Từ năm 1840, nhiều nhà khoa học Pháp đứng đầu là Giáo sư Welddell đã tiến hành chương trình di thực cây canh ki na, tên khoa học Cinchona succirubra trong tất cả các xứ nóng để lấy vỏ làm nguyên liệu sản xuất thuốc kí ninh chống bệnh sốt rét. Việc di thực này đã được đưa vào liên tiếp ở Java (Indonesia) năm 1848, ở Ấn Độ và Ceylan (tức Sri Lanka) năm 1860.

Canh ki na- số phận một loài cây 'thực dân' trên đất Việt

05/08/2017, 18:17

Từ năm 1840, nhiều nhà khoa học Pháp đứng đầu là Giáo sư Welddell đã tiến hành chương trình di thực cây canh ki na, tên khoa học Cinchona succirubra trong tất cả các xứ nóng để lấy vỏ làm nguyên liệu sản xuất thuốc kí ninh chống bệnh sốt rét. Việc di thực này đã được đưa vào liên tiếp ở Java (Indonesia) năm 1848, ở Ấn Độ và Ceylan (tức Sri Lanka) năm 1860.

Quang cảnh còn lại của Trại nghiên cứu canh-ki-na Lang Hanh

Tại Đông Dương ngay từ năm 1869, nhà thực vật học Louis Pierre, Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã nhập một số giống canh ki na và đề nghị được trồng chúng ở một vài địa phương miền núi như dãy Con Voi và dãy Cardamones (Campuchia) nhưng không được chấp thuận vì những vùng này lúc ấy chưa bị chiếm làm thuộc địa. Ông đành làm những thí nghiệm đầu tiên ở Sài Gòn, nhưng chỉ một số lượng ít ỏi cây canh ki na được trồng trong Thảo Cầm Viên với chế độ chăm sóc đặc biệt là còn tồn tại.

Bác sĩ Alexander Yersin - tranh chân dung sơn dầu trên vải gai trưng bày tại Viện Pasteur Đà Lạt

Sau những thử nghiệm mới cũng không thành công ở miền Nam năm 1872 thì tại miền Bắc vào năm 1886, nhà thực vật học Balansa đã tiến hành thí nghiệm ở vùng núi Ba Vì (thuộc hai làng Suối Gió, Thủ Pháp có độ cao 550m so với mặt biển) và đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Nhưng tiếc thay, sau khi Balansa mất thì những cây canh ki na của ông cũng biến mất!

Một đồng nghiệp của ông là Capus đã cố gắng tìm kiếm những cây này nhưng không còn tìm thấy dấu vết của chúng nữa. Nhiều năm sau, trong báo cáo “Sự phát triển trồng cây canh ki na ở Đông Dương”, Giáo sư De Sigaldy, Giám đốc Viện Pasteur đã đánh giá giai đoạn từ năm 1869 đến thập niên thứ nhất của thế kỷ 20 là chặng đường đầy khó khăn mà các nhà khoa học đã phải trải qua để xác định các kiểu lập địa có thể đáp ứng yêu cầu sinh thái của loài cây này...

Chiếc kính hiển vi BS Yersin đã sử dụng trong nghiên cứu cây canh ki na ở nam cao nguyên

Từ năm 1917, công tác di thực cây canh ki na bắt đầu đạt kết quả khả quan khi nhà bác học - bác sĩ Alexander Yersin bố trí những thí nghiệm có hệ thống ở Hòn Bà (độ cao 1.500m so với mặt biển) gần thành phố Nha Trang, đồng thời cùng nhà thực vật học Chevalier trồng một số giống canh ki na ở Măng Lin và Đan Kia, những buôn đồng bào dân tộc K Ho lớn nhất Lang Biang thời đó, đã thu được kết quả mỹ mãn.

Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Yersin, Viện Pasteur bắt đầu xây dựng liên tiếp các đồn điền trồng canh ki na tại Dran (độ cao 1.000m) năm 1923, tại Di Linh (độ cao 900m) năm 1924, tại Petit Lang Biang (độ cao 1.500m) năm 1925 và ở Diom gần Dran (độ cao 1.000m) năm 1926. Trước những thành công của BS Yersin, đầu năm 1927 Tổng thanh tra Yver Henry đã đề nghị chính phủ Pháp tài trợ thêm nữa cho những chương trình nghiên cứu phát triển cây canh ki na trên quy mô lớn. Người ta đã cử kỹ sư đầu tiên là Frontou đến Java để nghiên cứu về các phương pháp trồng cây canh ki na và để lấy những hạt giống đã được tuyển chọn.

GS-TS Kohl Stock, Trưởng đoàn chuyên gia lâm nghiệp Đức bên cây canh ki na của Đề tài Nghiên cứu phát triển cây canh ki na ở Lâm Đồng

Khi kỹ sư Frontou tới, bác sĩ Yersin đã thiết lập một trại chuyên nghiên cứu về cây canh ki na ở thôn Lanh Hanh (độ cao 1.000m) giữa Di Linh và Finom và cử Frontou làm giám đốc.

Từ năm 1929 đến năm 1931, đã có 3 đồn điền trồng canh ki na được xây dựng gần trại Lang Hanh để ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật của trại này. Từ đó các nhà khoa học cũng rất chú trọng bố trí thí nghiệm và thực nghiệm trồng canh ki na trên Tây Nguyên: Khi Trại khảo cứu nông lâm Blao được thành lập thì ở đây cũng đã trồng được 5ha, còn Trại Bolovens đã trồng được 10ha từ giữa năm 1932.

Riêng năm 1935 tổng diện tích khảo nghiệm trồng canh ki na trên “mái nhà của Đông Dương” đã lên tới 52ha. Trong tất cả các trại và đồn điền ngày ấy, có một bệnh được xác định đã làm cho vỏ ở cổ rễ cây canh ki na bị hủy hoại nghiêm trọng, tác hại tới mọi sự tăng trưởng và phát triển của cây. Các nhà khoa học gọi đó là bệnh “lở cổ rễ”.

Cây canh ki na Ledgeriana 80 năm tuổi còn lại ở Đà Lạt

Những đề tài nghiên cứu trong mười năm sau được Viện Pasteur cũng như Viện Khảo cứu nông lâm Đông Dương tiến hành. Mục tiêu là chỉ ra những kỹ thuật trồng khả dĩ để đưa được cây canh ki na vào từng điều kiện lập địa cụ thể, thích ứng với hoàn cảnh môi trường và phòng chống sâu bệnh, đồng thời thu được những hạt giống tốt qua tuyển chọn hoặc do tự thụ phấn và lai tạo những chủng giàu hoạt chất kí ninh và chống được bệnh lở cổ rễ.

Từ năm 1932 đến 1942, BS Yersin tuy bận công tác ở Nha Trang nhưng ông vẫn gắn bó với Trại Lang Hanh và Viện Pasteur để xây dựng một quy trình tổng hợp từ ươm trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khai thác, chế biến vỏ cây canh ki na. Trong đó có cả phương pháp đơn giản chế biến kí ninh để đồng bào ở những vùng hẻo lánh xa xôi cũng có thể tự mình dùng canh ki na trồng ở vườn nhà làm thuốc. Đặc biệt công tác di truyền - chọn giống cũng được các nhà khoa học quan tâm.

Viện Khảo cứu nông lâm với sự cộng tác của các nhà làm vườn cũng đã thiết lập một số điểm thí nghiệm, bố trí từ Boker (Lào) đến phía bắc miền Bắc và ở vùng Đồng Nai Thượng… Hệ thống những điểm nghiên cứu này đã cho thấy khả năng trồng cây canh ki na ở các kiểu lập địa như đèo Măng Giang, Fyan và những vùng như Ba Vì, Thủ Pháp (nơi đã có các thí nghiệm của Balansa). Các nhà khoa học cũng khẳng định cách trồng canh ki na rất công phu vì thế cần thực hiện đúng quy trình. Canh ki na hợp độ cao trên 500m đặc biệt từ 1.000-1.500m (so với mặt biển), nó ưa đất đỏ bazal không đọng nước và giàu chất mùn hay đất mỡ gà pha cát granit, lượng mưa hằng năm từ 1.500 – 2.000mm… Như thế tại cao nguyên có nhiều nơi trồng được giống cây này.

Một loại rượu canh-ki-na nổi tiếng của Pháp

​Năm 1938, Cơ quan tổng thanh tra nông nghiệp và chăn nuôi đã đưa ra Dự án phát triển cây canh ki na và đề nghị xây dựng một đồn điền của chính phủ ở vùng tiếp giáp 3 biên giới, có tổng diện tích 400ha, kinh doanh với cường độ cao 10.000 – 12.000 cây/ha, sẽ được thực hiện theo từng vạt diện tích hằng năm là 50ha. Để loại trừ bệnh lở cổ rễ, thì việc khai thác cây canh ki na trên mỗi diện tích 50ha được dự kiến ngay ở năm 6 tuổi.

Đất trong 2 năm tiếp theo được để không, rồi trồng cây họ đậu để cải tạo đất trước khi lại đưa cây canh ki na vào. Người ta hy vọng từ năm 1944 có thể lấy được 200 tấn vỏ có khoảng 5% kí ninh, đủ đáp ứng nhu cầu trị bệnh sốt rét của toàn Đông Dương và trao đổi với thị trường dược Đông Nam Á.

Từ đầu Chiến tranh thế giới thứ 2, chính quyền tại Pháp càng đòi hỏi phải mở rộng diện tích trồng canh ki na. Cơ quan tổng thanh tra nông nghiệp và chăn nuôi lại trình bày một dự án bổ sung, kéo dài trong 3 năm nhằm mở rộng thêm các mô hình trồng canh ki na, cụ thể Viện Pasteur diện tích thí nghiệm tăng 75ha, Viện Khảo cứu nông lâm tăng 45ha, và xây dựng thêm một đồn điền nữa do Chính phủ quản lý ở Đồng Nai Thượng, có diện tích 270ha và cũng thực hiện từng vạt, theo quy trình thống nhất như đã làm ở vùng 3 biên giới…

​Năm 1943, một kế hoạch khai thác có hệ thống đã được vạch ra nhằm sử dụng triệt để những đồn điền đã xây dựng từ lâu, đủ cung cấp nguyên liệu cho một nhà máy chiết xuất lượng vỏ tương ứng với 10 tấn kí ninh mỗi năm (từ 1944 đến 1946). Để đạt được kết quả này, người ta đã chặt toàn bộ các cây canh ki na đã trồng trước năm 1940. Việc trồng cây canh ki na vẫn phải được phát triển, vì thế diện tích mà các đồn điền dự kiến sẽ phải đáp ứng trong tương lai những nhu cầu không chỉ cho Đông Dương mà còn cho cả đế quốc Pháp. Từ năm 1942 đến 1944, Viện Pasteur, Viện Khảo cứu nông lâm và Sở Nông nghiệp Lào đã lập nhiều vườn ươm có thể cung cấp mỗi năm 4 triệu cây con đủ để các đồn điền khôi phục và mở rộng 400ha.

Những cây canh ki na ở Ấn Độ và Sri Lanka được trồng để thu hái giống đang trổ hoa

​Chương trình di thực cây canh ki na vào Đông Dương đạt đỉnh cao ở những năm 1943-1946, với tổng diện tích đã trồng khoảng 1.000ha, trong đó Nam Tây Nguyên 250ha. Tới đây vì điều kiện chiến tranh, diện tích canh ki na ở Đông Dương bị thu hẹp dần. Riêng ở Lâm Đồng, sau ngày thống nhất đất nước chỉ còn vỏn vẹn 10ha với mật độ thưa thớt, thời bao cấp đã khai thác hết. Chỉ sót lại vài cây đều trên 60 năm tuổi đã hết khả năng làm giống. Năm 1983 và 1984, đoàn chuyên gia lâm nghiệp Đức đã trao tận tay nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Bích, Chủ nghiệm đề tài nghiên cứu phát triển cây canh ki na ở Lâm Đồng những lô hạt giống canh ki na của Ấn Độ và Sri Lanka có phẩm cấp tốt, góp phần tích cực phục hồi loài cây này ở Tây Nguyên…

​Ngoài bào chế kí ninh là thứ linh dược đã cứu sống nhiều triệu người khỏi bệnh sốt rét trong hai thế kỷ vừa qua, canh ki na còn là nguyên liệu để sản xuất ra các loại rượu bổ và nước giải khát. Theo GS Bửu Hội, một nhà nông học người Việt ở Pháp, thì các chuyên gia của hãng rượu Con Mèo đã đánh giá: Thứ bột canh ki na từ Tây Nguyên là một nguyên liệu thượng hạng để pha chế các loại rượu nổi tiếng của hãng.

Vì thế năm 1958 ở miền Nam, ngay khi có sắc lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm về việc bàn giao tất cả các cơ sở nghiên cứu - thực nghiệm của Pháp cho Việt Nam, GS Bửu Hội đã về nước thăm lại các trang trại canh ki na ở vùng Đà Lạt và đề nghị đại diện chính quyền tại Tây Nguyên hãy quan tâm đặc biệt đến phát triển cây canh ki na.

Ông Lương Thành Phòng, nguyên Phó giám đốc khách sạn Palace Đà Lạt, một chuyên gia pha chế rượu tài danh của miền Nam cũng cho biết một trong những bí quyết của cocktail Đà Lạt là đã sử dụng tốt các loại rượu có nguồn gốc canh ki na. Đặc điểm của loại rượu này là rất thơm ngon, nhanh chóng phục hồi sức khỏe (như đối với phụ nữ mới sinh).

Nguyễn Hoàng Bích

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canh ki na- số phận một loài cây 'thực dân' trên đất Việt