Phát triển nguồn nhân lực và phát triển thương hiệu “Make in Việt Nam” cho lĩnh vực blockchain là 2 trong số các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chiến lược quốc gia về blockchain của Chính phủ.
Theo Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm nước dẫn đầu khu vực về blockchain.
Theo đó, trong năm tới, Việt Nam sẽ thiết lập được nền tảng phát triển công nghệ chuỗi khối, bao gồm hình thành Hạ tầng chuỗi khối Việt Nam bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; hỗ trợ khả năng tương tác, tích hợp và chia sẻ giữa các chuỗi khối; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về hoạt động ứng dụng và phát triển chuỗi khối.
Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng blockchain tại ba trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xây dựng và nâng cấp 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực; đưa chuỗi khối vào khung chương trình đào tạo tại trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, cơ sở nghiên cứu.
Từ đó, hệ sinh thái "Blockchain+" sẽ được hình thành thông qua hoạt động ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, giao thông - vận tải, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics, bưu chính - chuyển phát, sản xuất công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp, cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực khác.
Trong khi đó, mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ mở rộng Hạ tầng chuỗi khối quốc gia và nằm trong nhóm các nước dẫn đầu khu vực và trên thế giới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển blockchain.
Giai đoạn này, Việt Nam cũng dự kiến xây dựng 20 thương hiệu blockchain uy tín về nền tảng, sản phẩm, dịch vụ trong khu vực; duy trì vận hành tối thiểu ba trung tâm hoặc đặc khu thử nghiệm về chuỗi khối tại các thành phố lớn; đồng thời có đại diện nằm trong bảng xếp hạng 10 cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuỗi khối dẫn đầu khu vực châu Á.
Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của chiến lược là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng và phát triển blockchain.
Trong đó, rà soát, nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của hành lang pháp lý hiện hành với các giải pháp, ứng dụng blockchain. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn về nền tảng, sản phẩm, ứng dụng và dịch vụ blockchain đảm bảo tính liên thông và tính mở của các bên tham gia vào các giao dịch dựa trên công nghệ blockchain.
Bên cạnh các bộ, ngành, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng các hội, hiệp hội nghề nghiệp, được giao phát triển các nền tảng blockchain "Make in Việt Nam". Cùng với đó, xây dựng các cơ chế vận hành, khai thác và tương tác, liên thông giữa các loại hình mạng blockchain hoạt động trên hạ tầng blockchain Việt Nam; tập hợp các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam xây dựng các nền tảng blockchain, thúc đẩy chia sẻ thông tin, nâng cao nội lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) nhận định, chiến lược Blockchain Quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành là một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực blockchain.
"Điều này thể hiện sự cam kết và hành động cụ thể của Chính phủ, sự quyết liệt của đơn vị soạn thảo là Bộ TT-TT cũng như nỗ lực của cộng đồng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số minh bạch, an toàn và phát triển bền vững", ông Trung nói.
Đối với việc VBA được giao nhiệm vụ trong Chiến lược Blockchain Quốc gia, ông Trung chia sẻ, đây là vinh dự, ghi nhận những đóng góp của VBA trong thời gian vừa qua với các cơ quan quản lý trong việc tập hợp ý kiến, đóng góp từ cộng đồng. Với Chiến lược Blockchain Quốc gia, VBA ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngành công nghiệp còn rất non trẻ nhưng tiềm năng này.
“Phát triển nguồn nhân lực và phát triển thương hiệu “Make in Việt Nam” cho lĩnh vực blockchain là 2 nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Chiến lược quốc gia về blockchain của Chính phủ mà nền tảng học trực tuyến MasterTeck đang tiên phong triển khai. Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII - một thành viên của VBA cũng vừa ra mắt nền tảng học trực tuyến MasterTeck được chính thức ra mắt, hướng tới phổ cập Blockchain và AI”, ông Trung nêu.
Theo ông Trung, việc MasterTeck ra đời không chỉ góp phần giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao về blockchain và AI mà còn giúp “nội địa hóa” hệ thống kiến thức, bài giảng, thực hiện mục tiêu tạo ra những thương hiệu “Make in Việt Nam” trong ngành Blockchain và AI.
"Chúng tôi cam kết sẽ tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng đi theo hướng nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn, khai thác tối đa những lợi ích của công nghệ blockchain được thể hiện trong chiến lược quốc gia. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, việc phổ cập công nghệ blockchain toàn diện, tiếp cận đến toàn dân như mục tiêu của chiến lược sẽ đem lại hiệu quả rõ nét cho nền kinh tế số mà Chính phủ đã định hướng", ông Trung chia sẻ.