Cầm cây bút bi để viết, bất ngờ bé trai dùng miệng cắn đầu bút khiến đầu bút bi chạy lọt vào cổ, bé ho sặc sụa và bị nghẹt thở, gia đình lập tức chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Bé trai rơi vào hoàn cảnh trên là cháu Lê Thành Tâm (sinh năm 2009, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Ngày 8.1 Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa thực hiện gắp thành công một dị vật nằm sâu trong cổ của bé trai Lê Thành Tâm.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Như-Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, bé Tâm được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng ho liên tục và khó thở.
Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ cháu bị một di vật chắn ngang cổ. Ngay sau đó, các bác sĩ tiến hành cho chụp CTScan cổ ngực và phát hiện trong đường thở của cháu có một dị vật dạng ống nằm trong lòng phế quản thùy dưới bên phải.
Các bác sĩ đã tiến hành nội soi đường thở để gắp dị vật này ra ngoài. Dị vật được gắp ra là một đầu bút bi khá nhọn đã bị nứt nhiều chỗ.
“Hiện sau 3 ngày gắp dị vật, sức khỏe của bé đã ổn định. Trong trường hợp này, nếu bé không được gắp dị vật kịp thời sẽ bị nhiễm trùng phế quản, buộc phải phẫu thuật lồng ngực, nguy cơ tắc mạch máu dẫn đến tử vong là rất cao”, bác sĩ Như nói.
Theo người nhà của bé Tâm, trong lúc bé đang ngồi viết bài đã dùng đầu bút bi bằng nhựa mềm ngậm vào miệng, bất ngờ bé bị sặc và nuốt chửng luôn đầu bút bi vào cổ khiến bé nghẹt thở và ho dữ dội liên tục.
Gia đình đã đưa cháu đến bệnh viện địa phương điều trị nhưng tình trạng trên vẫn không được cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Theo bác sĩ Như, hàng năm cứ vào mỗi dịp Tết bệnh viện tiếp nhận từ 5 đến 10 ca bệnh bị dị vật đường thở do ăn, ngậm hạt dưa, hạt bầu, hạt hướng dương…
“Trẻ nuốt hoặc hít phải dị vật có thể xuất hiện suy hô hấp cấp vài ngày hoặc vài tháng sau khi bị sặc. Các dấu hiệu phổ biến khác là nghẹt thở, khó thở”, bác sĩ Như cho biết.
Hồ Quang