Một số nhà khoa học cảnh báo rằng tiêm quá nhiều mũi vắc xin có thể gây hại cho khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể. Thế nhưng, chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel nói rằng không có thời gian để chờ đợi.

Các nhà khoa học ngăn Israel sớm tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4 vì sợ gây hại cho hệ thống miễn dịch

Sơn Vân | 24/12/2021, 15:43

Một số nhà khoa học cảnh báo rằng tiêm quá nhiều mũi vắc xin có thể gây hại cho khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể. Thế nhưng, chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel nói rằng không có thời gian để chờ đợi.

mot-so-nha-khoa-hoc-ngan-israel-som-tiem-mui-vac-xin-covid-19-thu-4-2.jpg
Nhiều người Israel lớn tuổi đã nhận liều vắc xin COVID-19 thứ ba hồi tháng 8.2021 - Ảnh: AP

Israel đang xem xét liệu có nên phê duyệt liều vắc xin COVID-19 thứ 4 cho những người dễ bị tổn thương để đối phó với biến thể Omicron hay không, bất chấp cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học và thiếu bằng chứng ủng hộ hoặc chống lại một mũi tăng cường khác.

Hội đồng chuyên gia tư vấn cho chính phủ Israel về đại dịch hôm 21.12 khuyến nghị triển khai tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4, kết luận rằng lợi ích tiềm năng lớn hơn rủi ro. Họ chỉ ra các dấu hiệu suy giảm khả năng miễn dịch vài tháng sau khi tiêm mũi vắc xin thứ ba và nói rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc tiêm liều bổ sung có thể là quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

Thế nhưng, một số nhà khoa học cảnh báo rằng kế hoạch này có thể phản tác dụng, vì quá nhiều mũi tiêm có thể gây ra một loại mệt mỏi hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại vi rút SARS-CoV-2 của cơ thể. Một số thành viên trong ban cố vấn của chính phủ Israel đã nêu lên mối lo ngại đó với người cao tuổi, theo bản tóm tắt bằng văn bản về cuộc thảo luận do The New York Times thu được.

Thủ tướng Israel - Naftali Bennett nói rõ rằng ông ủng hộ đợt tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư và Bộ trưởng Bộ Y tế Nitzan Horowitz đã gợi ý rằng đợt tiêm mũi tăng cường mới có thể được tiến hành vào 26.12. Song đến tối 23.12, Bộ Y tế Israel vẫn chưa hành động theo lời khuyên và một quan chức cấp cao của Bộ cho biết đang chờ thêm dữ liệu từ các quốc gia khác.

Là nước nhỏ với hệ thống y tế công hiệu quả, Israel đi đầu trong việc triển khai đợt tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên và sau đó là chích mũi tăng cường. Vì vậy, kết quả của Israel đã được phần còn lại của thế giới theo dõi chặt chẽ.

Tốc độ và sự quyết liệt đặt Israel vào tình thế phải đánh giá sớm mức độ hiệu quả của các mũi tiêm vắc xin COVID-19 cũng như lớp bảo vệ hết tác dụng nhanh như thế nào.

Tiến sĩ Boaz Lev, người đứng đầu ban cố vấn, nói trong cuộc họp báo vào cuối ngày 22.12: “Cái giá phải trả sẽ cao hơn nếu chúng ta không tiêm liều vắc xin thứ tư”, mô tả sự lan rộng của Omicron là “một dạng sóng thần hoặc lốc xoáy”.

Chúng tôi không có nhiều thời gian để đưa ra quyết định”, ông nhấn mạnh.

mot-so-nha-khoa-hoc-ngan-israel-som-tiem-mui-vac-xin-covid-19-thu-41.jpg
Các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân trong khu COVID-19 tại Trung tâm Y tế Barzilai ở Israel - Ảnh: AP

Khi Omicron đang quét qua khắp thế giới với tốc độ đáng báo động, các chính phủ đang cố gắng tìm cách kiềm chế biến thể này trước sức ép đáng kể của công chúng chống lại việc áp đặt lại các hạn chế khắc nghiệt với cuộc sống hàng ngày, hạn chế các lễ kỷ niệm và làm sâu sắc thêm nỗi đau kinh tế trong 2 năm do đại dịch gây ra.

Một báo cáo mới của Anh cho thấy liều tăng cường có ít hiệu quả chống Omicron hơn so với các biến thể trước đó và hiệu quả của chúng giảm nhanh hơn - trong vòng 10 tuần. Các nhà sản xuất đang cố gắng điều chỉnh vắc xin để nhắm vào Omicron.

Ngoài lo ngại rằng tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ tư trong vòng chưa đầy 1 năm có thể làm suy yếu khả năng miễn dịch, một số chuyên gia cho biết chính phủ Israel vẫn chưa tận dụng tối đa các lựa chọn khác, chẳng hạn như tiêm vắc xin nhiều hơn cho những người chưa chủng ngừa COVID-19 hoặc tiêm mũi thứ ba cho khoảng 1 triệu dân đủ điều kiện nhưng chưa nhận được.

Cùng với kiến ​​thức chung về Omicron, tác dụng của liều vắc xin thứ tư chống lại biến thể này chưa được biết rõ. Thế nhưng, các chuyên gia y tế của Israel chỉ ra rằng khả năng miễn dịch suy giảm ở những người 60 tuổi trở lên, đối tượng đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ ba bắt đầu từ tháng 8.2021.

Các nhà nghiên cứu Israel từ Bộ Y tế và một số tổ chức học thuật đã trình bày dữ liệu cho nhóm tư vấn đưa ra khuyến nghị về mũi vắc xin COVID-19 thứ tư hôm 22.12. Bài trình bày cho thấy tỷ lệ nhiễm Delta ở nhóm tuổi trên 60 tăng gấp đôi trong vòng 4 hoặc 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba.

Không có dấu hiệu rõ ràng về việc giảm hiệu quả ngăn ngừa bệnh nặng ở người tiêm mũi vắc xin thứ ba.

Israel đã xác nhận vài trăm ca nhiễm Omicron, nhưng các quan chức cho biết biến thể mới này phổ biến hơn nhiều và có thể vượt qua Delta để áp đảo ở nước này trong vòng 2 hoặc 3 tuần.

Do lo ngại về đợt bùng phát dịch Omicron lớn trong mùa đông, khi các bệnh viện đã tràn ngập người bị biến chứng của bệnh cúm và các bệnh hô hấp khác, ban cố vấn đã bỏ phiếu áp đảo để đề xuất tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ tư cho những người trên 60 tuổi, những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương và nhân viên y tế, được thực hiện ít nhất 4 tháng sau mũi thứ ba.

Ban cố vấn không đề xuất mũi vắc xin COVID-19 thứ tư cho dân số rộng hơn ở giai đoạn này, nhưng đã khuyên nên tiêm liều thứ ba 3 tháng sau liều thứ hai thay vì chờ 5 tháng như hiện nay.

Các quan chức Israel cho biết rằng vào thời điểm họ có thông tin rõ ràng hơn về Omicron, có thể đã quá muộn để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất.

Tiến sĩ Tal Brosh, một thành viên khác của ban cố vấn, nói: “Chúng tôi có thể ngồi trên ghế học tập của mình và chờ đợi nghiên cứu từ nước ngoài, nhưng đó là loại đặc ân mà chúng tôi không cảm thấy mình có”.

Israel đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech vào tháng 12.2020 và bao phủ cho một phần đáng kể dân số của mình trước khi nhiều nước giàu khác bắt đầu sử dụng chúng.

Vào mùa xuân năm nay, Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm vắc xin COVID-19 cho hầu hết dân số. Thủ tướng Naftali Bennett tự hào về quyết định sớm thực hiện đợt tiêm mũi vắc xin thứ ba vào cuối tháng 7.2021 vì thành công trong việc ngăn chặn làn sóng Delta khi giữ cho các trường học và nền kinh tế mở cửa.

Sự xuất hiện của Omicron đe dọa đảo ngược những lợi ích đó và đưa Israel trở lại tình trạng phong tỏa. Israel đã nhanh chóng thắt chặt kiểm soát biên giới và cấm hầu hết các công dân nước ngoài đến thăm. Họ đang lập một danh sách đỏ ngày càng tăng về các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Omicron cao mà người Israel không được đi du lịch nếu không có sự cho phép đặc biệt, bao gồm cả Mỹ và Canada.

Ông Naftali Bennett nhiệt liệt hoan nghênh khuyến nghị của ban cố vấn về liều vắc xin thứ tư trong tuần này khi nói: “Công dân Israel là những người đầu tiên trên thế giới được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ ba và chúng tôi đang tiếp tục dẫn đầu với liều thứ tư”.

Hôm 23.12, Bộ trưởng Y tế Đức - Karl Lauterbach cho biết rằng ông dự kiến ​​người Đức sẽ được tiêm một liều vắc xin tăng cường khác trong năm 2022 nhắm vào Omicron, tùy thuộc vào thời gian bảo vệ mũi tiêm thứ ba kéo dài bao lâu.

Thế nhưng, một số chuyên gia y tế đã đề nghị nên hãm lại việc này.

Giáo sư Hagai Levine, nhà dịch tễ học và là Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Israel, nói rằng Israel vẫn chưa nhận thấy sự gia tăng mạnh về số ca COVID-19 và không có bằng chứng nào cho thấy cần phải tiêm mũi thứ tư để ngăn ngừa bệnh nặng do Omicron. Số ca COVID-19 hàng ngày của Israel ở mức khoảng 1.200, giảm từ 11.000 vào thời điểm đỉnh điểm của làn sóng dịch Delta vào tháng 8.

Tôi tôn trọng ý kiến ​​của những người nói rằng thà an toàn hơn là nuối tiếc và không có vấn đề gì với việc chuẩn bị. Song trước khi tiêm mũi thứ tư, nên chờ khoa học đã”, Giáo sư Hagai Levine nói trong một cuộc phỏng vấn.

Giám sư Dror Mevorach, người đứng đầu khoa COVID-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở thành phố Jerusalem (Israel), cũng kêu gọi chờ đợi thêm dữ liệu.

Chỉ vì chúng tôi dẫn đầu với liều thứ ba không có nghĩa là phải có liều thứ tư mà không dựa trên cơ sở khoa học”, theo Dror Mevorachi. Ông nói việc giảm lượng kháng thể theo thời gian là điều tự nhiên và việc tăng cường kháng thể có thể mang lại lợi ích hạn chế.

mot-so-nha-khoa-hoc-ngan-israel-som-tiem-mui-vac-xin-covid-19-thu-4.jpg
Một người đàn ông đã nhận được liều thứ ba vắc xin COVID-19 ở thành phố Jerusalem, Israel hồi tháng 8 - Ảnh: Reuters

Ban cố vấn chính phủ Israel cho biết khuyến nghị của họ về mũi vắc xin COVID-19 thứ tư xuất phát từ tốc độ lây lan khủng khiếp của Omicron và gánh nặng thêm cho hệ thống y tế trong mùa đông nhưng có thể sẽ không nhanh chóng dẫn đến mũi vắc xin thứ năm.

Lúc đầu, nhiều người Israel coi việc nước họ đi đầu trong việc tiêm vắc xin COVID-19 cho công chúng là đặc ân và là tấm vé để nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Thế nhưng triển vọng về việc tiêm vắc xin lần thứ tư trong vòng 1 năm đã tạm dừng suy nghĩ đó của họ.

Benny Muchawsky (80 tuổi, một kiến ​​trúc sư) nói điều này có vẻ giống chứng cuồng loạn. “Israel là phòng thí nghiệm cho vắc xin COVID-19”, ông bình luận.

Bài liên quan
Nhiều người Mỹ xếp hàng dài chờ xét nghiệm COVID-19 do sự bùng phát biến thể Omicron
Với số ca COVID-19 lại một lần nữa tăng cao, nhiều người Mỹ đang phải vật lộn để được xét nghiệm vào những ngày trước Giáng sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các nhà khoa học ngăn Israel sớm tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ 4 vì sợ gây hại cho hệ thống miễn dịch