Trước tình trạng giá vật tư xây dựng tăng nhanh, nhiều nhà thầu ở Cà Mau đã tính đến chuyện không tham gia đấu thầu hoặc chỉ làm vài công trình nhỏ để duy trì hoạt động chờ khi giá cả bình ổn thì tính tiếp.
Doanh nghiệp "ngại" đấu thầu vì... sợ thua lỗ
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã bắt đầu mời thầu để triển khai công tác xây dựng hạ tầng trong quý II. Tuy nhiên, khác hẳn với những năm trước, năm nay nhiều nhà thầu xây dựng đã không mấy mặn mà với công tác đấu thầu. Tìm hiểu lý do mới biết, vì giá cả vật tư tăng cao, nhà thầu sợ thua lỗ nên không dám tham gia đấu thầu. Có chăng, họ chỉ tìm những công trình có giá trị thấp để tham gia nhằm tạo việc làm cho nhân công và duy trì hoạt động của đơn vị.
Nhắc tới chuyện đấu thầu, vị giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng ở Cà Mau lắc đầu: “Năm ngoái (2021) doanh nghiệp chúng tôi đã chịu lỗ một phen rồi, cũng vì giá cả vật tư tăng. Thêm vào đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng điêu đứng vì gánh nhiều khoản vay ngân hàng phải trả lãi và gần như đã chết “lâm sàng”.
Năm nay, những tưởng tình hình sẽ khả quan hơn, nào ngờ mới vào mùa đấu thầu mà giá cả vật tư tăng mạnh, mỗi mặt hàng tăng từ hơn 10 – 20% thì làm sao nhà thầu dám làm liều, ai liều làm nhiều thì phá sản sớm thôi. Năm nay, tôi chỉ kiếm vài công trình nhỏ làm để duy trì hoạt động và nuôi nhân công, chờ giá cả vật tư bình ổn rồi tính tiếp”.
Tương tự, một giám đốc của một công ty xây dựng khác cho biết: “Tình hình giá cả vật liệu xây dựng năm nay chẳng mấy sáng sủa gì, vật giá luôn biến động từng ngày trong khi hợp đồng với chủ đầu tư thì trọn gói, giá cả biến động mình đâu có điều chỉnh giá được. Do đó, nếu trúng thầu thì doanh nghiệp chúng tôi ôm hết, từ lỗ đến lỗ. Mà giờ không làm thì cũng không được, nên tôi chọn cách làm ít chờ thêm một thời gian xem như thế nào”.
Trước cơn "bão giá" vật liệu xây dựng, các nhà thầu cho biết, dự kiến trong thời gian tới giá cả các mặt hàng vật tư xây dựng như cát, đá, xi măng, sắt, thép… sẽ còn tiếp tục tăng. Nguyên nhân giá cả vật tư xây dựng tăng, được các nhà thầu nhận định là do những biến động của thị trường giá xăng dầu đã dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao khiến cho nhiều mặt hàng vật tư xây dựng tăng theo.
Còn bất cập trong việc cập nhật giá, giá nhân công?
Theo tìm hiểu của PV Một Thế Giới, tại cửa hàng cung ứng vật liệu xây dựng K.A (Cà Mau) hiện nay thì cát vàng có giá 308.000 đồng/m3; cát lấp 275.000 đồng/m3; đá bụi 319.000 đồng/m3; đá 4x6 là 440.000 đồng/m3; đá 1x2 trắng 471.000 đồng/m3; đá 0x4 loại 1 là 396.000 đồng/m3; xi măng giá dao động từ 79.000 – 86.000 đồng/bao…, trung bình các mặt hàng trên tăng từ hơn 10 – 20% so với thời điểm trước. Dự kiến các mặt hàng như sắt, xi măng sẽ còn tăng thêm trong vài ngày tới.
“Các đơn vị chủ đầu tư có tâm lý sợ vượt tổng mức đầu tư nên chưa hoặc chậm cập nhật giá mới để theo kịp thị trường. Hiện nay Sở Xây dựng không cập nhật kịp thời giá cả thị trường để đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp. Giá nhân công có nhiều bất cập, ở TP.Cà Mau ngay trung tâm nhưng lại cao hơn các huyện là chưa hợp lý. Năm trước, hàng chục doanh nghiệp cũng đã kêu cứu vì giá cả vật tư tăng cao và tỉnh cũng đã có ý kiến đề xuất với Trung ương nhưng đến nay tình hình vẫn không mấy khả quan hơn”, đại diện một doanh nghiệp xây dựng cho biết.
Cũng theo người này, hiện nay Sở Xây dựng Cà Mau không cung cấp đầy đủ các mặt hàng vật liệu so với nhu cầu thi công của doanh nghiệp. Cụ thể, cát thì họ chỉ công bố giá cát lấp, cát vàng xây dựng; đá thì chỉ công bố là đá 1x2…, chứ không ghi chi tiết từng loại. Trong khi đó, hồ sơ thiết kế thì chủ đầu tư lập rất chi tiết, yêu cầu cụ thể từng loại vật liệu. Để đạt chất lượng theo yêu cầu, nhà thầu phải tìm mua nguồn vật liệu với giá cao hơn hoặc bổ sung vật liệu thay thế.
“Họ không cập nhật đầy đủ các chủng loại. Tôi lấy ví dụ, cát vàng thì phải liệt kê ra loại nào, cát lấp loại nào phải có giá từng loại cụ thể. Trong thiết kế, chủ đầu tư có yêu cầu nhà thầu sử dụng cát loại nào rất cụ thể. Việc công bố như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà thầu, bởi cát vàng trên thị trường Cà Mau không đáp ứng được nhu cầu so với thiết kế. Do đó, đơn vị thi công sẽ gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu để mua, khi đó giá sẽ cao hơn hoặc để đạt cấp phối bê tông thì nhà thầu phải bù thêm xi măng để đạt chất lượng. Khi đó, nhà thầu sẽ thua lỗ.
Cùng với đó, các mặt hàng như cọc, dằm, cống, bê tông thương phẩm, vải địa kỹ thuật… không có trong báo giá. Họ nói mặt hàng nào ở Cà Mau không có bán thì họ không có, nếu không có thì phải liên kết với các địa phương lân cận để báo giá ở tại địa phương đó. Nếu không báo giá thì lấy gì nhà thầu làm và trên cơ sở nào mà Sở Xây dựng áp giá thiết kế, lập dự toán? Và khi vật giá leo thang như hiện nay, nhà thầu sẽ không được điều chỉnh giá, khi đó phần thiệt chúng tôi lãnh đủ”, đại diện của một doanh nghiệp nói thêm.
Nói về vấn đề giá cả vật tư tăng cao gây khó cho nhà thầu, một giám đốc Ban quản lý xây dựng ở Cà Mau thừa nhận: “Hiện nay vật tư trong xây dựng tăng cao, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc mời thầu. Giá xây dựng được ngành chuyên môn công bố trễ nên giữa giá thực tế trên thị trường và giá công bố chênh lệch quá cao nên gây khó khăn cho nhà thầu.
Cụ thể, giá thép công bố sau khi trừ thuế còn 18.000 đồng/kg nhưng thực tế hiện nay là khoảng 22.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá này thì cứ trung bình 1 tấn sắt là nhà thầu phải lỗ 4 triệu đồng. Giờ muốn điều chỉnh thì Chính phủ mới cho điều chỉnh được, bởi hầu hết đều là hợp đồng trọn gói. Đúng là khó khăn và nhà thầu than vãn nhiều lắm, giá xi măng chuẩn bị tăng thêm 5.000 đồng/bao, giờ mà đấu thầu là thấy khó khăn thật sự”.
Ông Mã Minh Tâm, quyền Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau cho biết, theo quy định thì chậm nhất là 3 thang công bố giá một lần, trong điều kiện cần thiết thì việc công bố là 1 tháng/lần và đơn vị đã duy trì việc công bố này đã hơn 1 năm qua. “Hiện nay, chỉ có nhà thầu kiến nghị đối với những gói thầu có giá trị nhỏ, dưới 20 tỷ đồng, ký hợp đồng trọn gói. Trong đó, có cả phần chi phí trượt giá, dự phòng. Khi chủ đầu tư mời thầu, nhà thầu xét thấy phù hợp với khả năng thì dự thầu, quá trình làm thì lời hay lỗ mình cũng không biết”, ông Tâm nói.
Về việc cập nhật giá chưa đầy đủ các mặt hàng trong lĩnh vực xây dựng, đại diện Sở Xây dựng Cà Mau lý giải: “Sở chỉ báo giá chung ở địa phương, trên cơ sở đó thì chủ đầu tư tính toán cự li vận chuyển đi về. Chúng tôi không cung cấp đến chân công trình, đó là nhiệm vụ của các chủ đầu tư. Khi một dự án được sở chuyên ngành phê duyệt, chủ đầu tư khi đưa ra kế hoạch đấu thầu và họ phải cập nhật giá đấu thầu tại thời điểm đó nhưng không vượt tổng mức đầu tư.
Sở cập nhật giá là dựa trên thông báo giá tại các cửa hàng bán ra, của Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, TP. Trên cơ sở đó Sở mới đi kiểm tra và công bố, chứ giờ nói thấp cao thì cũng rất khó. Chính phủ đang giao Bộ Xây dựng rà soát những biến động về giá để báo cáo Chính phủ xem xét, tháo gỡ những khó khăn cho nhà thầu”.
Về giá nhân công, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Cà Mau nhìn nhận, qua khảo sát lại lần 1 thì có trường hợp vùng III cao hơn vùng II; vùng IV cao hơn vùng III. Hiện đơn vị đã tiến hành khảo sát lần 2, nếu số liệu vẫn như vậy thì Sở Xây dựng sẽ báo cáo UBND tỉnh Cà Mau để tìm hướng tháo gỡ.