Chiều 8.9, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan về việc khẩn trương thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước xung quanh dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển Tây.

Cà Mau lên tiếng về dự án tuyến đê biển Tây sai phạm gần trăm tỉ đồng

Trần Khải | 08/09/2020, 18:59

Chiều 8.9, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan về việc khẩn trương thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước xung quanh dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển Tây.

Trước đó, ngày 28.7 Tổng Kiểm toán Nhà nước có văn bản kết luận về những sai sót, liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển Tây. Cụ thể như thiết kế một số hạng mục chưa đảm bảo theo quy định về tiêu chuẩn; quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng, thẩm định điều chỉnh dự án chưa đúng thẩm quyền. Về thi công, giám sát, nghiệm thu, thanh toán và công tác quản lý chi phí đầu tư… có việc chưa đảm bảo theo quy định…

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, qua 10 năm thực hiện chương trình xây dựng đê biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau, kiểm toán đã phát hiện số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng là hơn 95 tỉ đồng. Trong đó, hơn 90 tỉ đồng thanh toán sai do dự toán được duyệt; thanh toán sai so với khối lượng thi công thực tế khoảng 5,4 tỉ đồng.

Kiểm toán cũng chỉ ra việc sử dụng không hiệu quả vốn ngân sách. Như năm 2010 tỉnh Cà Mau phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây nhưng sau đó điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi. Tuy nhiên, trước khi điều chỉnh Cà Mau đã thực hiện công tác đo đạc bản đồ, kiểm kê giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn. Toàn bộ các phần việc này không phục vụ cho dự án đã điều chỉnh sau nên gây lãng phí hơn 25 tỉ đồng.

Trong phần rà phá bom mìn, nhiều diện tích không được rà phá nhưng đã thanh toán toàn bộ cho hạng mục này là hơn 16 tỉ đồng. Kiểm toán đề nghị tỉnh rà soát, thu hồi cho ngân sách phần diện tích chưa thực hiện. Kết luận của Kiểm toán còn chỉ ra, trong quá trình xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển Tây, nhiều thiết bị thi công cũng có dấu hiệu cao hơn giá thực tế, gian lận chất liệu.

Tuyến đê biển bị sụt lún nghiêm trọng trong đợt hạn hán lịch sử vừa qua - Ảnh: Trần Khải

Cụ thể trong gói thầu 245 mua 2 máy đào gầu và 1 sà lan (thực hiện năm 2018) mua cao hơn giá thị trường 1,5 lần (khoảng 700 triệu đồng). Còn sà lan độ dày thép chỉ 6 mm, trong khi thiết kế được duyệt là 8 mm…

Trên cơ sở ảnh vệ tinh và các báo cáo tiến độ thi công mà BQLDA báo cáo UBND tỉnh thể hiện, vào thời điểm giá cát tăng đột biến năm 2017, các gói thầu 87, 88, 89 chưa thi công. Thế nhưng hồ sơ nghiệm thu thanh toán lại thể hiện đã thi công, nghiệm thu đúng thời điểm giá cát đột biến tăng này. Từ đó, 3 gói thầu này có tổng số tiền bù giá cát tăng thêm đến 11,8 tỉ đồng. BQLDA đã tự xác định giá trị sai ở phần giá cát là 3,2 tỉ đồng, đã nộp khắc phục được 3 tỉ đồng.

Ở gói thầu 87, nghiệm thu sai khối lượng đất mua của dân để đắp đê. Giá trị thực mua chỉ chưa đến 1,2 tỉ đồng nhưng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu đến 3,6 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần. Đá gia cố lề ở năm gói thầu bị phát hiện chưa được đầm chặt và mỏng hơn thiết kế. Thiết kế đá gia cố lề là 29,6 cm nhưng thực tế chỉ đạt 12 cm.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây của tỉnh Cà Mau, về phương án tuyến hầu hết là theo tuyến của đê quốc phòng được hình thành từ trước và được đầu tư nâng cấp từ năm 2010, đến nay gần 10 năm. Trong thời gian này có nhiều chính sách, quy định pháp luật thay đổi nhưng các đơn vị liên quan chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp; công tác quản lý còn có mặt hạn chế, yếu kém.

Bên cạnh đó, diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, phức tạp, làm thay đổi hiện trạng công trình, rừng phòng hộ bảo vệ đê ở nhiều đoạn bị xói lở; công trình đê biển được triển khai trên nhiều địa bàn có tính đặc thù (qua vùng ngọt hóa, nền đất yếu, nâng cấp trên mặt đê cũ trước đây)…

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Với mục tiêu, yêu cầu là đảm bảo chất lượng công trình, không để thất thoát ngân sách Nhà nước, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan một cách nghiêm túc, đúng quy định và điều kiện cụ thể.

Nội dung văn bản cho thấy, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án (BQLDA) công trình NN&PTNT tỉnh, đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công và các đơn vị liên quan khẩn trương khảo sát, đánh giá, xác định tính ổn định của toàn tuyến đê biển Tây để khắc phục ngay đoạn đê bị sụp lún. Đồng thời, kiểm tra việc thi công đảm bảo đúng thiết kế (bao gồm thân đê, khoang đào và các công trình liên quan).

Qua đó đề xuất giải pháp xử lý cụ thể đối với những đoạn, tuyến chưa đảm bảo, nhằm đảm bảo cho công trình ổn định lâu dài... Xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định, đúng thẩm quyền. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải trình, kiến nghị đến các cơ quan chức năng có ý kiến về những vấn đề quy định của pháp luật còn nhận thức, áp dụng khác nhau theo nội dung kết luận của Kiểm toán.

Các Sở Tài chính, Nội vụ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu những vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngành để báo cáo, đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh hướng xử lý phù hợp.

Đối với BQLDA công trình NN&PTNT tỉnh Cà Mau, khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh này và các đơn vị thi công, thiết kế triển khai thực hiện ngay những nội dung, vấn đề Kiểm toán kết luận, đủ điều kiện thực hiện. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho tuyến đê và vấn đề liên quan đến việc giảm trừ thanh toán các gói thầu. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung kiến nghị khác theo kế hoạch chung của UBND tỉnh.

Trần Khải
Bài liên quan
TP.HCM: Phát hiện nhiều sai phạm tại điểm bán thuốc của Công ty dược phẩm NH Pharma
Cơ quan chức năng vừa ra quyết định xử phạt và tiêu hủy thuốc tại một điểm kinh doanh của Công ty TNHH dược phẩm NH Pharma do có nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau lên tiếng về dự án tuyến đê biển Tây sai phạm gần trăm tỉ đồng