Những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng các loại thực phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa là nơi mua bán an toàn.
Thị trường và chính sách

Các 'ông lớn' bán lẻ ra chiến lược kinh doanh mới tại Việt Nam

Tuyết Nhung 17/07/2024 18:45

Những đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng các loại thực phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đang được rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa là nơi mua bán an toàn.

Ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc biệt là nông sản, thực phẩm sạch không nằm ngoài hướng đi chung. Việt Nam đang và sẽ có một số yếu tố thuận lợi như thu nhập của người tiêu dùng tăng cao. Bên cạnh đó, sự đầu tư vào sức khỏe ngày càng được quan tâm hơn. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có được những sản phẩm yên tâm về chất lượng, tốt cho sức khỏe. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo "Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại" hôm nay (17.7).

sieu-thi.jpg
Các doanh nghiệp bán lẻ đang tích cực kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh: IT

Trong khi đó, về nguồn cung hiện nay, nền sản xuất của Việt Nam đang phát triển cả về chất lượng, số lượng và phong phú về chủng loại, thân thiện với môi trường. Các kênh phân phối cũng đang được phát triển đa dạng và hiện đại, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng hơn trong việc mua sắm các loại nông sản, thực phẩm theo nhu cầu.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ với tốc độ tăng trưởng rất mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Hàng hóa trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đa số được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả; hệ thống phân phối, logistics chuyên nghiệp hơn so với chợ truyền thống nên hàng hóa được đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Ông Park Chang Lyul, Giám đốc phụ trách vận hành Lotte Mart Việt Nam nhấn mạnh: "Doanh nghiệp chúng tôi đang theo đuổi mục tiêu trở thành siêu thị thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người tiêu dùng về sự đa dạng các mặt hàng thực phẩm sạch, chất lượng, tươi ngon và tốt cho sức khỏe".

Theo ông Park Chang Lyul, Việt Nam là một thị trường quan trọng của Tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Một trong chiến lược quan trọng của Lotte đó là gia tăng phát triển mặt hàng nội địa, nhằm mang đến nguồn hàng chất lượng cao có giá cả hợp lý tới người tiêu dùng. Vì vậy, tập đoàn sẽ không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đa dạng hơn các mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu khách hàng trong nước và quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc về thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (các siêu thị GO! BIG C, Top Market) cho biết bên cạnh hoạt động trọng yếu là bán lẻ là phát triển kinh doanh, tập đoàn rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, có nhiều hơn sản phẩm xanh, bao bì xanh ở nhiều ngành hàng... Đây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp này trong làm việc với các nhà cung cấp.

Theo bà Phương, hiện nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi nilon, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.

Còn đại diện của Nestle Việt Nam, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam khẳng định doanh nghiệp đã thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong thời gian qua. Việc phát triển bền vững sẽ đem lại giá trị đích thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, đơn vị đã đưa ra mô hình phát triển bền vững, tái sinh, tập trung vào chống biến đổi khí hậu, thu mua có trách nhiệm, có bộ nguyên tắc tiêu chí thu mua, làm sao toàn bộ chuỗi cung ứng giảm phát thải nhất và thực hiện nông nghiệp tái sinh, bảo tồn nguồn nước, phát triển bao bì bền vững...

Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết bộ sẽ tập trung triển khai xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững; đưa thương mại điện tử theo hướng minh bạch, bền vững. Đồng thời bộ tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Cùng với với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thương mại điện tử đang là phương thức kinh doanh phổ biến làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay. Theo bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương), trong tổng số 50.334 website thương mại điện tử bán hàng đã được xác nhận thông báo, có khoảng 5.669 website có bán thực phẩm, đồ uống (chiếm 11%), 1.423 website kinh doanh các mặt hàng liên quan đến thực phẩm chức năng (3%) và 234 website cung cấp dịch vụ ăn uống, ẩm thực đến người tiêu dùng (chiếm 0,46%).

Bà Hà cho biết thương mại điện tử đang làm thay đổi nhiều cách thức mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam. "Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua các thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến sẵn một cách dễ dàng và thuận tiện thông qua các kênh trực tuyến", bà Hà nói.

Tuy nhiên, cũng như mọi loại hàng hóa, hoạt động kinh doanh thực phẩm qua thương mại điện tử rất phức tạp, khó kiểm soát. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường thương mại điện tử cũng là vấn đề trọng tâm trong hoạt động của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lớn.

Thời gian qua, cục đã yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm và dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.

Kết quả, năm 2023 cơ quan quản lý đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm trên các nền tảng thương mại điện tử. Riêng 6 tháng đầu năm nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn và gỡ gần 400 sản phẩm, thực phẩm chức năng trôi nổi, không đảm bảo an toàn được bày bán trên các sàn thương mại điện tử, theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.

Bài liên quan
Các nhà bán lẻ tung sáng kiến đặc biệt, thúc đẩy tiêu dùng xanh
Với nhu cầu của người dùng và loạt sáng kiến hấp dẫn của doanh nghiệp, xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các 'ông lớn' bán lẻ ra chiến lược kinh doanh mới tại Việt Nam