Theo phản ảnh của các tổ chức tín dụng cho vay đối với cây hồ tiêu, khách hàng vay vốn đang thực sự khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Thậm chí, nhiều khách hàng bỏ vườn tiêu, bỏ nhà đi làm ăn nơi khác, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Hơn 6.600ha hồ tiêu bị chết, nông dân 'khóc ròng' vì khó trả nợ ngân hàng

13/05/2019, 15:06

Theo phản ảnh của các tổ chức tín dụng cho vay đối với cây hồ tiêu, khách hàng vay vốn đang thực sự khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Thậm chí, nhiều khách hàng bỏ vườn tiêu, bỏ nhà đi làm ăn nơi khác, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ.

Người dân trồng tiêu ở Gia Lai đang bị thiệt hại nặng nề - Ảnh: Internet

Người dân thiệt hại nặng, khó trả nợ!

Thời gian qua, do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa dầm thất thường khiến cho cây hồ tiêu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là tại Gia Lai chết hàng loạt. Hàng nghìn hecta hồ tiêu tại Gia Lai bị nhiễm bệnh chết đồng loạt, khiến nông dân trồng tiêu đối mặt với nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều nông hộ trồng tiêu bỏ đi khỏi địa phương hoặc không còn việc để làm đi mưu sinh ở địa phương khác, hoặc sợ ngân hàng đến đòi nợ vốn vay...

Do đó, nông dân trồng tiêu đã có đơn thư gửi đến chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) kêu cứu sự hỗ trợ về việc giảm lãi, gia hạn nợ, cơ cấu nợ và khoanh nợ vốn vay. Trước tình hình này, Thống đốc NHNN nhiều lần có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu; đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay đối với cây hồ tiêu tích cực có giải pháp hữu hiệu, kịp thời hỗ trợ cho nông dân trồng tiêu tháo gỡ khó khăn.

Tại buổi làm việc với NHNN mới đây, ông Trương Phước Ánh - Giám đốc Sở NN-PT-NT tỉnh Gia Lai cho biết nguyên nhân người nông dân sản xuất hồ tiêu bị thiệt hại là do tiêu chết, giá cả giảm thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống và khả năng trả nợ vay ngân hàng.

Nguyên nhân sâu xa hơn là từ những năm trước, khi hồ tiêu được giá, người nông dân đã bất chấp, phát triển "nóng" cây hồ tiêu, vượt xa diện tích quy hoạch của địa phương gần gấp 2 lần, với gần 7.000ha. Từ năm 2017 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, cùng với giá hồ tiêu liên tục sụt giảm, dẫn đến người dân không giảm đầu tư chăm sóc dẫn đến tiêu chết hàng loạt, với 6.627ha tiêu bị chết.

Về tình hình cho vay ngành tiêu và tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết dư nợ cho vay của 14 chi nhánh tổ chức tín dụng và ngân hàng chính sách xã hội đối với hồ tiêu tại Gia Lai đạt trên 3.724 tỉ đồng (ngắn hạn 2.665 tỉ đồng, chiếm 71,56%).

Số khách hàng còn dư nợ là 18.888 khách hàng. Diện tích hồ tiêu bị thiệt hại đến nay là 6.490 ha. Dư nợ thiệt hại 2.653 tỉ đồng của 11.056 khách hàng. Nợ xấu là 451 tỉ đồng, chiếm 12,1% dư nợ cho vay hồ tiêu, (Dư nợ ngành tiêu Tây Nguyên đạt 12.153 tỉ đồng, trong đó thiệt hại tại 2 tỉnh: Gia Lai 2.653 tỉ đồng, Đắk Nông 250 tỉ đồng).

Vừa qua, NHNN đã nhận được kiến nghị của UBND tỉnh Gia Lai, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Gia Lai và Nghệ An, các hộ dân huyện Chư Prông đề nghị NHNN: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất vay và cho vay mới để giúp người dân trồng hồ tiêu trong tỉnh Gia Lai ổn định sản xuất. Tiếp đến là khoanh nợ cho các hộ nông dân vay vốn trồng hồ tiêu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Ngân hàng vào cuộc "giải cứu"

Các tổ chức tín dụng khẳng định cho biết trước sự khó khăn của người dân, ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc. Theo đại diện Agribank, các chi nhánh tại Gia Lai cho vay đối với cây hồ tiêu hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại hơn 928 tỉ đồng; nợ xấu gần 50 tỉ đồng. Song để hỗ trợ người trồng tiêu có điều kiện làm ăn trả nợ vốn vay, Agribank đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ như cho vay mới để nông dân chuyển đổi cây trồng, điều chỉnh lãi suất, giảm lãi suất cho vay trung dài hạn...

Còn đại diện hội sở VietinBank cho hay, các chi nhánh đã cho vay đối với cây hồ tiêu tại Gia Lai khoảng 717 tỉ đồng (621 tỉ đồng nợ quá hạn). Trước thực tế này, lãnh đạo VietinBank có văn bản chỉ đạo các chi nhánh xem xét cơ cấu lại nợ, cho vay mới đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh đối với cây hồ tiêu hiệu quả.

Đại diện VietinBank kiến nghị: "Việc xử lý nợ, tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiều cần có sự chung tay của NHNN, các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc công bố dịch bệnh thiên tai để có hướng đề xuất khoanh nợ cho người trồng tiêu".

Về phía NHNN, Phó Thốc đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Đây là vấn đề cấp bách cần có sự phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu. Công việc trước mặt cần làm ngày là NHNN tỉnh Gia Lai, các tổ chức tín dụng, nhanh chóng thống kế, đánh giá thực trạng, chất lượng tín dụng đối với cây hồ tiêu; phân tích thiệt hại tín dụng, thiệt hại thực tế của bà con nông dân, thực tế dư nợ đến thời điểm hiện tại, có báo cáo tổng hợp về NHNN trước ngày 30.6.2019. Đề xuất giải pháp, hướng xử lý về thực trạng thiệt hại; các tổ chức tín dụng xem xét từng món vay cụ thể để giảm lãi vay, giãn nợ; đặc biệt là miễn, giảm lãi vay cho nông dân; báo cáo kết quả xử lý về NHNN. Bàn bạc cụ thể với khách hàng trước khi đưa ra hướng xử lý nợ vay. Trên cơ sở đó, các chi nhánh đề xuất trích lập dự phòng rủi ro đối với tín dụng cho vay cây hồ tiêu bị thiệt hại.

Năm 2018, cả nước chứng kiến sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong ngành hồ tiêu khiến nông dân bỏ mặc tiêu chín hoặc cho không do phí thuê nhân công quá cao. Năm 2019, dự báo áp lực khan hiếm lao động sẽ tăng cao, trong khi dự báo giá tiêu sẽ không khởi sắc. Trường hợp tiêu xuống dưới giá thành nông dân sẽ không bán ra, nhưng hiện nay giá thành sản xuất tiêu của Việt Nam được cho là thấp nhất so với các nước khác.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
8 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 6.600ha hồ tiêu bị chết, nông dân 'khóc ròng' vì khó trả nợ ngân hàng