Các nhà nghiên cứu ở Argentina đã khai quật được hóa thạch loài dực long lớn nhất từng được tìm thấy ở Nam Mỹ.
Được các nhà cổ sinh vật học mệnh danh là “rồng tử thần”, hóa thạch của loài bò sát bay khổng lồ được phát hiện ở Hệ tầng Plottier, một rìa đá nằm ở tỉnh Mendoza. Sải cánh của 2 mẫu vật dực long vào khoảng 7 mét và 9 mét. Các nhà nghiên cứu xác nhận rằng chúng là loài azhdarchids, một họ dực long sống vào cuối kỷ Phấn trắng (khoảng 66 triệu đến 146 triệu năm trước).
“Azhdarchids được biết đến với hộp sọ rất lớn, đôi khi lớn hơn cả cơ thể, cũng như cổ siêu dài và thân hình ngắn nhưng vững chắc”, Leonardo D. Ortiz David, tác giả chính của nghiên cứu mới mô tả về loài dực long khổng lồ và là trưởng nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm và bảo tàng khủng long Argentina, ở Mendoza, cho biết trên Live Science hôm 25.5.
Các nhà khoa học đặt tên cho mẫu vật là Thanatosdrakon amaru. Chữ “amaru” có nghĩa là “rắn bay” trong ngôn ngữ Quechuan của người thổ dân, đồng thời chỉ Amaru - một vị thần 2 đầu của người Inca. Họ xác định hai con dực long chết cùng lúc, trong đó có một con chưa trưởng thành hoàn toàn. Nhưng các nhà khoa học không thể chắc chắn rằng liệu hai con vật này có quan hệ gia đình hay không.
Ortiz David nói: “Không có dấu hiệu nào trong phần còn lại của hóa thạch tiết lộ mối quan hệ giữa chúng. Tuy nhiên, có thể khẳng định hai mẫu vật có kích thước khác nhau và mẫu vật nhỏ hơn là sinh vật chưa trưởng thành. Chúng đã ở cùng nhau khi chết cách đây hơn 86 triệu năm”.
Các hóa thạch được tìm thấy trong quá trình khai quật chuẩn bị cho một dự án xây dựng dân sự cách thủ đô Mendoza khoảng 800 km. Ortiz David và nhóm nghiên cứu phát hiện mảnh vỡ hóa thạch ở trầm tích bãi bồi trong lúc giám sát khai quật.
Mendoza, nơi có ngọn núi Aconcagua cao nhất châu Mỹ, cũng được các nhà cổ sinh vật học biết đến với những khám phá về khủng long quan trọng. Trong đó nổi bật nhất là loài khủng long chân thằn lằn khổng lồ sauropod Notocolossusm, một trong những loài khủng long lớn nhất thế giới, được nhóm của Ortiz David khám phá vào năm 2016.
“Các hóa thạch ở các trạng thái bảo quản khác nhau; một vài mẫu vật trong số chúng khá hoàn chỉnh, chẳng hạn như xương cánh tay lớn, xương bàn chân và đốt sống lưng. Những mẫu vật là mảnh như xương ngón chân, xương đòn, xương cẳng tay, xương đùi và xương chậu”, Ortiz David nói.
Các nhà nghiên cứu rất bất ngờ khi khai quật hóa thạch còn nguyên vẹn bởi xương dực long rất dễ vỡ và hóa thạch thường tồn tại ở dạng mảnh nhỏ. Từ lúc bắt đầu, họ đã chú ý tới hai điều. Đầu tiên là kích thước của bộ xương và tình trạng bảo quản. Thứ hai là lượng xương tìm thấy ở di chỉ do dực long cỡ lớn chỉ được biết tới qua những mảnh xương vỡ.
“Việc mô tả các mẫu vật mới luôn quan trọng đối với việc tìm hiểu về cổ sinh vật học có xương sống, vì chúng làm sáng tỏ các nhóm khác nhau đang được nghiên cứu. Trong trường hợp cụ thể này, các yếu tố 3D của loài dực long lớn rất khan hiếm, khiến hóa thạch này trở thành một trường hợp nghiên cứu tuyệt vời”, Ortiz David nhận định.
Hiện nay, hóa thạch đang được bảo quản ở Phòng thí nghiệm và bảo tàng khủng long tại Đại học Quốc gia Cuyo ở Mendoza. Để giữ gìn mẫu vật, các chuyên gia ở bảo tàng phải đúc nhiều hóa thạch khác nhau theo tỷ lệ 1-1.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí Nghiên cứu kỷ Phấn trắng số tháng 9.2022 .