Với cách tuyển vợ dễ dàng, không hạn chế, nên Thành Thái có nhiều vợ, mà hiện nay các tài liệu, sách vở chưa thể thống kê hết. Riêng số con của ông mới tạm theo Nguyễn Phước tộc thế phả chưa khảo sát đầy đủ mà ta đã có thể ghi nhận được 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ.

Cách tuyển vợ đặc biệt của vua Thành Thái

Một Thế Giới | 03/02/2015, 20:30

Với cách tuyển vợ dễ dàng, không hạn chế, nên Thành Thái có nhiều vợ, mà hiện nay các tài liệu, sách vở chưa thể thống kê hết. Riêng số con của ông mới tạm theo Nguyễn Phước tộc thế phả chưa khảo sát đầy đủ mà ta đã có thể ghi nhận được 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ.

Vua Thành Thái tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân, con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu Phan Thị Điểu, và là cháu nội Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, gọi vua Thiệu Trị là cụ nội.
Thành Thái sinh năm Kỷ Mão (1879). Sau khi vua Đồng Khánh mất vào năm Mậu Tý (1888), ông được Khâm sứ Pháp Rheimart và Nam triều chọn nối ngôi (do sự khéo léo của Diệp Văn Cương, chồng của Công nữ Thiện Niệm - cô ruột của ông trong quá trình thông dịch giữa các quan Nam triều và Công sứ). Lễ đăng quang tổ chức vào năm Kỷ sửu (1889).
Thành Thái tính dục phát triển sớm, nhiều đêm ông cùng Thị vệ cưỡi ngựa ra khỏi cung cấm, đi theo sở thích (trong đó có cả việc đi đến với các người đẹp). Tính ông giản dị, dễ dãi, có thể nằm cùng giường tre với dân, ăn uống không cần 50 món như Đồng Khánh, không phải “bát trân” như các vua chúa, nên ông gằn dân.
Ông chịu ảnh hưởng của tân thư Trung Quốc, sớm có tinh thần duy tân nên trở thành ông vua nhà Nguyễn đầu tiên cắt tóc ngắn, mặc đồ Tây, biết cái ca nô, nói tiếng Pháp, bắt vợ luyện võ, bắt các con mình đều phải học tiếng Pháp ngữ song song với việc học chữ Hán... Ông còn biết đánh trống tuồng, đôi khi lên sân khấu đóng một vai tuồng và lập đội nhạc Võ Lan biểu diễn trong cung, mà diễn viên chủ yếu là các bà vợ mình.
vua Thanh Thai
Hai bà phi của vua Thành Thái
Nhiều giai thoại kể rằng: Lợi dụng cái yếu của xã hội trọng nam kinh nữ, khi người ta (kể cả thực dân Pháp) ít chú ý đến võ lực của nữ, mà trong tam cung lục viện, với sự kín đáo của Đại nội, của Tử Cấm Thành, số nữ lại đông nhất vì triều đình có quyền tuyển nữ. Vậy nên Thành Thái nghĩ đến việc dùng lực lượng phái đẹp chống Pháp, giành độc lập.
Thành Thái giả vờ đóng vai một người hám sắc, đi bắt phụ nữ nhập cung để luyện tập quân sự, hình thành đội nữ binh riêng của ông, dưới vẻ ngoài là cung nữ vợ vua. Ông từng nhờ họa sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp trường Beaux Arts - Paris) vẽ các kiểu súng để sai đúc trang bị cho các nữ binh. Để che mắt giặc Pháp, nhiều khi ông giả điên, cào cấu các bà vợ xuất thân trong các gia đình quan lại làm tay sai cho Pháp.
Cũng để che mắt giặc, việc tuyển nữ binh được diễn ra một cách bí mật. Thành Thái cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với họ và gia đình họ. Nếu được chấp nhận, ông cho “dàn cảnh” bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ đó, địa điểm gặp gỡ, rồi cho lính cận vệ hoặc chính bản thân ông đem xe song mã đến đón họ, đưa vào cung cấm.
Một đội nữ binh thường trực ở cung cấm thường có 50 người. Sau khi tập luyện quân sự đã thành thục, đội nữ binh 50 người ấy được bí mật trao trả về gia đình, đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp, sau đó tuyển thêm 50 nữ binh mới...

Để bảo mật, các nàng bị “bắt cóc làm vợ” thường được đưa vào Tử cấm thành bằng cửa Hữu của Phòng thành, gần làng Kim Long, bởi đường chạy dọc bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà dân chúng. Cũng bởi thế, mà các nàng ở làng đó được ưu tiên tuyển mộ nhiều hơn cả.

Đáng chú ý là các nàng thiếu nữ làng An Ninh (giáp Kim Long) được tuyển mộ hầu hết là thợ dệt vải, vì An Ninh là nơi dệt vải nổi tiếng. Do thế, Thành Thái cho tổ chức ở Đại Nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong Đại Nội để vừa che mắt được địch, vừa cho nữ binh có việc làm mà trang trải các phí tổn, kể cả may quân phục.

Nếu vua Thành Thái không bị thực dân Pháp và tay sai vu cho là điên, bắt đi đày ở nước ngoài, thì hẳn đội nữ binh ấy sẽ có tác dụng trọng việc cứu nước.

Không những Thành Thái tuyển quân (gọi là vợ chỉ là hình thức) đặc biệt như thế, mà ông tuyển vợ thật cũng rất đặc biệt! Có lần ông cải trang thành một thư sinh rất mực nho nhã lên Kim Long chơi. Chơi chán rồi, ông cùng mấy người tùy tùng đủng đỉnh dạo xuống bến đò. Bỗng thấy cô lái đò xinh đẹp, hấp dẫn, ông ỡm ờ hỏi cô gái:

- Này o tê, có ưng làm vợ của vua không?

Nhưng, nàng làm sao biết được người đứng trước mặt mình là vua cải trang nên nửa đùa nửa thật, đánh bạo nói:

- Ưng.

Thế là Thành Thái cầm ngay lấy tay nàng, kéo ra mũi thuyền, mặc cho nàng đỏ mặt thẹn thùng, ông liếc mắt đưa tình nói:

-  Rứa thì quý phi ngồi nghỉ, để trẫm chèo cho!

Nói xong, ông giành ngay lấy tay chèo từ nàng, đích thân chèo, cho đò xuôi dòng Hương Giang từ Kim Long đến bến Nghinh Lương trước Phú Văn Lâu. Đò cập bến, ông bảo các người đi cùng, tiễn đưa “Quí phi vào nội” thể theo nguyện ước của nàng, rồi sau mới báo về gia đình cô gái, kèm theo lễ vật.

Đó quả là lối tuyển cung phi rất đặc sắc. Nó chỉ độc đáo ở vua Thành Thái, mới có sáng kiến kiểu đó. Có 2 câu ca dao rất phổ biến ở Huế:

Kim Long cô gái mỹ miều

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.

Phải chẳng là xuất phát từ giai thoại đáng nhớ ấy?

Với cách tuyển vợ dễ dàng, không hạn chế như thế, nên Thành Thái có nhiều vợ, mà hiện nay các tài liệu, sách vở chưa thể thống kê hết. Riêng số con của ông mới tạm theo Nguyễn Phước tộc thế phả chưa khảo sát đầy đủ mà ta đã có thể ghi nhận được 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ.

 Theo Lê Giang

(Đang yêu)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách tuyển vợ đặc biệt của vua Thành Thái