Các ĐBQH cho rằng trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng; nhiều quy hoạch khác chưa được xử lý.
Theo dòng thời sự

Cần giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch

Lam Thanh 25/10/2024 11:08

Các ĐBQH cho rằng trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng; nhiều quy hoạch khác chưa được xử lý.

Sáng 25.10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) cho biết quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự án luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. Do đó, cần rà soát các quy định của các dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.

qh-3.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng khoản 1 và khoản 3 Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Tuy nhiên, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc.

“Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt”, bà Hạnh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn.

qh-1.jpg
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Đại biểu Lã Thanh Tân (TP.Hải Phòng) cho rằng dự thảo luật cần có quy định để đảm bảo sự phù hợp tuân thủ của các dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch…

Theo ông Tân, quy định tại Điều 8 của dự thảo luật, khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn cùng cấp độ, cùng cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch quyết định quy hoạch được thực hiện; trường hợp cùng cấp độ, khác cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định.

Theo đại biểu này, quy định như dự thảo luật hiện tại có thể làm phát sinh tình trạng khi một dự án hoạt động triển khai thực hiện gặp phải sự không thống nhất giữa các quy hoạch thì phải dừng lại để thực hiện thủ tục chờ cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch thực hiện, hoặc chờ điều chỉnh các quy hoạch cho thống nhất mới được thực hiện.

qh-4.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân (TP.Hải Phòng)

Ngoài ra, Điều 8 của dự thảo luật cũng mới chỉ đề cập đến sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn với nhau theo quy định của luật này.

“Trên thực tế còn có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch xây dựng và nhiều quy hoạch khác như: Quy hoạch khoáng sản, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, sử dụng đất cũng chưa được xử lý. Mặc dù trong dự thảo luật cũng đã có quy định các nguyên tắc để đảm bảo tính thống nhất trong lập quy hoạch, nhưng thực tế nội dung của các quy hoạch mâu thuẫn, chồng chéo là điều không tránh khỏi”, đại biểu Tân nêu.

Từ các phân tích trên, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc áp dụng, sử dụng quy hoạch khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Qua đó để có cơ sở xác định và áp dụng được nhanh, tránh lãng phí về thời gian, chi phí cũng như cơ hội của nhà đầu tư và nguồn lực của nhà nước.

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu Trình Lam Sinh (tỉnh Lạng Sơn) cho rằng quy hoạch đô thị và nông thôn hiện còn thiếu đồng bộ, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được phát triển kinh tế, còn diễn ra ùn tắc giao thông.

Theo ông Sinh, trong thời gian vừa qua, pháp luật về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị còn một số bất cập, chưa hoàn thiện, lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến công tác quy hoạch, quản lý còn hạn chế.

Cụ thể, quy hoạch thiếu đồng bộ, chưa gắn kết với các quy hoạch khác như là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng chất lượng đô thị hóa chưa cao, chủ yếu là phát triển theo chiều rộng, kết cấu chất lượng hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế; còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm ở các thành phố lớn, thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thiếu không gian xanh, không gian ngầm và không gian sinh hoạt công cộng...

Để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết về cách thức quản lý, sử dụng các nguồn lực để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và đồng thời là không vi phạm những hành vi bị cấm trong luật này...

qh-2.jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương)

Đề cập tới nội dung thành phố trong thành phố, đại biểu Nguyễn Quang Huân (tỉnh Bình Dương) đề nghị cân nhắc có nên đưa thêm khái niệm “siêu đô thị” trong dự thảo luật?

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung khái niệm về "công trình ngầm" trong Điều 2 của dự thảo luật để tránh các trường hợp diễn giải khác nhau.

Về quy định về bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng quy định về yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 9) còn quá chung chung, cần cụ thể hóa hơn, ví dụ như quy hoạch quản lý rác thải đô thị; cần có quy định rõ ràng hơn về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn lực hỗ trợ quy hoạch, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích khi các nhà đầu tư tư nhân tài trợ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
42 phút trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch