Chim yến không ăn thức ăn như các loại gia cầm thường nuôi bằng thức ăn công nghiệp như gà, vịt, cút... Vì thế khái niệm "yến nuôi" chỉ mang tính tương đối. Cũng vì thế, theo tôi chất lượng của tổ yến tự nhiên và "yến nuôi” có thể như nhau.
Tổ yến (còn có tên yến sào) là một thực phẩm cao cấp đã có trên các mâm yến tiệc cao cấp từ hàng ngàn năm nay nhờ giá trị dinh dưỡng rất cao. Tổ yến gần như chỉ có ở các quốc gia châu Á nhiệt đới, tập trung chủ yếu ngoài các hòn đảo đá trên Biển Đông. Do đó, nghề hái tổ yến là nghề đặc biệt, mạo hiểm, nguy hiểm vô cùng và vì thế giá của tổ yến rất đắt đỏ.
Chim yến là loài chim đặc biệt với thân hình nhỏ nhắn, sải cánh dài, chân rất ngắn, ít đậu trên đất. Yến nhìn bề ngoài như chim én nhưng hoàn toàn không có họ hàng với én. Cuộc đời chủ yếu của chúng là bay trên không trung, kể cả săn bắt mồi, giao phối, thậm chí ngủ... Chân ngắn nhưng có cấu tạo đặc biệt để bám vào vách đứng. Thuộc bộ yến, chim yến có tên khoa học là Apodidae bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ, nghĩa là không chân.
Người ta đã nghĩ ra một phương thức sản xuất yến sào (tổ yến) mới bằng nuôi yến trong nhà. Đó là mốc quan trọng tạo ra nghề mới. Đặc biệt là khi con người nghiên cứu, phát minh, chế tạo ra máy phát tần số, tiếng kêu dẫn dụ đàn chim yến vào đất liền, vào các nhà nuôi yến thành công và phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với công nghệ nuôi chim yến lấy tổ yến đã phát triển, nhiều mô hình tại các tỉnh ven biển miền Nam và cả Tây Nguyên đã thành công. Đến nay, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đã có nhiều hiệu quả tốt trong việc này.
Cũng cần có nghiên cứu thấu đáo về chim yến, đàn yến về mọi mặt, trong chuỗi gia trị của sản phẩm tổ yến. Với những hiểu biết của tôi thì chim yến là loài sống bầy đàn, làm tổ, sinh đẻ ở ngoài hang núi đá sạch sẽ rất xa đất liền. Tại đó, không có các vật liệu tự nhiên làm tổ nên chim phải thích nghi bằng nhả nước bọt, nước dãi của mình ra để làm tổ và sinh con. Vì thế cái tổ rất nhỏ vừa đủ cho sinh nở, nuôi con khôn lớn.
Tuy nhỏ bé nhưng tổ yến rất bền trước thiên nhiên, gió bão, mưa biển. Mặt khác, chim yến chỉ ăn các loại côn trùng như muỗi, mối, châu chấu... các con côn trùng nhỏ ở vùng sạch mát. Và chúng có khả năng bay đi tìm kiếm thức ăn ở trong tầm bay khoảng 200km, tối đa 300km cách nơi sinh sống của yến. Đó là những khu vực có môi trường còn mát mẻ, sạch sẽ, trong lành, còn hoàn cảnh sinh thái tự nhiên, gần với nguyên sinh... Vì thế vùng cung cấp thức ăn của chim yến Việt Nam chỉ ở ven biển miền Trung, miền Nam và các vùng phụ cận: Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, vùng ĐBSCL.
Chim yến không ăn thức ăn như các loại gia cầm thường nuôi bằng thức ăn công nghiệp như gà, vịt, cút... Vì thế khái niệm "yến nuôi" chỉ là tương đối thôi. Cũng vì thế, theo tôi chất lượng của tổ yến tự nhiên và "yến nuôi” có thể như nhau. Cần có phân tích kỹ các chất cấu thành trong tổ yến. Việc này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế... nên phối hợp hay lập một tổ chức giám định, kiểm nghiệm độc lập thực hiện rồi từ đó công bố rộng rãi cho mọi người biết, vì trong xã hội vẫn còn ý kiến cho rằng yến nuôi thì chất lượng tổ yến kém, không tốt. Thực tế thì có “nuôi” đâu mà chỉ làm nhà, mua máy dụ chúng về “định cư“ làm tổ nuôi con và cho con người tổ yến thôi.
Theo tôi, Bộ Nông nghiệp - Phát trển nông thôn và Bộ Khoa học - Công nghệ cần có chương trình điều tra, nghiên cứu đánh giá để hướng dẫn phát triển một lợi thế cần khai thác mở rộng.
Chúng ta nên học Indonesia về nghề này. Cũng là nghề tạo ra hàng tỉ USD mỗi năm đấy.
TS Nguyễn Văn Lạng
(nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)