Chúng ta đã chứng kiến về "hội chứng đám đông". Chuyện giới trẻ ngày ngày lên mạng xã hội bàn tán những câu chuyện không đầu không cuối. Mới đây nhất giới trẻ chạy theo "cơn sốt" hóa thành Võ Tắc Thiên. Nhà nhà, người người thậm chí cả thú cưng cũng được hóa thân... Không khỏi giật mình và ái ngại... 

Đừng biến thành “Anh hùng bàn phím” hùa theo phong trào “ném đá tập thể”

Một Thế Giới | 03/02/2015, 10:55

Chúng ta đã chứng kiến về "hội chứng đám đông". Chuyện giới trẻ ngày ngày lên mạng xã hội bàn tán những câu chuyện không đầu không cuối. Mới đây nhất giới trẻ chạy theo "cơn sốt" hóa thành Võ Tắc Thiên. Nhà nhà, người người thậm chí cả thú cưng cũng được hóa thân... Không khỏi giật mình và ái ngại... 

“Ném đá” và trào lưu “tát nước theo mưa”

Không thể phủ nhận tinh thần cầu tiến và ham học hỏi của giới trẻ ngày nay có những bước tiến vượt bậc so với các thế hệ ngày trước. Khi xã hội bắt đầu quá trình hội nhập, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, giới trẻ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với những tiến bộ của thế giới, nhanh chóng đón đầu những trào lưu đang "sốt xình xịch".

Tuy nhiên không phải bạn trẻ nào cũng đủ tỉnh táo để nhận định được ranh giới giữa nên và không nên, vì không phải trào lưu nào cũng mang chiều hướng tích cực.

Có lẽ không ai trong chúng ta không biết chữ "ném đá" xuất hiện từ xưa trong câu thành ngữ "ném đá giấu tay" mang một nét nghĩa rất dễ hiểu, đó là một hành vi gây hại có chủ đích. Tuy nhiên, ngày nay, "ném đá" còn có nghĩa là chỉ trích, miệt thị cho... sướng.

Năm 2014 có thể nói là năm mà cư dân mạng thỏa sức "ném đá" cho sướng. Từ chuyện anh nông dân trồng ổi Lệ Rơi "mê hát", hay chuyện "khoe mê" của "thánh nổ" Kenny Sang hay chuyện nam ca sĩ Sơn Tùng-MTP đạo nhạc... Cư dân mạng cũng chẳng ngại "ném đá tập thể" vào nhan sắc tân hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên khi cô gái 18 tuổi đăng quang. Không chỉ dừng lại ở đó, hầu như bất cứ hình ảnh hay lời nói nào của tân hoa hậu cũng khiến các "anh hùng bàn phím" (ám chỉ những kẻ thích ra oai, phô trương và tỏ vẻ hiểu biết trên mạng) thi nhau lôi ra bình phẩm để "dìm hàng" không thương tiếc. Đồng ý là mỗi người có một quan điểm riêng, cách nhìn riêng về cái đẹp, nhưng chê bai người khác một cách thô bạo, bới móc chuyện riêng tư để xúc phạm đến danh dự của người khác thì không thể chấp nhận được.

Rồi câu chuyện lại càng lên đến đỉnh điểm khi chàng "ca sĩ" Lệ Rơi tên thật là Nguyễn Đức Hậu được mời phỏng vấn trên sóng truyền hình quốc gia, hay việc Kenny Sang kiếm được hàng trăm triệu đồng tiền quảng cáo mỗi tháng từ những clip chia sẻ trên trang cá nhân... Cư dân mạng lại một lần nữa dậy sóng, họ buông ra những lời dung tục như ở ngoài chợ. Nhất là các anti-fan (người phản đối-PV) của các "sao", toàn dùng lời lẽ thiếu văn hóa thóa mạ "thần tượng" của kẻ khác.

Thế mới có chuyện fan (người hâm mộ-PV) của Á hậu Huyền My vào "dội bom"chửi bới Hoa hậu Kỳ Duyên. Có thể với nhiều người đó chỉ là trò vui, những lời nói vô thưởng vô phạt nhưng chuyện "ném đá tập thể" xuyên quốc gia đã khiến người nước ngoài nhìn vào người Việt bằng con mắt khác.

Ví như trận bán kết lượt đi giữa Việt Nam và Malaysia tại AFF Cup 2014, cả cầu thủ và một nhóm cổ động viên (CĐV) Malaysia đều đã mất bình tĩnh khi thất thủ trước đội tuyển Việt Nam. Đội trưởng Safiq Rahim của Malaysia đã lao vào đấm Tiến Thành của Việt Nam ở phút 70. Và sau trận đấu, một số CĐV Malaysia tràn sang phấn khán đài của CĐVViệt Nam, đánh CĐV Việt chảy máu đầu. Đó là chuyện đáng chỉ trích. Nhưng nó nhanh chóng trở nên thái quá khi hàng ngàn CĐV Việt Nam vào trang facebook cá nhân của Safiq Rahim để dọa đánh, dọa giết, post kèm hình ảnh đao kiếm và súng ống...

Thậm chí cuối năm 2012 còn xuất hiện 1 trang web mang tên "Ném đá", hình thức hoạt động như một mạng xã hội và khẩu hiệu của trang web này là "Hãy ném để xã hội tốt hơn". Đến nay, chưa ai có thể khẳng định "ném đá” có thể làm xã hội tốt hơn", nhưng rõ ràng "ném đá" bây giờ là một xu hướng thịnh hành của giới trẻ và nhiều bạn trẻ quan niệm rằng "có "ném đá" đồng nghĩa là có thời thượng"(?).

“Đừng mang suy nghĩ của mình áp đặt cho người khác”
anh hung ban phim
 Hiện tượng "anh hùng bàn phím" là cách giới trẻ thể hiện mình
hay biểu hiện của hội chứng đám đông?

Rõ ràng, hành vi "ném đá" trên mạng có tính lây lan nhanh đến mức ai cũng có thể vào trang cá nhân của người khác để chửi bới nếu không vừa lòng, vậy nhưng bản thân những "anh hùng bàn phím" đó lại không bao giờ nghĩ đến việc chịu trách nhiệm về những hậu quả cho hành động của mình.

Có những chàng trai, cô gái vì bị "ném đá tập thể" mà có những hành động dại dột, hoặc không dám bước chân ra khỏi nhà vì sợ bị châm chọc. Có những ca sĩ, diễn viên chỉ vì những lời đồn thổi không đâu mà tên tuổi gây dựng bao nhiêu năm bỗng chốc tan biến. Những "anh hùng bàn phím" tưởng như vô hại nhưng thực chất đã đẩy người khác vào đường cùng, khiến họ dù đã xin lỗi rồi sửa sai nhưng vẫn không ngóc đầu lên được. Có thể nói, cư dân mạng và hành vi "ném đá tập thể" là nỗi ám ảnh khiếp đảm của giới showbiz Việt.

Lý giải nguyên nhân của vấn đề này, Chuyên gia, Thạc sĩ Tâm lý học Ngô Toàn cho rằng căn nguyên của việc cư dân mạng "ném đá tập thể" bắt đầu từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức và đi kèm đó là cảm giác tự do, không phải chịu trách nhiệm khi hậu quả xấu xảy ra. Những ví dụ ở trên chính là diễn biến tâm lý điển hình của hội chứng đám đông.

Cũng theo chuyên gia Ngô Toàn thì cái gì cũng có hai mặt của nó: "Giới trẻ hiện nay thích phá cách và có phần nổi loạn. Chỉ cần có điều kiện gì đó, hội chứng đám đông xấu sẽ bùng nổ và lây lan khiến giới trẻ đôi khi hành động trong vô thức. Và chính vì họ ở trong đám đông nên họ cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm về hành vi minh vừa gây ra. Rõ ràng, nếu "hội chứng đám đông" được truyền cảm hứng tốt đẹp thì sẽ có những hành động tốt. Điều quan trọng ở đây là nó được bắt đầu từ cách như thế nào.".

Không hiếm chuyện chúng ta đã từng phải chứng kiến về "hội chứng đám đông"được cho là thái quá. Chuyện giới trẻ ngày ngày lên mạng xã hội bàn tán về những câu chuyện không đầu không cuối. Mới đây nhất là chuyện giới trẻ chạy theo "cơn sốt" hóa thân thành Võ Tắc Thiên. Nhà nhà, người người thậm chí cả thú cưng cũng được hóa thân. Những bạn trẻ hành động theo "hội chứng đám đông" vì bạn có nên mình cũng phải có khiến những người chứng kiến không khỏi giật mình và ái ngại. Điều đó phần nào phản ánh sự thiếu hiểu biết và định hướng rõ ràng của giới trẻ và sự thiếu sót trong cách giáo dục của nhà trường và gia đình.

Rõ ràng, sự tiện ích của mạng xã hội là không ai có thể phủ nhận, nhưng chúng ta cũng cần phải rèn cho mình thói quen sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn. Vì cứ ai bị "ném đá" dữ dội, lại được dành cho sự quan tâm đặc biệt với tần số xuất hiện dày đặc. Dường như có một sư hiểu sai lệch trong phong trào "ném đá để xã hội tốt hơn".

"Giới trẻ hãy biết trân trọng tính độc đáo và cá vị của mình. Đừng gồng mình chạy theo đám đông, cũng đừng đưa ra bất cứ nhận xét hay phát ngôn nào thiển cận. Ranh giới giữa cảm xúc, lý trí và tâm lý a dua, hùa theo đa số rất mong manh. Đừng vì tin vào ảo mộng của sự tương tác, giống nhau giữa cá thể - tập thể, sợ bị coi là kẻ lạc loài mà trở thành những cái máy vô hồn", Thạc sĩ Ngô Toàn kết luận.

Có lẽ, điều quan trọng và cần thiết nhất lúc này chính là suy nghĩ và hành động của mỗi bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội. Đừng để những lời nói, hành động chưa chín chắn làm ảnh hưởng đến người khác. Đừng nghĩ rằng chỉ một lời nói, một comment (bình luận - PV), một like (thích - PV) nhỏ như con kiến của mình không làm tổn hại đến ai. Vì chỉ cần mỗi con kiến bé xíu tập hợp lại thành đàn kiến khổng lồ có thể giết chết cả một con voi vĩ đại. Giống như ca sĩ Thủy Tiên đã từng nói: "Mạng là ảo nhưng nỗi đau là thật. Xin đừng quăng thêm rác bẩn vào nỗi đau của người khác...".
Phương Thảo – An Vy / Câu chuyện Pháp luật

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng biến thành “Anh hùng bàn phím” hùa theo phong trào “ném đá tập thể”