Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức sáng 9.5, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

‘Các biện pháp hỗ trợ DN không được làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính’

09/05/2020, 17:43

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tổ chức sáng 9.5, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Ousmane Dione đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam Ousmane Dione - Ảnh: VGP

Theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, để tránh những ảnh hưởng tiêu cực kéo dài lên nền kinh tế và người lao động, điều tối quan trọng là các doanh nghiệp có khả năng đứng vững không rút lui khỏi thị trường, và các định chế tài chính tiếp tục cung cấp tín dụng và vốn lưu động cho các doanh nghiệp này một cách bền vững.

Theo chuyên gia này, một điều không kém phần quan trọng là các biện pháp này không được làm trầm trọng hơn rủi ro tài chính. Chính phủ có nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ tài chính qua miễn giảm và giãn thuế; cấp phát ngân sách và giảm các loại phí; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

“Việt Nam đã và đang đi theo hướng này, đặc biệt là thông qua một loạt các biện pháp mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhằm giảm khó khăn thanh khoản và nới lỏng điều kiện tín dụng cũng như các gói hỗ trợ mà Chính phủ công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua”, ông Ousmane Dione nói.

Giải pháp thứ hai, chuyên gia này đề cập là khuyến khích điều chuyển nguồn lực từ doanh nghiệp ít có khả năng phục hồi nhanh hoặc những doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm ăn kinh doanh do ảnh hưởng của COVID-19, với cách thức kinh doanh mới theo hướng “không tiếp xúc trực tiếp”.

Theo đó, Chính phủ có thể khuyến khích điều chuyển nguồn lực cho các hoạt động mang lại mức sinh lời cao hơn. Như ở Singapore, lái xe taxi có thể được khuyến khích chuyển sang giao hàng, một việc đang được mở rộng về quy mô. Tương tự, có thể khuyến khích việc xây dựng các nền tảng công nghệ số bảo mật để phát triển khám chữa bệnh từ xa, hoặc các cửa hàng đang bán hàng trực tiếp mở kênh bán hàng qua mạng.

Về mặt đối ngoại, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đang muốn chuyển hoạt động sang các thị trường dự kiến sẽ mở cửa trở lại nhanh hơn để tạo sức mạnh tổng hợp và tạo cơ hội. Việt Nam nên cân nhắc các “hành lang kinh tế không có corona” để mở lại du lịch và đi lại với các nước như Hàn Quốc, Australia, New Zealand, sử dụng các biện pháp khuyến khích như visa nhiều lần và dài hạn và cùng nhau áp dụng các biện pháp y tế để bảo vệ du lịch và đi lại để lấy lại lòng tin cho du khách.

Cũng vậy, cần có nỗ lực xúc tiến đầu tư mang tính chiến lược và có mục tiêu để thu hút các công ty đa quốc gia hiện đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc.

Giải pháp thứ ba là cần cân nhắc các hành động mang tính hỗ trợ để giúp Việt Nam đạt được khát vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao trong tương lai.

Với tầm nhìn này, theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione, một nhóm các phương án mà Chính phủ có thể cân nhắc trong những tháng tới là tối ưu hóa đầu tư công; tận dụng tối đa nghị trình số hóa qua việc giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả phía chính phủ và doanh nghiệp; bảo vệ việc làm và tạo việc làm, thúc đẩy phát triển nguồn vốn con người…

Cuối cùng, giải pháp trong thời điểm khủng khoảng cũng bao gồm việc chấp nhận rủi ro. Vì vậy, các nhà lập chính sách cần được trao quyền để hành động một cách quyết liệt với rủi ro đã biết và được ghi nhận xứng đáng khi sáng tạo hay có thành công.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế với mức cao hơn 1,3 lần so với mức tăng trưởng chung cả nước, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc quyết liệt phòng chống dịch COVID-19, đến nay đã qua 24 ngày không phát sinh ca mới.

Hà Nội cam kết tiếp tục đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần quyết liệt như phòng chống dịch bệnh; triển khai thực hiện các nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường xuất khẩu.

Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, từ tháng 2 đến nay, Hà Nội đã chuyển hơn 1 triệu tỉ đồng sang Ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời cam kết sẽ tiếp tục chuyển nguồn tài chính này để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh vay phát triển sản xuất với lãi suất bằng 0, nhất là trong lĩnh vực tái đầu tư phát triển đàn lợn, gia súc gia cầm, tái cơ cấu đưa kỹ thuật cao vào phát triển công nghiệp.

Từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới, Thành phố sẽ phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố kết nối cung cầu; tổ chức tháng khuyến mại nhằm kích thích tiêu dùng nội địa; đồng thời kích cầu du lịch nội địa.

Thời gian tới, TP.Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết; phấn đấu đến ngày 30.6, 100% dịch vụ đạt mức độ 3, 4, trong đó 25% dịch vụ đạt mức độ 4. Chủ tịch Hà Nội cũng cho biết sẽ chỉ đạo rà soát lại toàn bộ chi tiêu thường xuyên và tiếp tục yêu cầu cắt giảm thêm so với mục tiêu ban đầu là 10% cho mục tiêu phát triển; tiếp tục hỗ trợ đối với các chương trình đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề, phấn đấu 75% lao động trên địa bàn thành phố sẽ được qua đào tạo.

Lam Thanh

Bài liên quan
Ra mắt nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
Cục An toàn thông tin vừa chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Các biện pháp hỗ trợ DN không được làm trầm trọng thêm rủi ro tài chính’