Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, hàng loạt ngân hàng xin ý kiến cổ đông thành lập công ty tài chính.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) trình xin kế hoạch lập công ty tài chính tiêu dùng với ba phương án là mua lại một công ty tài chính đang hoạt động hoặc chuyển đổi công ty cho thuê tài chính hiện có của BIDV thành công ty tài chính tiêu dùng. Trường hợp không thực hiện được hai phương án trên, BIDV sẽ thành lập mới công ty tài chính.
Một ngân hàng có vốn nhà nước khác là Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tham gia làn sóng này. Với kế hoạch sáp nhập PGBank, VietinBank sẽ chuyển một phần PGBank thành Công ty tài chính PG Finance.
Ở khối cổ phần, Ngân hàng Á Châu (ACB) dự kiến thành lập công ty tài chính với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính và bao thanh toán.Sau khi Công ty tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê tài chính (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép Ngân hàng Nhà nước sáp nhập vào đơn vị này. Hiện nay, vốn điều lệ của ACB Leasing là 200 tỷ đồng, để thành lập công ty tài chính, ACB phải cấp thêm vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.
Tương tự, Sacombank, Nam A Bank, OCB, DongA Bank… cũng lên kế hoạch thành lập công ty tài chính với vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhằm mục tiêu đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Lý giải về chủ trương lập công ty tài chính, ACB cho biết hiện nay trong số các nghiệp vụ tài chính mà ngân hàng cung cấp, có các nghiệp vụ tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính, và bao thanh toán. Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có một số dự thảo thông tư có thể sẽ ban hành trong thời gian tới, trong đó có quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng và hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Theo 2 thông tư nói trên, ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do nhà quản lý quy định. Vì vậy, để chuẩn bị cho việc tiếp tục hoạt động kinh doanh về cho vay tiêu dùng sau khi có các thông tư nói trên, ACB cần thiết phải thành lập một công ty tài chính.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết thêm, hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng đã được ngân hàng triển khai nhiều năm qua nhưng chưa dám đi vào những lĩnh vực rủi ro cao. Từ trước tới nay, ngân hàng chủ yếu chọn lọc khách hàng, tìm những phân khúc rủi ro thấp, trong đó ưu tiên các đối tượng làm công ăn lương vì thu nhập ổn định.
Bởi theo ông Toại, hoạt động cho vay tín chấp, tiêu dùng đang nằm trong ngân hàng nên kết quả kinh doanh sẽ phản ánh trực tiếp vào bản cân đối tài chính. "Còn nếu thành lập công ty tài chính, khi đó đơn vị này sẽ dám mở rộng đối tượng hơn vì toàn bộ hoạt động cho vay tiêu dùng, kể cả thẻ tín dụng, sẽ được chuyển hoàn toàn sang công ty tài chính", ông nói.
Chung quan điểm, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nhìn nhận, cho vay tiêu dùng thường tập trung vào các khoản vay nhỏ lẻ, không có tài sản đảm bảo, lãi suất sẽ được áp dụng cao hơn nên cần thiết phải cho vay qua công ty tài chính và tách bạch hẳn với ngân hàng. Sự chuyên biệt này sẽ giúp quản lý rủi ro một cách tốt nhất.
Lãnh đạo Sacombank, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch cũng cho biết, hiện nay đời sống người dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được các ngân hàng chú trọng. Do đó, nhà băng này muốn chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ nên việc thành lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng là cần thiết trong bối cảnh này.
Theo VnExpress