Trong những ngày qua, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng cao. Đến ngày hôm nay 17.3, mức giá đã vượt 70.000 đồng/kg.

Cảnh báo giá hồ tiêu tăng cao bất thường

Tuyết Nhung | 17/03/2021, 18:00

Trong những ngày qua, giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng cao. Đến ngày hôm nay 17.3, mức giá đã vượt 70.000 đồng/kg.

Trước những biến động của giá thị trường hồ tiêu nội địa trong thời gian hiện tại, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn với Ban chấp hành mở rộng, bao gồm: lãnh đạo hiệp hội cùng đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước và FDI để tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá thị trường hồ tiêu hiện nay.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, giá hồ tiêu tăng cao bất thường trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Trong những ngày gần đây, trên các vùng nguyên liệu, giá hồ tiêu nội địa liên tục tăng cao từ mức 56.000 đồng/kg ngày 3.3 tăng đến 70.000 đồng/kg ngày 11.3. Đến hôm nay 17.3, một số nơi đã lên tới 71.000 đồng/kg. Hiệp hội cho rằng mức tăng “nóng” như hiện tại ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cho biết hiện chỉ mới đầu vụ thu hoạch tiêu nhưng đa số người mua đầu cơ và nông dân tích trữ hết. Những doanh nghiệp xuất khẩu thấy giá tăng cao thì không mua và quay sang mua ở những nước khác như: Indonesia, Brazil. Nếu tình trạng này diễn ra dài thì nguy hiểm và rủi ro tới người trồng tiêu vì khả năng tồn kho cao.

Trong khi đó, số lượng hồ tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng xuất khẩu giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5%.

Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu cảnh báo không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng, cần thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.

Các địa phương và người nông dân cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không hái tiêu xanh khi thu hoạch, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống, hạn chế việc giá lên để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.

"Các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ", đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Một Thế Giới về vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Lạng - nguyên Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, giá hồ tiêu Việt Nam hiện đang ở mức cao so với thời điểm đầu tháng 3. Có thời điểm mặt hàng này tăng giá "nóng" lên mức 200.000 đồng/kg khiến người dân thi nhau trồng. Ngược lại có lúc giá lao dốc mạnh còn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, người dân thua lỗ nặng nề.

Vị chuyên gia này cho rằng các thương lái và nông dân không nên găm hàng, tích trữ để tăng giá. Vì khi mất khách hàng thì mức giá cũng sẽ phải giảm và hàng tồn kho cao, người dân trồng tiêu sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.

Theo TS Nguyễn Văn Lạng, tình hình trên cho thấy ngành hồ tiêu Việt Nam chưa phát triển bền vững. Để ngành hồ tiêu Việt Nam tăng trưởng bền vững, trước hết cơ quan quản lý cần phải rà soát và đánh giá lại sản lượng trồng hồ tiêu ở các vùng trọng điểm, đặc biệt là Tây Nguyên. Bên cạnh đó là thống kê và định danh, phân loại chất lượng hồ tiêu. Doanh nghiệp và người nông dân cần đảm bảo yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới từ bón phân, thu hoạch cho đến chế biến.

Để hồ tiêu xuất khẩu bền vững, TS Nguyễn Văn Lạng cho rằng nên đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu dưới dạng tiêu trắng. Còn về mặt kỹ thuật, TS Lạng cho biết hiện nay quan trọng nhất là chất lượng giống cây trồng.

Bài liên quan
Hơn 6.600ha hồ tiêu bị chết, nông dân 'khóc ròng' vì khó trả nợ ngân hàng
Theo phản ảnh của các tổ chức tín dụng cho vay đối với cây hồ tiêu, khách hàng vay vốn đang thực sự khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Thậm chí, nhiều khách hàng bỏ vườn tiêu, bỏ nhà đi làm ăn nơi khác, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo giá hồ tiêu tăng cao bất thường