Vào tối thứ ba giờ GMT, Carles Puigdemont, nhà lãnh đạo Catalan, và các chính trị gia địa phương đã ký một văn bản tuyên bố sự độc lập của Catalan từ Tây Ban Nha. Nhưng sau đó, họ đã tự đình chỉ việc thực hiện trong vài tuần để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Madrid.

Catalan ra tuyên bố độc lập, châu Âu chuẩn bị sóng gió

Anh Tú | 11/10/2017, 05:32

Vào tối thứ ba giờ GMT, Carles Puigdemont, nhà lãnh đạo Catalan, và các chính trị gia địa phương đã ký một văn bản tuyên bố sự độc lập của Catalan từ Tây Ban Nha. Nhưng sau đó, họ đã tự đình chỉ việc thực hiện trong vài tuần để thúc đẩy các cuộc đàm phán với Madrid.

Tài liệu được ký kết nhấn mạnh việc "Catalan đã khôi phục lại toàn vẹn chủ quyền". Dù người xứ Catalan nói nó là "lời tuyên bố của các đại biểu xứ Catalan" nhưng tính giá trị pháp lý của nó là dấu hỏi.

"Chúng tôi kêu gọi chính phủ Catalan thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để có thể thực hiện đầy đủ việc tuyên bố độc lập và các biện pháp có trong luật để thành lập nước cộng hòa", lời tuyên bố kêu gọi. Ông Puigdemont trước đó đã nói trong một bài phát biểu rằng mối quan hệ của Catalan với Tây Ban Nha là "không bền vững".

"Chúng ta đã giành được quyền trở thành một quốc gia độc lập", ông Puigdemont phát biểu. "Các lá phiếu đòi hỏiquyền độc lập và đây là ý nguyện mà tôi muốn theo đuổi".

"Với tư cách là tổng thống Catalan, tôi muốn làm theo ý nguyện của người dân Catalan để thành lập một quốc gia độc lập", ôngPuigdemontnói trong tiếng vỗ tay tại nghị viện Catalan.

Dù ký tên vào bản tuyên bố độc lập nhưng ông Puigdemont trước đó đã yêu cầu nghị viện xứ Catalan "đình chỉ" việc thực hiện độc lập "trong vài tuần để mở một thời kỳ đối thoại". Ông nói: "Cách duy nhất để tiến lên là dân chủ và hoà bình đồng nghĩa việc tôn trọng cácý kiến khác biệt".

Có thể thấy lãnh đạo xứ Catalan dù tuyên bố độc lập nhưng vẫn còn do dự trong việc thực hiện vì họ nhận thấy chưa sẵn sàng cho điều này. Họ đang thăm dò phản ứng trong các ngày tới để có những hành động thích hợp tiếp theo. Nhưng điều này là quá phiêu lưu đối với chính xứ Catalan và đẩy châu Âu vào tình thế khó.

Tây Ban Nha dứt khoát sẽ không để yên, không nhượng bộ. Chính phủ Tây Ban Nha đã kêu gọi một cuộc họp nội các khẩn cấp vào hôm nay để đưa ra phương án đối phó. Nhưng một điều chắc chắn là Madrid sẽ không bao giờ công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu hôm 1.10 vốn đi ngược hiến pháp Tây Ban Nha và càng không công nhận lời tuyên bố độc lập.

Madrid có 2 lựa chọn để giải quyết vấn đề này. Một là dùng chính sách thô bạo để giải tán nhóm lãnh đạo đòi ly khai xứ Catalan dựa trên luật của Tây Ban Nha. Hai là đàm phán để trao cho xứ Catalan nhiều ưu đãi hơn để đổi lại việc rút lại tuyên bố đòi độc lập. Cách làm thứ 2 có vẻ hòa bình nhưng thực sự không dễ để tìm tiếng nói chung. Cần nhớ, ngay sau cuộc trưng cầu mà chính quyền Catalan tuyên bố rằng 90% trong số 43% cử tri đi bỏ phiếu ủng hộ độc lập, Thủ tướng Tây Ban Nha Mario Rajoy đã lập tức bác bỏ bất kỳ đề xuất đàm phán hoặc hòa giải nào trong khi ông Puigdemont từ chối hủy bỏ kế hoạch tuyên bố độc lập. Rất khó để nói chuyện với nhau khi hai bên khăng khăng bảo vệ lợi ích cốt lõi trái ngược nhau.

Giờ đây, lãnh đạo xứ Catalan trong lúc hãnh tiến như vậy sẽ dễ trở nên tham lam và đòi những điều kiện mà Madrid khó chấp nhận. Hơn nữa, Madrid cũng không thể nhượng bộ để tạo ra tiền lệ nguy hiểm sau này và chỉ làm theo cách 1 thì mới đoạn tuyệt với tiền lệ. Cũng chính vì sợ tạo ra tiền lệ mềm mỏng mà ngày 1.10, Madrid đã điều động cảnh sát giải tán cuộc bỏ phiếu sau khi Toà án hiến pháp Tây Ban Nha đã phán quyết rằng cuộc bỏ phiếu đi ngược lại luật pháp Tây Ban Nha. Nhưng nếu làm theo cách 1 trong những ngày tớithì nguy cơ bạo động rất cao.

Xứ Catalan cũng tính đường lôi EU vào bảo vệ dân chủ. "Catalan là một vấn đề của châu Âu", ông Puigdemont khẳng định, đồng thời kêu gọi EU nên bảo vệ các giá trị dân chủ sau khi chứng kiến lực lượng an ninh Tây Ban Nha đã mạnh tay ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý theo lệnh tòa án. "Đây là lần đầu tiên ở châu Âu diễn ra một cuộc bỏ phiếu với viêc cảnh sát đánh người dân khi họ gắngthực hiện quyền cử tri".

Nhưng lời kêu gọi của ông Puigdemont với EU sẽ chẳng được đáp ứng khi Brussels đã nhấn mạnh cuộc trưng cầu dân ý là bất hợp pháp và đó là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha. Các nhà lãnh đạo EU đã thúc giục ông Puigdemont không đơn phương tuyên bố độc lập. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Brussels: "Hôm nay tôi yêu cầu bạn tôn trọng trật tự hiến pháp và không công bố một quyết định làm cho việc đối thoại không thể thực hiện được".

Các đầu tàu châu Âu cũng chẳng ủng hộ Catalan.Đức và Pháp đã lên tiếng ủng hộ Madrid và Pháp khẳng định luôn sẽ không công nhận Catalan nếu xứ này cứng đầu ly khai. Đơn giản là cả Pháp và Đức đều không muốn tạo tiền lệ ly khai vì Pháp cũng sợ đảo Corse đòi tách còn Đức lo xứ Bavaria thành lập vương quốc riêng. May ra chỉ mấy nước như Kosovo hay các vùng ly khai ở Ukraine như Luhansk, Donetsk công nhận xứ Catalan là một quốc gia. Trong vòng vây cô lập đó thì khó mà phát triển được.

Các công ty bắt đầu rục rịchrời xứ Catalan để đặt trụ sở tại Madrid vì không muốn phiêu lưu với giấc mơ độc lập của xứ Catalan. Tập đoàn bất động sản Inmobiliaria Colonial (COL.MC) và công ty xây dựng hạ tầng Abertis (ABE.MC) đã quyết định chuyển trụ sở chính của họ tới Madrid còn công ty viễn thông Cellnex (CLNX.MC) cho biết sẽ hành động tương tự khi thấy tình hình ở Catalan không khá hơn.

Độc lập là một cái giá đắt mà không phải người dân xứ Catalan nào cũng sẵn lòng đánh đổi. Nhiều người Catalanđã biểu tình phản đối chuyện này vì họ muốn được sống yên ổn trong mái nhà Tây Ban Nha, trong lòng EU hơn là độc lập trong sự cô lập.

Anh Tú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Catalan ra tuyên bố độc lập, châu Âu chuẩn bị sóng gió