Sự việc nhóm trộm xe hung hãn đâm chết 2 hiệp sĩ đường phố và làm bị thương 3 người khác tại TP.HCM, khiến nhiều người rúng động.

Cái chết của 'hiệp sĩ' và vai trò của những người mang sắc phục công an

14/05/2018, 18:30

Sự việc nhóm trộm xe hung hãn đâm chết 2 hiệp sĩ đường phố và làm bị thương 3 người khác tại TP.HCM, khiến nhiều người rúng động.

1 hiệp sĩ tham gia bắt cướp - Ảnh: FB Đoàn Quý Lâm

Rúng động, bởi sự hung hãn dữ tợn của nhóm trộm cắp. Chúng sẵn sàng chuyển từ kẻ trộm sang kẻ cướp, liều mạng với những người dám cản trở chúng làm bậy.

Và rúng động hơn, bởi thông tin, một số người đã cầu cứu những người mặc trên mình sắc phục công an, thuộc Công an P.10, Q.3, TP.HCM, chỉ cách hiện trường không xa, nhưng bị từ chối, vì cho rằng khác địa bàn.

Tuy nhiên, theo báo điện tử Infonet, đại diện Công an P.10 phản bác thông tin trên. Theo Công an P.10, tối 13.5, khi xảy ra vụ việc thì có người chạy đến khu vực nghĩa trang Hồi giáo (số 360C Cách Mạng Tháng Tám, Q.3), nhờ hỗ trợ các “hiệp sĩ” bị nhóm trộm cướp tấn công. Lúc đó chỉ có cán bộ công an và tổ dân phố làm nhiệm vụ canh gác nghĩa trang, không phải trụ sở chính của Công an P.10.

“Nghĩa trang này đang nằm trong diện giải tỏa mặt bằng của TP nên Công an Q.3 cử cán bộ công an quận và tổ dân phố đến canh giữ. Do không thể tự tiện rời bỏ mục tiêu nên cán bộ công an quận có yêu cầu tổ dân phố đưa người dân đến trụ sở Công an P.10 trình báo.

Trụ sở công an gần hiện trường nên khi xảy ra vụ việc, lực lượng công an lập tức đến phong tỏa hiện trường, phối hợp với Công an Q.3 và Công an TP.HCM điều tra, truy bắt hung thủ” - đại diện Công an P.10 thông tin trên Infonet.

Nếu sự việc đúng như vậy, thì sự vô cảm vẫn hiển hiện rất rõ. Mạng người nghìn cân treo sợi tóc, trễ vài giây đã mất mạng, vậy mà những người mặc sắc phục công an vẫn dửng dưng. Vụ việc xảy ra gần đó, dân mới cầu cứu, và khu vực trong diện giải tỏa mặt bằng, chẳng lẽ rời đó đi ít thời gian để cứu người không được hay sao?

Công an, cả xã hội trông chờ vào sắc phục của họ, để mong an ninh trật tự được giữ gìn, bảo vệ người dân, thế mà… Chỉ huy nào nỡ kỷ luật các anh, nếu biết các anh rời nơi trực đôi chốc, chỉ để cứu người? Các anh vô cảm hay hèn nhát, khi biết mình sẽ đối mặt với những kẻ có dao, búa, chứ không phải những người dân hiền lành?

Trình báo? Càng vô cảm! Các anh là công an, giả như các anh không đến giúp người được, thì hãy giúp họ gọi người trong ngành đến giúp họ ngay đi chứ? CSGT bắt xe, bị người vi phạm chống đối, chỉ ngay lập tức lực lượng hỗ trợ đã đến đông ken. Vậy trong trường hợp này, sao lại vô cảm hướng dẫn dân đến… công an trình báo?

Thời ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương, còn làm Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, tối đó vô cớ bị 2 thanh niên say rượu đánh chảy máu đầu. Lo sợ, ông đến Công an P.An Hòa trình báo, và được Phó công an yêu cầu ngồi… viết đơn trình báo. Trong khi đúng ra, công an phải giữ ngay 2 kẻ côn đồ, và đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Dù sau đó ông Tuấn Anh không yêu cầu gì, nhưng “ngẫu nhiên”, Ban giám đốc Công an TP.Cần Thơ đã xử lý rất hợp lẽ đối với ông Phó công an vô cảm. Sau đó, ông không được bổ nhiệm lại, chỉ làm công an viên. Nhưng có lẽ, sắc phục công an viên cũng quá tầm với những kẻ vô cảm như vậy.

PV đã tận mắt chứng kiến, những trường hợp CSGT bất chấp hiểm nguy, chạy hết tốc độ chỉ để bắt những thanh niên không đội mũ bảo hiểm. Còn công an phường, sẵn sàng rượt người dân qua tận địa bàn phường khác, “điều” về để phạt tội không đội nón bảo hiểm. Để bắt dân phạt vạ, công an không vô cảm, rất hăng hái và không phân biệt địa bàn.

Những “hiệp sĩ” gặp nạn, đã làm thay công việc của những người mặc sắc phục công an trang bị vũ khí tận răng, chỉ vì “giữa đường thấy việc bất bình chẳng tha”, dù họ chẳng có tấc sắt trong tay. Các “hiệp sĩ” không có một đồng lương, còn những người trong ngành công an, lương cao ngất ngưỡng so với mặt bằng lương công chức. Hãy biết thẹn với các “hiệp sĩ”!

“Nếu biết con tham gia thì tôi đã có lời can ngăn rồi. Tình hình trật tự đã có công an lo, mình đâu có nghiệp vụ gì mà tham gia vào. Lạy trời phật cho con tôi qua khỏi, nếu có mệnh hệ gì chắc tôi sống không nổi”, báo Thanh Niên dẫn lời mẹ của 1 trong các “hiệp sĩ” đang nằm viện.

Sẽ càng buồn hơn, nếu bà biết một số công an đã vô cảm khi con bà trong thế “dầu sôi lửa bỏng”. Và sẽ càng buồn hơn, nếu xã hội này không còn những “hiệp sĩ” như vậy, chỉ vì nhiều người quá vô cảm…

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cái chết của 'hiệp sĩ' và vai trò của những người mang sắc phục công an