Nếu nghĩ rằng có thể mở rộng sự thống trị của mình ở Trung Quốc sang kỷ nguyên điện, các nhà sản xuất ô tô quốc tế có thể gặp phải cú sốc.

Các nhà sản xuất ô tô quốc tế đối mặt cú sốc ở Trung Quốc: 'Một số thương hiệu có thể biến mất 3-5 năm tới'

Sơn Vân | 26/05/2022, 17:18

Nếu nghĩ rằng có thể mở rộng sự thống trị của mình ở Trung Quốc sang kỷ nguyên điện, các nhà sản xuất ô tô quốc tế có thể gặp phải cú sốc.

Những đại gia ô tô động cơ đốt trong như General Motors (Mỹ) và Volkswagen (Đức) đang tụt hậu so với các đối thủ địa phương trong thị trường ô tô điện (EV) đang bùng nổ ở Trung Quốc. Đây là quốc gia có tham vọng phát triển ô tô điện và xe tự hành của họ.

Với Tianna Cheng (nhân viên văn phòng ở thủ đô Bắc Kinh), tình thế tiến thoái lưỡng nan chính trước khi quyết định mua một chiếc crossover (chiếc ô tô lai giữa Sedan và SUV) chạy điện Xpeng trị giá 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) là liệu cô nên mua xe BYD hay Nio? Xpeng, BYD, Nio đều là ba hãng sản xuất ô tô điện của Trung Quốc.

Tianna Cheng không xem xét việc mua ô tô điện của các công ty nước ngoài.

"Nếu mua một chiếc ô tô chạy xăng, tôi có thể đã cân nhắc đến các thương hiệu nước ngoài. Thế nhưng, tôi muốn có một chiếc ô tô điện thì ngoài Tesla, tôi thấy rất ít thương hiệu nước ngoài áp dụng công nghệ thông minh tiên tiến đúng cách", cô gái 29 tuổi nói khi lái xe đi làm về.

Được thúc đẩy bởi nhu cầu từ những người tiêu dùng như Tianna Cheng, doanh số bán xe điện đang tăng vọt trên thị trường ô tô trị giá 500 tỉ USD của Trung Quốc, lớn nhất thế giới.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng ô tô chở khách năng lượng mới – ô tô điện thuần túy và plug-in hybrid (ô tô lai sạch điện) - đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước đó lên 1,49 triệu chiếc, theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.

Các công nghệ sạch hơn chiếm 23% thị trường ô tô chở khách của Trung Quốc, nơi doanh số bán xe nói chung giảm 12%, phản ánh sự sụt giảm mạnh về nhu cầu với ô tô chạy xăng.

Hầu như không có thương hiệu nước ngoài nào nằm trong số 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu trong phân khúc xe năng lượng mới (NEV) năm nay ở Trung Quốc, ngoại trừ Tesla (công ty tiên phong về ô tô điện của Mỹ) ở vị trí thứ ba, theo dữ liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc.

Tất cả phần còn lại là các thương hiệu Trung Quốc, từ BYD, Wuling đến Chery và Xpeng.

BYD, hãng ô tô điện hàng đầu Trung Quốc, đã bán được khoảng 390.000 chiếc tại nước này trong năm nay, gấp hơn ba lần so với số lượng bán ra của Tesla (hãng ô tô điện số 1 thế giới) tại đây.

Liên doanh Volkswagen với FAW Group (nhà sản xuất ô tô truyền thống hàng đầu) chỉ xếp thứ 15 về doanh số bán xe điện ở Trung Quốc.

Tianna Cheng cho biết các ô tô điện nước ngoài, dù là Buick Velite 7 hay ID của Volkswagen, không cung cấp được những gì cô đang tìm kiếm: Một chiếc có khả năng mang lại sự thoải mái khi có trải nghiệm giống smartphone trên xe của mình.

"Các thương hiệu nước ngoài khác xa với cuộc sống và phong cách sống của tôi", theo Tianna Cheng, người vốn có trợ lý kỹ thuật số xử lý kết nối với các ứng dụng như Alipay, Taobao và "làm mọi thứ cho tôi từ mở cửa sổ đến bật nhạc", trong khi phần mềm ô tô cung cấp các bản cập nhật qua mạng.

Đó là một sự đảo ngược. Các thương hiệu toàn cầu đã thống trị ở Trung Quốc từ những năm 1990, thường giành được 60-70% thị phần bán ô tô chở khách trong những năm gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2022, họ chỉ còn chiếm 52%, với thị phần hàng tháng trong tháng 4 là 43%.

Báo hiệu về quy mô của thách thức mà các nhà sản xuất ô tô truyền thống phải đối mặt, Giám đốc điều hành hãng Nissan - Makoto Uchida nói với Reuters rằng "một số thương hiệu có thể biến mất trong 3-5 năm tới ở Trung Quốc".

"Các thương hiệu địa phương đang trở nên mạnh hơn", theo Makoto Uchida, trước đây là Giám đốc Nissan tại Trung Quốc. Ông cho biết thêm rằng chất lượng ô tô điện từ các nhà sản xuất Trung Quốc đã được cải thiện nhanh chóng, với những tiến bộ được thực hiện trong thời gian vài tháng.

Makoto Uchida nói: “Sẽ có rất nhiều sự thay đổi ở Trung Quốc và chúng tôi cần theo dõi tình hình một cách cẩn thận", đồng thời cho biết: "Các nhà sản xuất ô tô phải nhanh nhạy trong việc thiết kế, phát triển và tung ra các mẫu xe mới. Ở những khía cạnh đó, nếu chậm chân, chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau".

cac-nha-san-xuat-o-to-quoc-te-doi-mat-cu-soc-o-trung-quoc.jpg
Ô tô điện Buick Velite 6 của General Motors trình làng tại triển lãm ô tô Thượng Hải ngày 15.4.2019 - Ảnh: Reuters
cac-nha-san-xuat-o-to-quoc-te-doi-mat-cu-soc-o-trung-quoc1.jpg
Ô tô điện Cadillac Lyriq của General Motors trong buổi ra mắt tại triển lãm Auto Shanghai ở Thượng Hải ngày 19.4.2021 - Ảnh: Reuters
cac-nha-san-xuat-o-to-quoc-te-doi-mat-cu-soc-o-trung-quoc12.jpg
Ô tô điện Volkswagen ID.6 được trưng bày tại triển lãm ô tô Thượng Hải ngày 18.4.2021 - Ảnh: Reuters

"Bản chất công nghệ cao"

Bill Russo, cựu Giám đốc điều hành Chrysler, hiện đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, nói các thương hiệu toàn cầu cần nhanh chóng xoay chuyển tình thế vì họ kiểm soát chưa đến 20% thị trường ô tô tăng trưởng duy nhất của Trung Quốc.

Bill Russo nhận định: “Các thương hiệu Trung Quốc đang bắt đầu cuộc đua với ô tô điện”, đồng thời nói thêm rằng sự chuyển dịch của người tiêu dùng sang những chiếc xe về cơ bản là smartphone trên 4 bánh dường như là không thể đảo ngược và các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang gặp khó khăn trong việc theo kịp.

"Tôi nghĩ đó là một sự thay đổi thế tục sang công nghệ cao", ông nói về nhu cầu của người tiêu dùng về trải nghiệm dịch vụ kỹ thuật số lấy người dùng làm trung tâm, tập trung vào giao diện, kết nối và ứng dụng.

"Các công ty sản xuất ô tô truyền thống không phải là hãng công nghệ cao bản địa", Bill Russo nhấn mạnh.

Các thương hiệu ô tô của tập đoàn Volkswagen (Đức), gồm Volkswagen, Audi, Bentley, Lamborghini, Porsche và Skoda, đã dẫn đầu thị trường trong hai thập kỷ qua, cùng với các thương hiệu General Motors (Mỹ) như Buick, Chevrolet và Cadillac.

Hai tập đoàn toàn cầu này có thị phần ô tô tổng thể lần lượt là gần 13% và 12% tại Trung Quốc vào năm ngoái, theo LMC Automotive.

General Motors cũng có 44% cổ phần trong liên doanh SAIC-GM-Wuling Auto (SGMW) được kiểm soát tại địa phương và gồm cả doanh số bán hàng của nó theo số nhóm, dù SGMW không sản xuất các thương hiệu Mỹ, chỉ sản xuất xe Wuling và Baojun.

General Motors đang tập trung vào việc giành được những người mua trẻ tuổi hơn ở các thành phố lớn mà cho đến nay phần lớn đã bỏ qua các mẫu xe của mình, theo hai người quen thuộc với hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất ô tô này tại Trung Quốc.

General Motors đã công bố kế hoạch chi hơn 35 tỉ USD trên toàn cầu từ nay đến 2025, bao gồm hơn 30 ô tô điện mới, hơn 20 xe trong số đó ở Trung Quốc, bắt đầu từ năm nay với sự ra mắt của mẫu crossover SUV Cadillac Lyriq chạy hoàn toàn bằng điện.

Hai nguồn tin cho biết sự ra mắt của Cadillac Lyriq sẽ được theo sau bởi một chiếc Buick SUV chạy điện và một chiếc crossover chạy điện nhỏ hơn, thể thao hơn, cả hai cũng được lên kế hoạch vào đầu năm nay.

Doanh số Buicks đã giảm 32% trong 5 năm qua xuống còn 828.600 xe vào năm 2021, trong khi Chevrolet giảm hơn một nửa xuống còn 269.000 xe, theo LMC Automotive.

General Motors nói với Reuters rằng họ đang đặt mục tiêu thiết lập công suất sản xuất 1 triệu ô tô điện mỗi năm vào 2025 tại Trung Quốc, tiết lộ thêm rằng nhu cầu với gia đình Buick Velite NEV và Chevrolet Menlo EV "đều tăng đáng kể" trong 2021 và ba tháng đầu năm nay.

Họ cho biết đang triển khai các công nghệ thông minh bao gồm hỗ trợ người lái rảnh tay trên đường cao tốc, an ninh mạng "cấp hàng không" và cập nhật phần mềm qua mạng.

“Muốn trở thành hãng dẫn đầu thị trường về ô tô điện vào 2030”

Chi khoảng 55 tỉ USD trên toàn cầu cho ô tô điện từ nay đến 2026, Volkswagen đã tung ra thế hệ xe ID mới của mình tại Trung Quốc đầu 2021 nhưng đã bỏ lỡ mục tiêu bán được 80.000 đến 100.000 chiếc vào năm này. Volkswagen đặt mục tiêu bán được 160.000 đến 200.000 ô tô điện ID năm nay, dù chỉ bán được 33.300 chiếc cho đến hết tháng 4.

Theo một trong những người thân cận với General Motors và nguồn tin nội bộ Volkswagen, mối quan tâm chính với các thương hiệu nước ngoài là những chiếc ô tô điện mới của họ đang được thiết kế nhiều hơn cho các thị trường châu Mỹ và châu Âu, tập trung nhiều hơn vào hiệu suất và độ bền.

"Tốc độ trên đường cao tốc? Tại hầu hết các thành phố lớn ở Trung Quốc, giao thông tắc nghẽn đến mức người dân thậm chí không thể lái xe trên 60 km/giờ trong hầu hết các ngày", theo nguồn tin thân cận với General Motors, người nắm rõ kế hoạch sản phẩm và quy trình phát triển sản phẩm của hãng.

Volkswagen cho biết nhu cầu xe năng lượng mới ở Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với chủ đề "xe thông minh", đồng thời nói hãng đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại địa phương, đặc biệt là trong phần mềm.

"Chiến lược của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi đạt được các mục tiêu đầy tham vọng ở Trung Quốc. Đến năm 2030, chúng tôi muốn trở thành hãng dẫn đầu thị trường về ô tô điện và đảm bảo rằng Volkswagen vẫn là số một ở Trung Quốc trong tương lai", công ty nói thêm.

Thách thức với các thương hiệu toàn cầu là tìm ra công thức để thu hút người tiêu dùng ở các thành phố lớn Trung Quốc có thu nhập khả dụng, như Tianna Cheng ở Bắc Kinh và Li Huayuan, kỹ sư dân dụng đến từ Thượng Hải.

Li Huayuan coi thường các thương hiệu Nhật Bản và Đức khi mua chiếc sedan điện BYD của mình vào năm ngoái với giá 290.000 nhân dân tệ, bao gồm cả bảo hiểm.

"Với tôi, dường như chỉ có Tesla nổi bật khi nhắc đến các thương hiệu Mỹ. Các thương hiệu khác thậm chí không có vẻ cạnh tranh", Li Huayuan nói từ chiếc xe BYD đỗ ở thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, nơi anh đang làm việc trong một dự án.

Bài liên quan
Zero COVID ảnh hưởng đến mọi thứ từ Tesla đến bánh taco, Trung Quốc trợ giá mua ô tô điện
Khi nhà máy Tesla ở Thượng Hải và các hãng ô tô khác phải đóng cửa trong 2 tháng qua do các biện pháp Zero COVID nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch lớn nhất Trung Quốc, câu hỏi nóng hổi là họ có thể khởi động lại nhanh chóng thế nào để đáp ứng nhu cầu tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà sản xuất ô tô quốc tế đối mặt cú sốc ở Trung Quốc: 'Một số thương hiệu có thể biến mất 3-5 năm tới'