Giá trị tài sản ròng của Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, đang tăng vọt sau khi từng lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần một năm.
Thế giới số

Tài sản ròng của Elon Musk tăng mạnh nhất kể từ trước khi mua Twitter, thêm 37,3 tỉ USD trong 5 ngày

Sơn Vân 30/04/2024 14:08

Giá trị tài sản ròng của Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, đang tăng vọt sau khi từng lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần một năm.

Theo Bloomberg Billionaires Index (bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg), chỉ 5 ngày qua, Elon Musk đã có thêm 37,3 tỉ USD trong tài sản ròng và hiện có tổng cộng khoảng 202 tỉ USD. Đó là mức tăng tài sản ròng hàng tuần lớn nhất của Elon Musk kể từ tháng 3.2022, hơn 6 tháng trước khi ông mua Twitter với giá 44 tỉ USD trong một trong những thương vụ mua lại bằng đòn bẩy lớn nhất lịch sử.

Mua lại bằng đòn bẩy là hình thức mua lại công ty trong đó sử dụng nhiều khoản vay để tài trợ cho việc này.

Cổ phiếu Tesla đã tăng mạnh nhất trong hơn 3 năm qua vào hôm 28.4 sau khi rộ tin hãng đã được sự chấp thuận về nguyên tắc từ các quan chức Trung Quốc để triển khai hệ thống hỗ trợ người lái tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Điều đó diễn ra sau tin tức tuần trước rằng Tesla có kế hoạch giới thiệu một chiếc ô tô điện rẻ hơn ngay trong năm nay, làm giảm bớt lo ngại về kết quả kinh doanh quý 1/2024 đáng thất vọng.

Chỉ riêng hôm 28.4, Elon Musk đã có thêm 18,5 tỉ USD trong tài sản ròng, mức tăng hàng ngày lớn thứ 13 theo thị trường với bất kỳ tỷ phú nào trên Bloomberg Billionaires Index và lớn thứ 7 của riêng ông.

Elon Musk hiện vẫn là tỷ phú giàu thứ ba thế giới nhưng chỉ kém người đứng thứ hai là Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) 1 tỉ USD, sau khi vượt qua Mark Zuckerberg vào tuần trước. Bernard Arnault (Chủ tịch và Giám đốc điều hành công ty bán hàng xa xỉ LVMH) đang là tỷ phú giàu nhất thế giới với tài sản ròng 217 tỉ USD.

tai-san-rong-cua-elon-musk-tang-manh-nhat-ke-tu-truoc-khi-mua-twitter-them-37-3-ti-usd-trong-5-ngay.jpg
Elon Musk hiện là tỷ phú giàu thứ 3 thế giới với tài sản ròng 202 tỉ USD, sắp vượt Jeff Bezos - Ảnh: Getty Images

Hôm 28.4, Elon Musk đã âm thầm đến Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) để thảo luận về việc triển khai phần mềm Full Self-Driving (FSD) và xin phép chuyển dữ liệu lái xe ra nước ngoài, theo một người am hiểu vấn đề.

Chuyến thăm Bắc Kinh chớp nhoáng của Elon Musk, trong đó Giám đốc điều hành Tesla gặp Thủ tướng Trung Quốc - Lý Cường, diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi ông hủy bỏ chuyến đi dự kiến ​​tới Ấn Độ để gặp Thủ tướng Narendra Modi, với lý do “các nghĩa vụ rất nặng nề của Tesla”.

Ngày 29.4, Tesla đã đạt được thỏa thuận với Baidu để sử dụng giấy phép bản đồ của gã khổng lồ tìm kiếm để thu thập dữ liệu trên các tuyến đường công cộng ở Trung Quốc, mà họ mô tả là bước quan trọng để FSD được giới thiệu ở nước này, theo hai nguồn tin riêng biệt của Reuters.

Một hiệp hội ô tô hàng đầu Trung Quốc cho biết Model 3 và Model Y của Tesla nằm trong số những mẫu xe mà họ đã thử nghiệm và nhận thấy tuân thủ các yêu cầu bảo mật dữ liệu của Trung Quốc.

Bảo mật và tuân thủ dữ liệu là những lý do chính khiến Tesla vẫn chưa cung cấp FSD ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của họ trên toàn cầu, bất chấp nhu cầu từ khách hàng. Tesla đã tung ra phiên bản tự động hóa nhất của phần mềm Autopilot ở Mỹ 4 năm trước.

Kể từ năm 2021, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã yêu cầu Tesla lưu trữ tất cả dữ liệu được thu thập bởi đội ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc của họ ở thành phố Thượng Hải, khiến công ty không thể chuyển bất kỳ dữ liệu nào về Mỹ.

Elon Musk đang tìm kiếm sự chấp thuận để chuyển dữ liệu được thu thập tại Trung Quốc ra nước ngoài để đào tạo các thuật toán cho công nghệ hỗ trợ lái xe của mình.

Các nhà phân tích cổ phiếu tại hãng Wedbush gọi chuyến thăm Trung Quốc bất ngờ của Elon Musk là “thời điểm quan trọng với Tesla”.

Các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp Trung Quốc như XPeng và Huawei đang tìm cách giành lợi thế so với Tesla bằng cách tung ra các phần mềm tương tự.

Hồ Tích Tiến, nhà báo nổi tiếng đã về hưu, cho biết trên tài khoản Weibo của mình rằng Tesla là nhà sản xuất ô tô có vốn nước ngoài duy nhất đáp ứng các yêu cầu tuân thủ dữ liệu của Trung Quốc. Theo Hồ Tích Tiến, điều này sẽ mở đường cho ô tô điện Tesla vào cơ sở thuộc sở hữu của các cơ quan chính phủ và những công ty nhà nước trên khắp Trung Quốc.

Ông nói: “Đây không chỉ là bước đột phá ở Trung Quốc mà còn là minh chứng quan trọng cho toàn thế giới trong việc giải quyết các vấn đề bảo mật dữ liệu”.

Thủ tướng Lý Cường hôm 28.4 đã ca ngợi sự phát triển của Tesla tại Trung Quốc là một ví dụ thành công về hợp tác kinh tế và thương mại Mỹ - Trung.

Ô tô điện Tesla trong nhiều năm đã bị cấm đi vào các khu phức hợp quân sự của Trung Quốc vì lo ngại an ninh liên quan đến camera lắp trên xe. Ô tô điện của Tesla cũng bị cấm vào các địa điểm tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng.

He Xiaopeng, Giám đốc điều hành của XPeng có hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao XNGP tương tự FSD, viết trên tài khoản Weibo của mình rằng ông hoan nghênh việc đưa công nghệ Tesla vào Trung Quốc.

Ông viết: “Chỉ khi có thêm nhiều sản phẩm và công nghệ tốt hơn thì trải nghiệm của toàn bộ thị trường và khách hàng mới được cải thiện, đồng thời cho phép thị trường phát triển nhanh hơn theo cách lành mạnh”.

“Hãy để trăm hoa nở”, He Xiaopeng nhấn mạnh.

Triển vọng cải thiện về việc FSD thâm nhập thị trường Trung Quốc xuất hiện khi cổ phiếu Tesla đã mất gần 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2024, do mối lo ngại ngày càng tăng về quỹ đạo tăng trưởng của nhà sản xuất xe điện Mỹ. Tesla báo cáo doanh thu hàng quý sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 làm chậm quá trình sản xuất và giao ô tô điện.

Tuần trước, Elon Musk cho biết Tesla sẽ giới thiệu các mẫu ô tô điện mới rẻ hơn sử dụng nền tảng và dây chuyền sản xuất hiện tại, đồng thời cung cấp một loại robotaxi mới với công nghệ tự lái. Tỷ phú 52 tuổi người Mỹ viết trên mạng xã hội X rằng Tesla sẽ ra mắt robotaxi vào ngày 8.8.

Theo các chuyên gia trong ngành, điều kiện giao thông phức tạp của Trung Quốc với nhiều người đi bộ và đi xe đạp hơn ở nhiều nơi khác mang lại nhiều tình huống quan trọng để đào tạo các thuật toán lái xe tự động với tốc độ nhanh hơn.

Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush nhận định: “Nếu Elon Musk có thể nhận được sự chấp thuận từ Bắc Kinh để chuyển dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc ra nước ngoài thì đây sẽ là ‘nhân tố thay đổi cuộc chơi’ xung quanh việc tăng tốc đào tạo các thuật toán cho công nghệ tự hành của họ trên toàn cầu”.

Elon Musk cho biết trong tháng này rằng Tesla có thể cung cấp FSD cho khách hàng ở Trung Quốc "rất sớm", để trả lời câu hỏi trên X.

Tài sản của Elon Musk đến từ đâu?

Elon Musk giàu có chủ yếu nhờ cổ phần của mình tại Tesla cũng như tài sản tại Space X và X (trước đây gọi là Twitter).

Trước đợt tăng giá cổ phiếu gần đây, Tesla đã trải qua phần lớn thời gian 4 tháng đầu năm 2024 với vị trí cổ phiếu có thành tích kém nhất trên chỉ số S&P 500 trong bối cảnh doanh số ô tô điện của hãng giảm bất ngờ. Giá trị của X đã giảm khoảng 73% kể từ khi Elon Musk mua lại công ty truyền thông xã hội này cuối tháng 10.2022, theo định giá hồi tháng 3 từ Fidelity Blue Chip Growth Fund, quỹ đầu tư cùng với ông.

Một điểm sáng cho tài sản của Elon Musk là SpaceX, công ty đã tăng hơn 40% giá trị từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023.

Tỷ phú người Mỹ đang phải đối mặt với áp lực trong nước. Tesla đã yêu cầu các cổ đông bỏ phiếu lại về gói đãi ngộ trị giá 56 tỉ USD cho Elon Musk, vốn đã bị tòa án bang Delware (Mỹ) vô hiệu vào đầu năm nay. Nếu bị bác bỏ gói đãi ngộ này, Elon Musk có nguy cơ mất các quyền chọn mua cổ phiếu chiếm gần 1/4 giá trị tài sản ròng của ông, theo Bloomberg Billionaires Index.

Hôm 29.4, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kháng cáo của Elon Musk trong vụ “người trông trẻ Twitter”, giữ nguyên thỏa thuận giữa tỷ phú này với Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) để cho luật sư nội bộ phê duyệt trước các bài đăng trên mạng xã hội của ông về Tesla.

Vụ án "người trông trẻ Twitter" của Elon Musk là gì?

Vụ án "người trông trẻ Twitter" là vụ kiện do SEC đệ trình chống lại Elon Musk vào tháng 5.2018. SEC cáo buộc Elon Musk đã vi phạm luật chứng khoán khi ông tweet sai sự thật về việc tư nhân hóa Tesla.

Cụ thể hơn, vào ngày 7.8.2018, Elon Musk đã tweet rằng ông có "tài trợ bảo đảm" để tư nhân hóa Tesla với giá 420 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, SEC khẳng định rằng tỷ phú này không có tài trợ bảo đảm và tweet của ông là sai sự thật.

Vụ kiện đã gây ra một cơn chấn động với thị trường chứng khoán, khiến giá cổ phiếu Tesla giảm mạnh. Elon Musk ban đầu đã phủ nhận mọi hành vi sai trái, nhưng sau đó đã đồng ý dàn xếp vụ kiện với SEC.

Theo thỏa thuận dàn xếp, Elon Musk phải trả 20 triệu USD tiền phạt dân sự và bị cấm giữ chức vụ Chủ tịch Tesla trong ba năm. Ông cũng phải tuân theo một số yêu cầu khác, gồm cả việc phê duyệt trước các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến Tesla.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài sản ròng của Elon Musk tăng mạnh nhất kể từ trước khi mua Twitter, thêm 37,3 tỉ USD trong 5 ngày