Nhiều mảnh vỡ hơn đã được phát hiện từ sự cố vệ tinh liên lạc Intelsat 33e bị vỡ tan trên Ấn Độ Dương, đe dọa hàng trăm vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, gồm cả những vệ tinh do Trung Quốc vận hành.
Quỹ đạo địa tĩnh là quỹ đạo tròn đặc biệt quanh Trái đất, nằm ngay phía trên đường xích đạo.
Intelsat 33e (nặng 6.600 kg) đã vỡ tan vào khoảng trưa giờ Bắc Kinh hôm 19.10, theo Lực lượng Không gian Mỹ. Đây là vệ tinh do Boeing chế tạo cho Intelsat (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) để cung cấp dịch vụ internet và điện thoại trên khắp châu Âu, châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Intelsat là một trong những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh hàng đầu thế giới. Công ty này sở hữu và vận hành một mạng lưới lớn các vệ tinh thông tin liên lạc, cung cấp dịch vụ truyền hình, dữ liệu và điện thoại trên toàn cầu.
Ban đầu người ta phát hiện thấy khoảng 20 mảnh vỡ nhưng con số này đã tăng lên hơn 80, theo báo cáo từ các công ty thương mại cũng như Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
Intelsat 33e cách Trái đất khoảng 36.000 km khi vỡ, có kích thước gần bằng một container vận chuyển, vốn đã gặp sự cố về động cơ đẩy và hệ thống đẩy kể từ khi phóng vào năm 2016, theo Intelsat.
Hôm 21.10, Intelsat cho biết đang làm việc với Boeing và các cơ quan chính phủ để phân tích dữ liệu, quan sát về "sự bất thường" dẫn đến mất hoàn toàn vệ tinh này.
Jonathan McDowell, nhà thiên văn học của Đại học Harvard (Mỹ) chuyên theo dõi các hoạt động không gian, nói độ cao lớn của Intelsat 33e khiến việc theo dõi vụ vỡ khó khăn hơn, nhưng "chắc chắn" có một số rủi ro với các vệ tinh khác.
"Thật khó để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự cố", ông chia sẻ với tờ SCMP hôm 25.10. Theo Jonathan McDowell, sự cố có thể xảy ra do va chạm với các mảnh vỡ không gian hoặc một sự kiện bên trong Intelsat 33e, chẳng hạn vụ nổ hệ thống đẩy.
Quỹ đạo địa tĩnh, nơi Intelsat 33e được định vị, xa hơn nhiều so với quỹ đạo Trái đất tầm thấp, nơi chứa hầu hết tàu vũ trụ, gồm cả Trạm Vũ trụ Quốc tế và Trạm Vũ trụ Thiên Cung (Trung Quốc).
Trung Quốc có một số loạt vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, gồm cả vệ tinh thời tiết Phong Vân và mạng lưới định vị Bắc Đẩu, cũng như vệ tinh liên lạc Trung Tinh phục vụ mục đích dân sự và quân sự.
"Ba vệ tinh internet quỹ đạo tầm cao" của Trung Quốc đã được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh trong năm nay, song có rất ít thông tin về chúng.
Theo Jonathan McDowell, sự cố mới nhất này có thể có quy mô tương tự như vụ tai nạn không gian lớn của Trung Quốc hồi tháng 8, khi tầng trên tên lửa Trường Chinh 6A phát nổ ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ và các công ty giám sát thương mại ước tính rằng hơn 700 mảnh vỡ không gian đã được tạo ra từ vụ nổ này, xảy ra trong quá trình triển khai lô vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc cho chòm sao internet băng thông rộng Thiên Phàn.
"Cả hai sự cố đều ở mức tồi tệ nhất trong những gì chúng ta từng thấy trong không gian. Chắc chắn có một số rủi ro với các vệ tinh khác”, Jonathan McDowell nhận xét.
Hiệu ứng Kessler là một trong những mối đe dọa lớn nhất do mảnh vỡ không gian gây ra nhưng ít có khả năng xảy ra trên quỹ đạo địa tĩnh vì thể tích lớn hơn nhiều và vận tốc tương đối thấp giữa các vật thể.
Donald Kessler, nhà khoa học NANSA, mô tả vào năm 1978 rằng mật độ các vật thể trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp có thể trở nên quá cao đến mức các vụ va chạm của mảnh vỡ sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ hơn, dẫn đếnphản ứng dây chuyền có thể khiến một số quỹ đạo không thể sử dụng được.
Hiệu ứng Kessler là giả thuyết được nhà khoa học Donald J. Kessler đưa ra, mô tả một tình huống mà rác vũ trụ ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ngày càng tăng đến mức các vụ va chạm giữa các mảnh vỡ trở nên phổ biến. Những vụ va chạm này sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ nhỏ hơn, làm tăng thêm mật độ rác vũ trụ và gây ra một phản ứng dây chuyền. Cuối cùng lượng rác vũ trụ sẽ trở nên dày đặc đến mức các hoạt động không gian trở nên cực kỳ nguy hiểm, thậm chí không thể thực hiện được.
Tại sao hiệu ứng Kessler lại đáng lo ngại?
Nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ: Các mảnh vỡ vũ trụ di chuyển với tốc độ rất cao, đủ để phá hủy hoàn toàn một vệ tinh hoặc tàu vũ trụ khi va chạm.
Ảnh hưởng đến các hoạt động không gian: Hiệu ứng Kessler có thể làm tê liệt các hoạt động không gian, từ việc phóng vệ tinh mới đến việc sửa chữa Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Gây ra rủi ro cho con người: Nếu rơi xuống Trái đất, các mảnh vỡ vũ trụ có thể gây ra thiệt hại cho các khu vực dân cư.
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng Kessler
Việc phóng vệ tinh và tàu vũ trụ ngày càng tăng: Càng có nhiều vật thể được phóng lên quỹ đạo, nguy cơ va chạm càng cao.
Mảnh vỡ từ các vụ nổ hoặc va chạm trước đó: Các vụ nổ vệ tinh, tên lửa hoặc các va chạm không mong muốn tạo ra một lượng lớn mảnh vỡ.
Tuổi thọ hạn chế của vệ tinh: Khi các vệ tinh cũ hết hạn sử dụng, chúng thường không được đưa về khí quyển để đốt cháy mà để lại trôi nổi trong không gian.
Để ngăn chặn hiệu ứng Kessler, chúng ta cần:
Giảm thiểu lượng rác vũ trụ: Thiết kế các vệ tinh có thể tự động đốt cháy khi hết hạn sử dụng, phát triển các công nghệ để thu gom và loại bỏ rác vũ trụ.
Theo dõi và quản lý chặt chẽ các vật thể trên quỹ đạo: Xây dựng hệ thống giám sát để theo dõi các mảnh vỡ vũ trụ và cảnh báo sớm về các vụ va chạm có thể xảy ra.
Hợp tác quốc tế: Các quốc gia cần hợp tác để xây dựng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rác vũ trụ.
Hiệu ứng Kessler là vấn đề nghiêm trọng đòi hỏi các giải pháp toàn cầu. Nếu không được giải quyết, nó có thể gây ra những hậu quả đáng sợ cho các hoạt động không gian và thậm chí cả cuộc sống trên Trái đất.
Tướng Mỹ thúc giục Trung Quốc báo cáo về mảnh vỡ không gian khi mạng lưới vệ tinh Thiên Phàn được phóng
Đầu tháng 9, Tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, đã kêu gọi Trung Quốc tăng cường thông báo về mảnh vỡ không gian khi gia tăng phóng tên lửa để xây dựng mạng lưới vệ tinh cạnh tranh với Starlink của SpaceX.
Phát biểu tại một hội thảo ở bang Colorado (Mỹ), Tướng Stephen Whiting đã chỉ ra hai lần Trung Quốc phóng vệ tinh để lại rất nhiều mảnh vỡ trên quỹ đạo trong hai năm qua.
“Tôi hy vọng lần tới khi có một vụ phóng tên lửa như vậy để lại nhiều mảnh vỡ thì không phải các cảm biến của chúng tôi phát hiện đầu tiên, mà chúng tôi nhận được các thông báo giúp hiểu rõ hơn điều đó, giống cách Mỹ giao tiếp với các nước khác”, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết.
Trung Quốc đã tăng tần suất phóng tên lửa khi tìm cách mở rộng mạng lưới vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp của mình, gồm cả việc xây dựng Chòm sao Thiên Phàn khổng lồ (còn được gọi là Chòm sao G60) để cạnh tranh với mạng lưới Starlink của SpaceX, nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh hàng đầu thế giới do Elon Musk điều hành.
Theo Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ, vụ phóng vệ tinh Thiên Phàm đầu tiên vào đầu tháng 8 đã tạo ra một đám mây "hơn 300 mảnh vỡ có thể theo dõi trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp".
Vào ngày 6.8, tổng cộng 18 vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 6A, cất cánh từ Trung tâm Phóng vệ tinh Thái Nguyên ở miền trung Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của mạng lưới băng thông rộng 14.000 vệ tinh đầy tham vọng để Trung Quốc cạnh tranh với Starlink, nhà khai thác dịch vụ internet hàng đầu từ quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Thế nhưng, tầng trên của tên lửa phóng đã vỡ tan ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo phương tiện truyền thông, các công ty theo dõi không gian của Mỹ ước tính sự kiện này đã tạo ra hơn 700 mảnh vỡ. Đây trở thành một trong những vụ vỡ tên lửa lớn nhất trong lịch sử.
Sự kiện tương tự đã xảy ra vào tháng 11.2022, khi một tên lửa Trường Chinh 6A khác bị vỡ trên quỹ đạo và phân tán hơn 530 mảnh vỡ có thể theo dõi được, theo báo cáo của NASA.
Tướng Stephen Whiting cho biết Mỹ đã "cung cấp phần lớn dữ liệu theo dõi mà chúng tôi có" và thông báo về mảnh vỡ không gian cho Trung Quốc.
Stephen Whiting nói thêm rằng trong năm qua, "chúng tôi đã thấy vài lần họ phản hồi thông báo". Ông gọi đây là động thái "tích cực", nhưng lưu ý rằng vẫn có những trường hợp Mỹ không được thông báo.
Về chủ đề vụ nổ tầng trên của tên lửa Trung Quốc, người điều hành hội thảo là Kevin Chilton, thành viên cấp cao của Đại học Quốc phòng, cho biết Mỹ "cũng từng gặp vấn đề đó", nhưng đã bắt đầu xả nhiên liệu và khí từ các tầng tên lửa trước khi chúng vào quỹ đạo.
Dù Mỹ không chắc chắn liệu Trung Quốc có làm như vậy hay không, Stephen Whiting cho biết: "Chúng tôi chắc chắn không muốn thấy loại mảnh vỡ đó bay lên không gian".
Tên lửa Trường Chinh 6A, phương tiện phóng trung bình hai tầng được cung cấp năng lượng bởi động cơ dầu hỏa oxy lỏng với 4 bộ tăng cường nhiên liệu rắn, thường được sử dụng để phóng vệ tinh. Thế nhưng, lịch sử để lại mảnh vỡ của Trường Chinh 6A đã thu hút sự chú ý của quốc tế, vì mảnh vỡ làm tăng nguy cơ va chạm và đe dọa tính bền vững của không gian.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận về hai sự cố mảnh vỡ không gian lớn.
Lâm Kiếm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói vào ngày 14.8 rằng: "Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp cần thiết và đang theo dõi chặt chẽ các khu vực quỹ đạo có liên quan và tiến hành phân tích dữ liệu sau lần phóng đầu tiên của Chòm sao Thiên Phàn”.
"Chúng tôi đã đưa ra quy định là luôn thực hiện các biện pháp giảm thiểu mảnh vỡ không gian sau khi vệ tinh và tên lửa đẩy hoàn thành nhiệm vụ, nhằm giúp bảo vệ môi trường không gian bên ngoài và đảm bảo tính bền vững lâu dài của các hoạt động không gian bên ngoài", Lâm Kiếm nói.
Đáp lại sự cố xảy ra vào tháng 11.2022, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vụ việc này sẽ "không ảnh hưởng đến Trạm Vũ trụ Trung Quốc hoặc Trạm Vũ trụ Quốc tế".