ByteDance, tập đoàn Trung Quốc sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám TikTok và Douyin vừa tiết lộ nội bộ 61 trường hợp có hành vi sai trái của nhân viên.
Những nhân viên này đã bị tập đoàn ByteDance (có trụ sở ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc) sa thải hoặc chính quyền buộc tội vì nhận hối lộ, làm rò rỉ dữ liệu và khai báo chi phí không phù hợp, cùng những sai phạm khác.
Bốn nhân viên ByteDance đã bị bắt giam hoặc được tại ngoại, trong đó có Lu Yang, người nhận “số tiền lớn lại quả từ các đối tác bên ngoài”, theo một email nội bộ công ty mà trang SCMP nhìn thấy.
Gia nhập ByteDance vào năm 2018, Lu Yang phụ trách mảng bản quyền âm nhạc kỹ thuật số của Douyin, theo hồ sơ LinkedIn của anh ta.
Theo email, Lu Yang cùng ba nhân viên xộ khám khác đã bị Liên minh Doanh nghiệp Tin cậy và Liêm chính cùng Liên minh Chống gian lận Doanh nghiệp đưa vào danh sách đen. Hai nhóm đạo đức nghề nghiệp lớn ở Trung Quốc đều có hơn 100 công ty thành viên.
Đại diện ByteDance đã xác nhận nội dung email. Lu Yang không trả lời ngay lập tức câu hỏi mà SCMP gửi qua LinkedIn. SCMP không thể liên hệ với những người khác có tên trong email của ByteDance.
Các trường hợp có vấn đề khác được ByteDance xác định là vi phạm “hệ thống liêm chính và trung thực”, “xung đột chế độ lợi ích” và “hệ thống bảo mật thông tin”.
Trong một trường hợp, Guo Qiyang, nhân viên bộ phận thương mại điện tử của ByteDance, đã tiến hành đào tạo riêng cho các thương nhân và kiếm được 200.000 nhân dân tệ (27.600 USD) từ quá trình này.
Wang Kunyan, nhân viên nhóm nền tảng chỉnh sửa video CapCut thuộc ByteDance, “đã tiết lộ thông tin công ty cho các đối thủ” trong khoảng thời gian từ tháng 8.2023 đến tháng 2.2024.
Bao Yizhi, nhân viên thuộc nhóm dịch vụ địa phương ở ByteDance, đã lấy trộm đồ của đồng nghiệp và bán với giá 3.404 nhân dân tệ.
Hơn chục trường hợp khác là các nhân viên ByteDance khai khống chi phí vận chuyển, chỗ ở và ăn uống cho các mục đích không liên quan đến công việc.
Những hành vi sai trái của hàng chục nhân viên khiến lãnh đạo ByteDance phải đau đầu.
Giống như các hãng công nghệ lớn khác ở Trung Quốc, ByteDance luôn giám sát chặt chẽ hành vi của nhân viên. Hồi tháng 3, đơn vị kinh doanh Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc) cho biết đã trình báo 23 nhân viên cho cảnh sát và sa thải 136 người vì tội hối lộ, tham ô vào năm ngoái. Đơn vị này cũng giám sát trang tổng hợp tin tức Jinri Toutiao và các ứng dụng cung cấp nội dung phổ biến khác ở Trung Quốc.
Các công ty cùng ngành với ByteDance cũng có động thái tương tự.
Gã khổng lồ truyền thông xã hội và game Tencent Holdings năm ngoái đã báo cảnh sát về gần 20 nhân viên và sa thải hơn 120 người khác trong khoảng 70 trường hợp sai trái. Cũng trong năm 2023, nhà điều hành giao đồ ăn và dịch vụ địa phương Meituan thông báo đã hỗ trợ cảnh sát điều tra hình sự 93 nhân viên.
Lạm quyền, truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ
Cuối năm 2022, ByteDance phát hiện ra một số nhân viên lạm quyền truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ, làm phức tạp thêm nỗ lực vốn khó khăn của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhằm thuyết phục các nhà làm luật Mỹ rằng ứng dụng chia sẻ video ngắn này an toàn.
Shou Zi Chew, Giám đốc điều hành TikTok, nói với các nhân viên rằng: “Các cá nhân liên quan đã lạm dụng quyền hạn của họ để có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng TikTok”.
Việc truy cập vào dữ liệu này bắt nguồn từ một cuộc điều tra nội bộ của ByteDance được tiến hành vào mùa hè 2022 nhằm khám phá nguồn làm rò rỉ thông tin với báo chí từ nhân viên.
Các thành viên trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance (chịu trách nhiệm về cuộc điều tra) đã truy cập dữ liệu cá nhân từ tài khoản một số nhà báo, gồm cả địa chỉ IP, để cố gắng xác định xem họ có tương tác với nhân viên TikTok hay không, theo một email được gửi bởi Erich Andersen – Giám đốc pháp lý ở Mỹ của TikTok.
Công ty đã mở một cuộc điều tra riêng sau khi trang Forbes đưa tin các nhân viên ByteDance lên kế hoạch sử dụng TikTok để theo dõi vị trí thực của một số người dùng Mỹ. Do công ty luật bên ngoài tiến hành, cuộc điều tra thứ hai đó đã phát hiện ra việc truy cập không phù hợp vào dữ liệu cá nhân của người dùng TikTok.
Theo tờ The New York Times, một người trong nhóm kiểm toán nội bộ của ByteDance đã từ chức và ba người khác bị sa thải. Nhóm kiểm toán cũng được cơ cấu lại nhằm nỗ lực tránh những vi phạm tương tự trong tương lai.
“Tôi muốn nói thêm rằng hành vi sai trái này hoàn toàn không đại diện cho những gì tôi biết về nguyên tắc của công ty chúng ta. Tôi thất vọng khi biết rằng bất kỳ ai, thậm chí chỉ một nhóm nhỏ, coi hành vi đó là có thể chấp nhận được”, Shou Zi Chew cho biết.
TikTok cùng công ty mẹ ByteDance đang đau đầu với luật được Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành hôm 24.4. Luật này được ban hành sau những lo ngại lan rộng rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ hoặc sử dụng ứng dụng này để giám sát họ.
Theo luật này, ByteDance có một năm để thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ, nếu không ứng dụng chia sẻ video ngắn này phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn. Thời hạn để ByteDance thoái vốn khỏi TikTok ở Mỹ là 19.1.2025, một ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ hiện tại của ông Biden. Thế nhưng, ông Biden có thể gia hạn thêm 3 tháng nếu có một thỏa thuận đang được thực hiện.
Theo 4 nguồn tin của Reuters, ByteDance muốn đóng cửa TikTok thay vì bán nó nếu sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý nhưng không thể chống lại luật cấm nền tảng chia sẻ video ngắn nổi tiếng này trên các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.
Các thuật toán mà TikTok dựa vào để vận hành được coi là cốt lõi với hoạt động tổng thể của ByteDance, điều đó sẽ khiến việc bán ứng dụng này với thuật toán rất khó xảy ra, theo các nguồn tin của Reuters.
TikTok chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và số người dùng hoạt động hàng ngày của ByteDance, vì vậy tập đoàn Trung Quốc thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn là bán nó cho một người mua tiềm năng ở Mỹ.
Reuters cho hay việc TikTok ngừng hoạt động ở Mỹ sẽ có tác động hạn chế đến hoạt động kinh doanh của ByteDance và công ty sẽ không phải từ bỏ thuật toán cốt lõi của mình.
ByteDance từ chối bình luận về thông tin này.
ByteDance thông báo không có kế hoạch bán TikTok trong tuyên bố tối 25.4 trên Toutiao, nền tảng truyền thông mà hãng sở hữu. Đây là động thái đáp lại một bài báo trên trang The Information cho biết ByteDance đang khám phá các kịch bản bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không có thuật toán đề xuất video cho người dùng.
Shou Zi Chew hôm 24.4 tuyên bố sẽ đấu tranh trước tòa để chống lại luật mà Tổng thống Biden vừa ký ban hành có thể khiến ứng dụng này bị cấm tại Mỹ.
"Hãy yên tâm, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của các bạn tại tòa án. Sự thật và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi", Shou Zi Chew nói tối 24.4, ngay sau khi ông Biden ký ban hành luật liên quan đến TikTok. TikTok hiện có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ.
ByteDance không tiết lộ công khai hiệu quả hoặc chi tiết tài chính bất kỳ đơn vị nào của mình. Các nguồn tin của Reuters cho biết ByteDance kiếm phần lớn tiền ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác, gồm cả Douyin.
Theo một nguồn tin của Reuters, Mỹ chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của TikTok vào năm ngoái.
Reuters đã phỏng vấn hơn nửa tá chủ ngân hàng đầu tư. Họ cho biết rất khó định giá TikTok là bao nhiêu so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Facebook của Meta Platforms và Snap, vì tình hình tài chính của TikTok không được phổ biến rộng rãi cũng như không dễ truy cập.
Theo 2 trong số 4 nguồn tin của Reuters, doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỉ USD từ mức 80 tỉ USD hồi 2022. Một trong những nguồn tin cho biết số người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của TikTok ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% DAU của ByteDance trên toàn thế giới.