Ứng dụng công nghệ số vào công tác khám chữa bệnh luôn được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo sự hài lòng của người bệnh.
Nhịp đập khoa học

Cà Mau: Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Trần Khải 26/10/2024 11:00

Ứng dụng công nghệ số vào công tác khám chữa bệnh luôn được các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đảm bảo sự hài lòng của người bệnh.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số bằng cách đầu tư trang thiết bị hiện đại, giúp cho công tác quản lý thông tin bệnh nhân, đưa ra kết quả xét nghiệm, phim ảnh nhanh, đạt độ chính xác cao. Điều này góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi, chi phí đi lại của người bệnh.

cds-2.jpg
Bác sĩ Trần Phước Lộc nói về những tiện ích của phần mềm VssID

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ số vào công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Trần Phước Lộc, Giám đốc Phòng khám đa khoa Sài Gòn - Cái Nước (huyện Cái Nước) cho hay, từ khi phần mềm VssID (Bảo hiểm xã hội số) ra đời thì rất thuận tiện cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh. “Hồi xưa, mình sử dụng văn bản giấy, khi cần tra cứu, truy cập một thông tin nào đó thì mình phải tìm kiếm nhiều ngày là chuyện bình thường, rất mất thời gian. Lấy ví dụ một cơ sở có lượng bệnh là 300 lượt/ngày, cứ 10 ngày là 3.000 lượt, khi cần tìm kiếm dữ liệu rất vất vả”, bác sĩ Lộc nói.

Theo bác sĩ Lộc, giờ ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực y tế thì rất thuận lợi, vừa tiện cho nhân viên bảo hiểm y tế (BHYT), vừa tiện cho nhân viên cơ sở y tế. Khi cần truy xuất thông tin, chỉ cần truy cập trực tiếp trên phần mềm, nhanh gấp nhiều lần. Đặc biệt, việc tích hợp các loại giấy tờ tùy thân, thẻ BHYT vào căn cước công dân (CCCD) gắn chíp cũng rất tiện lợi. Khi đi khám bệnh, chữa bệnh, bà con chỉ cần đem CCCD hoặc điện thoại thông minh là có thể khám bệnh được.

Tại cơ sở của mình, bác sĩ Lộc đã thực hiện chuyển đổi số ở khâu hành chính, nhận bệnh. Tại đây, khi người bệnh đến khám bệnh, chỉ xuất trình CCCD là nhân viên sẽ truy xuất thông tin của người bệnh trực tiếp qua hệ thống máy quét chuyên dụng. Đồng thời, trong khâu quản lý hồ sơ, quản lý bệnh án y tế, thông tin về người bệnh đều được lưu trữ trên phần mềm chuyên dụng về y tế.

“Phần mềm chuyên dụng về y tế trong quản lý hồ sơ bệnh nhân có nhiều tiện ích, có chức năng quản lý toàn bộ hệ thống hoạt động của cả phòng khám. Sử dụng phần mềm này sẽ giúp cho nhân viên y tế dễ dàng truy cập thông tin, quay lại tìm hiểu tình trạng bệnh sử của bệnh nhân; đồng thời giúp cho y bác sĩ, nhân viên y tế có thể truy xuất được lịch sử khám bệnh của bệnh nhân như: họ đã khám ở đâu, được bác sĩ kê đơn thuốc gì... Thông qua phần mềm này, mỗi bệnh nhân sẽ được lưu trữ thông tin dưới dạng mã bệnh nhân, hoặc mã BHYT. Khi người bệnh đi tái khám, bác sĩ chỉ cần nhập mã bệnh là sẽ hiển thị đầy đủ thông tin của bệnh nhân, rất nhanh. Đồng thời, phần mền còn hỗ trợ các file xét nghiệm, hình ảnh khi cần thiết là bác sĩ có thể xem lại được tất cả”, bác sĩ Lộc thông tin.

Bà Trần Ngọc Thu ngụ TP.Cà Mau cho biết: “Tôi thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác khám chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa Sài Gòn - Cái Nước rất hay. Đến đây khám bệnh tôi rất hài lòng. Tôi bị viêm gót chân từ nhiều năm nay, đi lại rất bất tiện, thông qua người quen giới thiệu tôi đến khám, sau vài lần uống thuốc hiện tình trạng bệnh đã thuyên giảm nhiều”.

Nói về công tác chuyển đổi số tại đơn vị, bác sĩ Nguyễn Xuân Duyên, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cái Nước cho biết chuyển đổi số ở đơn vị đã thực hiện từ nhiều năm qua và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở hệ thống quản lý chung của ngành y tế, đơn vị đang chuyển khai phần mềm quản lý, xét nghiệm để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Đồng thời, bệnh viện đang đầu tư cơ sở hạ tầng để triển khai, thực hiện bệnh án điện tử.

cds.jpg
Ê kíp y bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Cái Nước đang thực hiện một ca mổ cho bệnh nhân

Nói về tiện ích của ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Duyên cho rằng có rất nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả nhân viên y tế và người bệnh. “Tôi lấy ví dụ, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh tại phòng khám chỉ sử dụng CCCD gắn chíp, không cần sử dụng thẻ BHYT như trước đây. Việc này sẽ giảm được thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Hướng sắp tới, đơn vị đang phối hợp với nhà tài trợ để lắp đặt 2 trụ ki ốt thông minh, đưa vào vận hành sẽ giúp nhận dạng khuôn mặt người bệnh và đăng ký trực tiếp qua hệ thống nhận dạng được cài đặt sẵn. Sau đó, người bệnh chỉ đến gặp bác sĩ khám trực tiếp, không cần phải xếp hàng chờ đợi”, bác sĩ Duyên cho hay.

Có mặt tại Khoa khám bệnh của Bệnh viện đa khoa Cái Nước, anh Tô Trí Dũng ngụ huyện Ngọc Hiển đánh giá: “Chất lượng khám bệnh ở đây rất tốt, nhân viên y tế hướng dẫn rất tận tình, bác sĩ khám bệnh rất kỹ, tư vấn rất cặn kẽ tình trạng sức khỏe. Công tác thăm khám diễn ra nhanh hơn, khu vực khám rất mát mẻ, không còn tình trạng chen lấn, chờ đợi như trước đây. Tôi rất hài lòng về công tác thăm khám, điều trị tại Bệnh viện Cái Nước”.

Nói về những khó khăn bước đầu trong triển khai chuyển đổi số, bác sĩ Duyên chia sẻ, về nguồn lực, đơn vị đã đáp ứng, riêng về cơ sở vật chất thì còn nhiều khó khăn. Ở giai đoạn đầu, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho chuyển đổi số chưa được đáp ứng như kỳ vọng, do nguồn kinh phí đầu tư lớn nên cần có lộ trình, thời gian để thực hiện đồng bộ.

“Bệnh viện đang hướng đến việc đầu tư phần mềm chẩn đoán hình ảnh và bệnh án điện tử. Đối với phần mềm chẩn đoán hình ảnh, nếu được triển khai thì kết quả chẩn đoán đạt tỷ lệ chính xác rất cao, mà không cần phải in phim như hiện nay. Khi áp dụng phần mềm này, bác sĩ điều trị sẽ xem kết quả trực tiếp và lưu trữ trên hệ thống. Tuy nhiên, do kinh phí quá lớn nên đơn vị chưa thể thực hiện ngay”, bác sĩ Duyên nói.

Phần mềm bệnh án điện tử, theo lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Cái Nước, nếu được triển khai sẽ thuận lợi rất nhiều như xóa bỏ việc in và lưu trữ bệnh án giấy; bác sĩ điều trị sẽ nhập diễn tiến lâm sàng lên hệ thống quản lý và bác sĩ giữa các khoa có thể xem kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trên hệ thống quản lý. Đồng thời, việc giám định BHYT cũng trở nên đơn giản, chỉ cần giám định qua hệ thống, giám định viên không phải xuống cơ sở như hiện nay.

“Nói chung, việc ứng dụng chuyển đổi số góp phần giảm được công sức của nhân viên y tế, rút ngắn được thời gian chờ đợi, tăng sự hài lòng của người bệnh; kết quả xét nghiệm, chẩn đoán sẽ đạt độ chính xác cao và tiết kiệm được nguồn chi phí phục vụ in ấn”, bác sĩ Duyên thông tin thêm.

Theo thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Cái Nước, ngoài công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đơn vị còn tập trung về lĩnh vực ngoại khoa, hiện bệnh viện đã triển khai đề án phối hợp với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để thực hiện công tác nội soi tiết niệu, tán sỏi... được xem là thế mạnh của đơn vị.

Bài liên quan
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Chuyển đổi số giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh