Reuters ngày 10.10 đưa tin Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết vào tháng 6.2018 sẽ công bố thời hạn tổ chức tổng tuyển cử, 4 năm sau vụ đảo chính tháng 5.2014.
Trước đây, chính phủ quân sự Thái Lan từng công bố ít nhất hai thời hạn tổ chức bầu cử, nhưng sau đó lại tuyên bố lùi ngày tổ chức với lý do có sự lo ngại về những thay đổi về Hiến pháp và vấn đề an ninh.
Thủ tướng Prayuth cho biết “khoảng tháng 6, chúng tôi sẽ công bố thời hạn tổ chức. Trong tháng 11, chúng ta sẽ có cuộc bầu cử”.
Khi còn là tướng quân đội, ông Prayuth đã cầm quân thực hiện vụ đảo chính không đổ máu, nhưng vẫn bị phương Tây chỉ trích là lật đổ chính quyền dân cử của bà Yingluck Shinawatra. Ông khẳng định phải đảo chính để chấm dứt 10 năm bất ổn chính trị và loại trừ nạn tham nhũng.
Hồi tháng 4, Nhà vua Maha Vajiralongkorn đã ký phê chuẩn Hiến pháp mới, để khởi động tiến trình bầu cử mà chính quyền quân sự hứa sẽ phục hồi nền dân chủ.
Hiến pháp mới có quân đội ủng hộ, quyđịnh một hệ thống bầu cử nhắm tới việc giảm tầm ảnh hưởng của các đảng chính trị lớn, nhưng có những ý kiến chỉ trích rằng Hiến pháp nhằm củng cố vai trò của quân đội.
Các nhà phân tích cho rằng hoạt động chính trị sẽ dần trở lại, sau lễ tang Vua Bhumibol Adulyadej kết thúc trong tháng 10 này, cũng là thời điểm chấm dứt 1 năm để tang vị vua mà nhiều người dân Thái kính trọnggọi là cha già.
Kan Yuenyong, thuộc tổ chức nghiên cứu Siam Intelligence Unit, nói: “Ông Prayuth muốn trì hoãn tổng tuyển cử, nhưng ông ấy biết sau khi hỏa táng Nhà vua, sẽ có sức ép tổ chức bầu cử. Tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11.2018 nhằm giảm sức ép đó, vì nếu không thì sẽ có nhiều khả năng bùng phát những vụ biểu tình phản đối chính phủ quân sự”.
Chính phủ Thủ tướng Prayuth đã phải đối mặt sức ép dỡbỏ lệnh cấm sinh hoạt chính trị, vốn được ban hành ngay sau vụ đảo chính. Ông Prayuth nói ông sẽ xem xét dở bỏ lệnh cấm này “vào thời điểm thích hợp”, nhưng không cho biết chi tiết.
Chính phủ của ông từng hứa tổ chức bầu cử năm 2015sau khi cướp chính quyền của bà Yingluck, em gái ruột cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Chính phủ của ông Thaksin hoặc của người ủng hộ ông luôn trúng cử kể từ năm 2001, phần nào nhờ phe áo đỏ thu hút được cử tri nghèo ở vùng Đông Bắc Thái Lan.
Nhưng anh em nhà Thaksin cũng có kẻ thù, gồm những quan chức chính phủ quân sự cáo buộc phe ông Thaksin tham nhũng.Ông Thaksin bị lật đổ năm 2006, sống lưu vong. Hồi tháng 8, bà Yingluck cũng sống lưu vọng, sau khi bà chạy trốn khỏi Thái Lantrước khi bị tuyên xử án 5 năm tù vì tội lơ là giám sát chương trình trợ giá gạo cho nông dân.
Một số chính khách nghi ngờ thời hạn bầu cử. Chaturon Chaisang thuộc đảng Puea Thai của ông Thaksin, nói: “Thật sự là không tin được, vì chính phủ quân sự đã đổi hạn bầu cử nhiều lần”.
Ong-art Klampaiboon, Phó chủ tịch đảng Dân chủ (đối thủ lớn nhất của Puea Thai) thì hoan nghênh việc Thủ tướng Prayuth công bố thời hạn tổ chức bầu cử: “Thời hạn này tạo ra sự minh bạch, tốt cho đất nước và người dân”.
Bích Ngọc (theo Reuters)