Bộ phim Giết con chim nhại ra rạp năm 1962 đạt doanh thu gần gấp 10 lần vốn đầu tư, thu lại vô số các phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và luôn được cân nhắc là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Cảm hứng điện ảnh: Giết con chim nhại để lại dấu ấn về lương tri!

09/01/2017, 12:44

Bộ phim Giết con chim nhại ra rạp năm 1962 đạt doanh thu gần gấp 10 lần vốn đầu tư, thu lại vô số các phản hồi tích cực từ các nhà phê bình và luôn được cân nhắc là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại.

Giết con chim nhại (To kill a mockingbird) có thể gọi là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Harper Lee (1926 - 2016) trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác. Bà giới thiệu đến độc giả tác phẩm này năm 1960, đoạt giải Pulitzer năm 1961. Mãi đến năm 2015, tức ở tuổi 89, bà mới cho xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ 2, phần tiếp theo của To kill a mockingbird, có tên là Go set a watchman (Hãy đi đặt người canh gác).
Cuốn tiểu thuyết Giết con chim nhại được kể với văn phong giản dị và tuyệt đẹp, vừa ấm áp vừa hài hước, qua hồi ức của Scout, cô bé gái 8 tuổi sống với bố và anh trai cùng một người giúp việc. Bối cảnh ở miền nam nước Mỹ trong những năm 1930, nơi mà nạn phân biệt chủng tộc nặng nề nhất. Tuy có những trải nghiệm trẻ thơ trong sáng về cuộc sống thường ngày của hai anh em, của cậu bạn Dill tò mò hiếu động hàng xóm, nhưng nhân vật chính xuyên suốt mà Scout kể lại là bố Atticus Finch. Đó là một người cha, một hình mẫu của lương tri và nhân phẩm. Nếu đứa trẻ nào lúc lớn lên cũng có một người cha như Atticus, đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ trở thành những con người chính trực và thiện lương nhất. Atticus là một luật sư tài giỏi và được kính trọng, nhưng ông sẵn sàng bảo vệ một người da đen bị kết tội hiếp dâm một phụ nữ da trắng giữa thời điểm mà người da đen luôn bị coi khinh như đám người hạ đẳng và tất cả bọn họ đều sai, trong bất cứ phiên tòa nào. Atticus biết rõ người da đen đó bị kết tội oan và ông tìm mọi bằng chứng, mọi lý lẽ để bảo vệ anh ta, dù ông bị cả đám đông da trắng còn lại chống đối, lên án, thóa mạ và thậm chí còn gây nguy hiểm đến con cái của Atticus, hai đứa con mà ông luôn coi là lẽ sống của đời mình.
Một cảnh trong phim "Giết con chim nhại"
Cách nuôi dạy hai đứa con sắp lớn của Atticus là để chúng tự trải nghiệm với cuộc sống và tự nhìn nhận bằng đôi mắt trẻ thơ chưa bị vẩn đục bởi định kiến như những người lớn trong xã hội. Cách dạy con đó, dù đôi lúc khiến những đứa trẻ bị tổn thương, thậm chí gặp nguy hiểm, nhưng sẽ khiến bọn trẻ trưởng thành với một tâm hồn thiện lương và một trái tim luôn đứng về lẽ phải, về những người yếu thế. Rõ ràng là thế, trong phiên tòa xét xử người da đen hiếp dâm, Atticus đã có đủ bằng chứng để giúp anh chiến thắng, nhưng ông không chiến thắng được những định kiến xã hội lúc đó, và người da đen phải trả giá bằng cái chết của mình.
Atticus không bao giờ che giấu sự thật, cho dù đó là sự thật bị thua cuộc, sự thật đau đớn, như cách ông nói về sự thật mà ông dạy đứa con trai Jem.
Đọc Giết con chim nhại, có rất nhiều câu nói lương tri khai sáng khác, chủ yếu đến từ người luật sư Atticus, giúp người đọc soi sáng mình, soi sáng cho những điều tăm tối, nhất là những đứa trẻ mới lớn chưa tự lý giải được, và thậm chí cả những người lớn mà lý trí bị che mờ bởi những định kiến do đám đông tạo nên. Như Scout từng nói: “Bố Atticus đúng. Có lần ông nói bạn không bao giờ thực sự biết một người cho đến khi bạn ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”; hay: “Có một điều không thuận theo những luật lệ của đám đông, đấy là lương tri của một con người”.
Atticus Finch sau đó được thể hiện trên màn ảnh bởi Gregory Peck và mang về cho ông giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Ông được coi là một trong những người hùng vĩ đại nhất của màn ảnh, một “standing man” (người kiên định - NV), mà gần đây viên luật sư James B.Donovan (Tom Hanks đóng) trong Bridges of spies (Người đàm phán) được coi là nhân vật kế thừa.
Giết con chim nhại là hồi ức của chính Harper Lee, bà là hình mẫu của cô bé Scout 8 tuổi nhạy cảm, và người cha ngoài đời của bà chính là hình mẫu của bố Atticus. Cậu bé Dill tò mò hiếu động, không ai khác chính là Truman Capote, sau này cũng trở thành nhà văn nổi tiếng của Mỹ với Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany) hay In cold blood (Máu lạnh).
Nữ tác gia Harper Lee
Những năm 1960, cả Harper Lee và Truman Capote, sau những cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn của họ, đều trở thành ngôi sao trên văn đàn Mỹ, không kém gì các ngôi sao điện ảnh đương thời. Xem Capote và Infamous (cả hai phim đều về Truman Capote ra mắt hai năm liền nhau) gần đây, ta đều thấy tình bạn của Harper Lee và Truman Capote. Ở thời điểm đó, Harper theo Truman đến Kansas để gặp gỡ hai kẻ sát nhân giết chết cả một gia đình ở vùng quê này, là chất liệu để sau đó Truman viết cuốn tiểu thuyết kinh điển In cold blood. Harper Lee trong Capote được thể hiện bởi Catherine Keener và trong Infamous (Nhà hùng biện) được thể hiện bởi Sandra Bullock. Cả hai hình ảnh Harper Lee trong hai phim đều được xây dựng với vẻ hài hước và điềm tĩnh của một nhà văn lớn. Trong phần cuối của Infamous, tôi nhớ mãi đoạn phỏng vấn với truyền hình, Harper Lee (Sandra Bullock đóng) nói về lý do tại sao bà không viết cuốn tiểu thuyết nào tiếp theo nữa và sẵn sàng trở thành “nhà văn một tác phẩm”, bởi vì bà ngán ngẩm đám đông, ngán ngẩm đám truyền thông khi phỏng vấn, hầu như không hỏi điều gì thú vị hơn ngoài câu hỏi “What’s next?” (Tác phẩm tới là gì?).
Lê Hồng Lâm/TNO
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm hứng điện ảnh: Giết con chim nhại để lại dấu ấn về lương tri!