Ba Lan, một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất đang tạm dừng các chuyến hàng vũ khí mới tới Kyiv do căng thẳng về xuất khẩu ngũ cốc tại Trung Âu.

Căng thẳng về xuất khẩu ngũ cốc có khiến Ba Lan ‘quay lưng’ với Ukraine?

Hoàng Vũ (theo Washington Post) | 22/09/2023, 17:50

Ba Lan, một trong những nước ủng hộ Ukraine nhiệt tình nhất đang tạm dừng các chuyến hàng vũ khí mới tới Kyiv do căng thẳng về xuất khẩu ngũ cốc tại Trung Âu.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Polsat, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết sẽ không cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine bởi nước này phải trang bị cho quân đội những vũ khí hiện đại nhất.

thu-tuong-ba-lan.png
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tại cuộc họp báo ở Warsaw hôm 20.9 - Ảnh: EFE

“Chúng tôi không chuyển giao bất kỳ loại vũ khí nào nữa vì giờ đây chúng tôi cần trang bị cho mình những loại vũ khí hiện đại nhất… Nếu không muốn ở vào thế phải phòng thủ, chúng tôi phải có thứ gì đó để bảo vệ chính mình. Đây là nguyên tắc của chúng tôi, vì thế chúng tôi đã tăng cường mua sắm vũ khí. Chúng tôi tập trung vào hiện đại hóa và nhanh chóng trang bị cho quân đội để Ba Lan có thể trở thành một trong những đội quân mạnh nhất châu Âu”, ông Morawiecki nói.

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Müller đã làm rõ với Cơ quan báo chí Ba Lan hôm 21.9 rằng Warsaw sẽ chỉ thực hiện cung cấp vũ khí đã thỏa thuận trước đó cho Ukraine, bao gồm cả pháo tự hành do Ba Lan sản xuất.

Tuy nhiên, Ba Lan dường như đang cố gắng xoa dịu căng thẳng với Kyiv khi vào cuối ngày 21.9, Tổng thống Andrzej Duda kêu gọi các bên bình tĩnh và cảnh báo không nên “diễn giải quá mức” về những bình luận của Thủ tướng Morawiecki.

Tổng thống Duda tuyên bố bình luận của ông Morawiecki về ngừng chuyển vũ trang cho Ukraine đã bị hiểu sai khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.

"Lời nói của Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã bị hiểu theo cách tồi tệ nhất. Theo tôi, ông ý muốn nói rằng chúng tôi sẽ không chuyển giao cho Ukraine những loại vũ khí mới mà chúng tôi đang mua để hiện đại hóa quân đội Ba Lan", ông Duda giải thích.

Theo ông Duda, khi Ba Lan nhận được vũ khí mới từ Mỹ và Hàn Quốc, Warsaw có thể chuyển giao loại vũ khí đang được quân đội Ba Lan sử dụng cho Ukraine. “Vẫn có khả năng vũ khí từ kho quân đội cũ có thể được chuyển đến Kyiv giống như chúng tôi đã làm trước đây”, Tổng thống Duda phát biểu với các phóng viên Ba Lan tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 21.9.

Washington Post cho biết Nga đã nhắm mục tiêu vào ngành nông nghiệp quan trọng của Ukraine, làm gián đoạn các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen và liên tục ném bom cơ sở hạ tầng ngũ cốc của nước này. Điều này đã khiến Ukraine gặp khó trong việc tìm kiếm các tuyến xuất khẩu khác trong khi Ba Lan và các nước láng giềng Trung Âu đang tìm cách bảo vệ nông dân của họ trước một thị trường tràn ngập ngũ cốc Ukraine giá rẻ.

Ba Lan, Hungary và Slovakia tuần trước cho biết họ sẽ duy trì lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm ngũ cốc của Ukraine thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) dù đã hết hạn. Warsaw, Budapest và Bratislava khẳng định họ hành động vì lợi ích của nền kinh tế và bảo vệ nông dân khỏi tình trạng dư thừa sản phẩm.

Các quan chức Ukraine trong tuần này đã cam kết sẽ có hành động pháp lý chống lại Ba Lan, Hungary và Slovakia để hủy bỏ lệnh cấm.

Tranh chấp ngày càng gay gắt về vấn đề nông nghiệp đã làm đảo lộn mối quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan - một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất Kyiv trong cuộc chiến chống lại Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Ba Lan là nhà tài trợ quân sự lớn thứ 6 cho Ukraine. Warsaw đã cung cấp hơn 3,2 tỉ USD viện trợ quân sự cho Kyiv với nhiều tiêm kích MiG-29, xe tăng và thiết giáp, khí tài hạng nặng cùng đạn dược. Ba Lan cũng đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu người tị nạn từ quốc gia láng giềng.

Ukraine phản ứng gay gắt

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 19.9 đã bóng gió nói rằng Ba Lan đang rơi vào tay Nga. Ông cáo buộc một số người ở châu Âu đang “giả vờ đoàn kết trong sân khấu chính trị” để làm lợi cho Nga.

“Có thể họ đã thể hiện vai trò riêng của mình, nhưng trên thực tế, họ đang tạo điều kiện để tiếp tay cho Moscow”, ông nói.

Ba Lan ngay sau đó đã triệu tập đại sứ Ukraine tại Warsaw vào hôm 20.9 để phản hồi những bình luận trên.

Trả lời phỏng vấn với đài truyền hình Polsat, Thủ tướng Ba Lan Morawiecki lên án “những lời lẽ rất mạnh mẽ” của ông Zelensky.

“Chúng tôi gửi lời cảnh báo tới Kyiv không nên phát ngôn như vậy… Với sự hỗ trợ của Ba Lan dành cho Ukraine, bao gồm cả việc vận động hành lang để Đức gửi vũ khí, những lời nói như vậy là không công bằng. Các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Ba Lan đang diễn ra, nhưng lợi ích của nông dân Ba Lan chắc chắn sẽ luôn là điều quan trọng nhất đối với tôi”, ông Morawiecki nhấn mạnh.

Ba Lan khó chấp nhận Ukraine gia nhập EU?

Đại sứ quán Ba Lan tại Washington hôm 21.9 cũng đã nêu rõ quan điểm của chính phủ bằng một tuyên bố gồm chín điểm, kết luận rằng mặc dù Ba Lan tiếp tục ủng hộ việc bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine trong EU, nhưng những cuộc đàm phán đó “sẽ cần phải tính đến lợi ích của Ba Lan”.

Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền của Thủ tướng Morawiecki coi các khu vực nông nghiệp dọc biên giới với Ukraine là trọng tâm và đang đấu tranh trước cuộc bầu cử sẽ diễn vào tháng tới để duy trì sự ủng hộ của cử tri ở đó. Đảng Luật pháp và Công lý đang bị chèn ép bởi đối thủ cực hữu Konfederacja - đảng đã nhiều lần kêu gọi về việc cắt giảm viện trợ của Ba Lan cho Ukraine.

Những tuyên bố của ông Morawiecki dường như là một phần trong nỗ lực trước bầu cử của đảng cầm quyền nhằm trấn an cử tri rằng họ sẽ không đặt lợi ích của Ukraine lên trên người dân Ba Lan, và đặc biệt là nông dân, những người tức giận vì giá sản phẩm của họ thấp, đổ lỗi cho ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tràn vào.

Giống như Ba Lan, Slovakia đang phải đối mặt với một cuộc bầu cử cam go, với cử tri ở đó sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 30.9. Việc xoa dịu nông dân được coi là chìa khóa để giúp đảng cầm quyền nước này duy trì được sự ủng hộ.

Chính phủ Slovakia xác nhận hôm 21.9 rằng Slovakia và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về hệ thống cấp phép mới để kinh doanh ngũ cốc sau cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng nông nghiệp của hai nước. Bộ Nông nghiệp Slovakia cho biết lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraina sẽ tiếp tục "cho đến khi hệ thống này được triển khai và hoạt động đầy đủ".

Ukraine cũng đồng ý dừng hành động pháp lý chống lại Slovakia trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và dỡ bỏ các mối đe dọa về các lệnh cấm trả đũa đối với các sản phẩm của Slovakia.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã hạ thấp sự rạn nứt giữa Ba Lan và Ukraine, đồng thời coi động thái của Warsaw là chỉ là nỗ lực nhất thời để lôi kéo cử tri ủng hộ đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử sắp tới.

“Một số người sẽ cảm thấy các tuyên bố của Thủ tướng Ba Lan Morawiecki có thể phản ánh rằng sự đoàn kết với Ukraine cuối cùng đang rạn nứt nhưng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều đó ở mọi cấp độ. Trong toàn bộ bộ máy ở Ba Lan, chúng tôi đã thấy được cam kết chắc chắn về việc duy trì đường lối và không có sự thay thế nào khác…

Bình luận của ông Morawiecki không đồng nghĩa với việc sẽ có một số thay đổi đáng kể trong sự thống nhất của liên minh ủng hộ Ukraine hoặc thậm chí là quyết tâm của Ba Lan trong việc hỗ trợ Kyiv cho đến chừng nào cần thiết”, quan chức này cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng về xuất khẩu ngũ cốc có khiến Ba Lan ‘quay lưng’ với Ukraine?