Một sĩ quan quân đội CHDCND Triều Tiên báo động: Căng thẳng gia tăng rất nguy hiểm ở biên giới Triều-Hàn.

Căng thẳng gia tăng nguy hiểm ở biên giới Triều-Hàn

Một Thế Giới | 23/02/2016, 15:00

Một sĩ quan quân đội CHDCND Triều Tiên báo động: Căng thẳng gia tăng rất nguy hiểm ở biên giới Triều-Hàn.

Thượng tá Nam Dong Ho của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) hôm 22.2 nói với hãng tin AP tại làng Bàn Môn Điếm, nơi ký hiệp định đình chiến: “Nhiều người đến đây ngỡ như một khu nghỉ dưỡng. Nếu biết rõ nó hơn, quý vị sẽ biết nó nguy hiểm chừng nào”.  

Nam nói căng thẳng gia tăng đáng kể từ sau hai vụ thử hạt nhân và vệ tinh của Bình Nhưỡng: “Một sự cố nào đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.

Hiệp định đình chiến Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã lập ra khu giới tuyến phi quân sự (DMZ) dài 257 km ngăn cách Triều Tiên-Hàn Quốc. Hai bên đều trang bị vũ khí đầy đủ, vì dưới mắt các nhà quân sự, một sự cố luôn có thể bùng nổ.
Hàng ngàn quân Mỹ triển khai ở Hàn Quốc và các đơn vị đóng quanh khu DMZ đều có khẩu hiệu “Sẵn sàng chiến đấu tối nay”.

AP được cơ hội đi qua các chốt kiểm soát, chướng ngại vật, ghi nhận khung cảnh yên bình ở bên phần đất của Triều Tiên. Nhưng gần đường ranh giới (biên giới thật) binh lính hai bên đứng nghiêm canh gác, trang bị súng ống và vẻ mặt đầy đe dọa.

Ngày 22.2, cảm giác căng thẳng hiện rõ ở đường ranh giới bên Triều Tiên: từ bên Hàn Quốc nhìn qua không một bóng lính hoặc dân thường nào.

Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân ngày 6.1, Hàn Quốc cấm du khách đến khu DMZ, đồng thời nối lại chương trình dùng loa tuyên truyền qua phía Triều Tiên.

Các chuyến du lịch DMZ dần nối lại, một đài quan sát dân sự mở lại hôm nay 23.2, cho phép du khách dùng ống nhòm nhìn qua Triều Tiên.

Cùng việc nối lại chương trình tuyên truyền, nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng phản ứng với vụ thử hạt nhân, bằng cách đóng cửa khu công nghiệp hợp tác Hàn-Triều Keasong trên đất Triều Tiên, cách khu DMZ về phía bắc.

Bà Park nói với Quốc hội Hàn Quốc: nếu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không thay đổi cách điều hành, chế độ của ông chắc chắn sẽ sụp đổ.

Tuyên bố này dĩ nhiên chọc tức Triều Tiên. Bình Nhưỡng phản ứng bằng cách điều quân kiểm soát khu công nghiệp Kaesong, cắt đường dây nóng với Hàn Quốc. Giới truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi bà Park là “kẻ phản bội”,”bà cụ yếu sức”.  

Thượng tá Nam tuyên bố với AP: “Tôi thậm chí chẳng muốn nói tên bà ta. Tôi chỉ là một người lính, nên không biết tình hình thay đổi thế nào. Nhưng vì Hàn Quốc đóng cửa Kaesong, quân-dân chúng tôi càng phẫn nộ”.

Ông nói vào ban ngày tại Bàn Môn Điếm, không nghe được chương trình xuyên tạc của Hàn Quốc, có lẽ vì Seoul không muốn du khách Hàn Quốc nghe. Nhưng “vào khuya yên tĩnh, quý vị có thể nghe được chúng”.

Thượng tá Nam cho biết ông ráng tập trung vào nhiệm vụ. Nhưng nói thêm rằng nay Triều Tiên đã tuyên bố có bom nhiệt hạch, thì tốt nhất Mỹ nên tập trung đàm phán một thỏa thuận hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên:

“Trên vũ đài quốc tế, Mỹ toàn nói chuyện hòa bình, nhưng họ chớ nên can thiệp vào chuyện của các nước khác”.
Cang thang gia tang rat nguy hiem o bien gioi Trieu-Han-hinh-anh-1
Thượng tá Nam của KPA
Sự căng thẳng gia tăng rất nguy hiểm ở biên giới Triều-Hàn càng nóng giữa Bình Nhưỡng, Seoul và Washington, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân ngày 6.1 và phóng tên lửa đưa vệ tinh quan sát trái đất lên không gian ngày 7.2.

Bình Nhưỡng tuyên bố phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN) để tự vệ và có quyền phóng vệ tinh như một phần chương trình không gian hòa bình. Nhưng các hoạt động này đều vi phạm các nghị quyết cấm vận Triều Tiên của LHQ.

Hội đồng bảo an LHQ đang bàn cách phản ứng, nhưng Mỹ, Nhật, Hàn đều tuyên bố bồi thêm các trừng phạt mới vào những lệnh cấm vận Triều Tiên trước đó.

Vì thế, sự đối đầu Triều-Hàn có nguy cơ trầm trọng hơn trước khi được cải thiện.

Mỹ đã cho 3 chiến đấu cơ tàng hình F-22 biểu dương lực lượng trên bầu trời Hàn Quốc, tái khẳng định “quyết tâm sắt” bảo vệ đồng minh sau vụ phóng tên lửa ngày 7.2 của Bình Nhưỡng.

Hồi tháng 1.2016, Mỹ cũng cho một máy bay ném bom B-52 có thể tấn công hạt nhân đến Hàn Quốc, sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

Trong tháng 3.2016, quân đội Hàn-Mỹ sẽ có những cuộc tập trận quy mô lớn. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói khoảng 15.000 quân Mỹ sẽ tham dự các cuộc tập trận hàng năm, tăng gấp đôi số lính Mỹ thường được cử tham gia.

Mỹ-Hàn cũng bắt đầu đàm phán khả năng Mỹ dàn hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, điều khiến Trung Quốc và Nga phản đối, vì radar của THAAD có thể thu thập thông tin trên lãnh thổ TQ và Nga.

Bảo Vĩnh (theo AP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng gia tăng nguy hiểm ở biên giới Triều-Hàn