự, PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đề xuất nên để các trường đại học chủ trì công tác chấm thi và tự chịu trách nhiệm bằng chất lượng đào tạo và uy tín của mình. Ngoài ra, khâu giám sát khi chấm thi rất quan trọng và người giám sát được can thiệp tới đâu cũng là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ông Tớp nêu rõ phải giám sát chặt chẽ không được để xảy ra gian lận như năm 2018.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, nếu kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019 vẫn dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học thì vẫn yêu cầu tính công khai, minh bạch và chính xác về kết quả. Dù đã có nhiều đề xuất được đưa ra để thay đổi cách tổ chức thi, Bộ GD-ĐT nên duy trì cách tổ chức thi như hiện tại nhưng cần xem xét lại khâu chấm thi.
TS Tớp đề xuất sau mỗi môn thi trắc nghiệm, sẽ dành khoảng 1-2 phút cho các thí sinh tổng hợp lại các câu trả lời của mình, có bao nhiêu đáp án a,b, c,d và ghi lại bằng bút mực cuối phần trả lời của môn thi đó, trước khi bắt đầu vào môn thi sau.
Tú Viên (tổng hợp)