Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói tôm hùm bông với Hải quan Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nêu giải pháp 'gỡ tắc' cho tôm hùm bông Việt Nam

Tuyết Nhung | 27/11/2023, 23:25

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói tôm hùm bông với Hải quan Trung Quốc.

Đó là thông tin được ông Vương Văn Đào - Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, tại kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày 27.11.

Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông, người dân lao đao

Trung Quốc mới đây đã ngưng nhập tôm hùm bông từ Việt Nam. Quốc gia này là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.

tom-hum-1-1-101.jpg
Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm bông Việt Nam

Thời gian qua, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc bị ách tắc khiến nhiều hộ dân nuôi loại tôm này lao đao.

Ông Lê Bá Anh - Phó cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNN) - cho hay tôm hùm bông nằm trong nhóm 2, danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm của Việt Nam (theo nghị định 26/2019 của Chính phủ).

Hiện nay, Trung Quốc chiếm 98 - 99% thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đạt hơn 95 triệu USD. Một trong những yêu cầu để tôm hùm có thể vào thị trường Trung Quốc là sản phẩm xuất khẩu nằm trong danh mục được nước này công nhận.

Theo ông Anh, từ ngày 1.2.2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông nằm trong danh sách nguy cấp nhóm 2. Tháng 5.2023, Trung Quốc sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật trong danh sách nguy cấp đã ban hành 2021.

Theo đó, tôm hùm bông nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện như: tôm hùm bông nuôi không được đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, con giống phải là thế hệ F2.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu phải xin giấy phép về "Bảo vệ động vật hoang dã" từ Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc); thủ tục thông quan lô hàng và kiểm tra an toàn thực phẩm; các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký theo biểu mẫu mới để rà soát, tổ chức kiểm tra trước khi được phép xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy sản tham mưu các giải pháp phù hợp với yêu cầu của thị trường, nhất là tôm hùm.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường tôm hùm, ông Tiến đề nghị các cục liên quan hướng dẫn tổ chức, cá nhân xác nhận đăng ký nuôi lồng bè; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; xác nhận nguồn gốc loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm từ nuôi trồng đối với tôm hùm bông nuôi…

Sau khi Trung Quốc cung cấp thông tin, biểu mẫu đăng ký mới, các cục liên quan rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng quy định của hai nước.

Ngoài ra, nghiên cứu hướng tới khép kín chuỗi giá trị tôm hùm trong môi trường nhân tạo; khẩn trương xử lý vấn đề xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc một cách căn cơ; tiếp tục trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật về quy định đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này; quản lý, kiểm soát chặt việc nhập khẩu đối với tôm hùm giống…

Ông Tiến cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi tôm hùm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản; chỉ đạo cơ quan chức năng, chuyên môn kiểm soát chặt việc nhập khẩu tôm hùm giống trên địa bàn; rà soát, kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện cơ sở nuôi, đặc biệt các cơ sở xuất khẩu tôm hùm bông.

2023_11_27_11_43_374_12b02.png
Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Đình Đào

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc gỡ tắc

Đối với vướng mắc trong xuất khẩu tôm hùm bông, tại kỳ họp lần thứ 12 của Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc ngày 27.11, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc - ông Vương Văn Đào cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương đăng ký cơ sở sản xuất và đóng gói với Hải quan Trung Quốc, đồng thời các cơ quan chủ quản hai nước cần sớm triển khai công tác kiểm tra đánh giá doanh nghiệp, vùng trồng theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến để tôm hùm bông có thể được xuất khẩu vào Trung Quốc. Bộ Thương mại cũng sẽ tiếp tục điều phối, thúc đẩy Hải quan Trung Quốc mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.

Về đề nghị phối hợp phân luồng thông quan nhằm tránh tái diễn ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định rất coi trọng và sẵn sàng phối hợp triển khai các biện pháp tạo thuận lợi thông quan nhằm đảm bảo lợi ích của người nông dân Việt Nam. Về việc hỗ trợ phát hiện thương hiệu Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, phía Trung Quốc sẽ cung cấp môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết Việt Nam đã xây dựng được gian hàng quốc gia trên một số nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc; nhiều sản phẩm của Việt Nam rất được ưa chuộng và bán rất chạy.

Liên quan đến hợp tác địa phương, Bộ trưởng Vương Văn Đào khẳng định, quan hệ kinh tế thương mại với các địa phương đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. Phía Trung Quốc đánh giá cao việc Bộ Công Thương Việt Nam đã xây dựng được các cơ chế hợp tác với Quảng Tây, Vân Nam và khẳng định sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng mối quan hệ hợp tác với các địa phương có thế mạnh kinh tế Trung Quốc cũng như thúc đẩy mối quan hệ giữa các địa phương hai nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc ủng hộ việc thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, đề nghị phía Việt Nam tăng cường trao đổi, đạt được thống nhất với các địa phương dự kiến thành lập văn phòng xúc tiến thương mại thời gian tới như Giang Tô, Tứ Xuyên. Đồng thời, đề nghị hai bên cùng trao đổi, thúc đẩy Bộ Ngoại giao (cơ quan chủ trì) đẩy nhanh các thủ tục liên quan để có thể thành lập văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc thời gian tới.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng đưa ra nhiều ý tưởng mới nhằm mở rộng và tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại song phương như tăng cường hợp tác nông nghiệp, hợp tác phòng vệ thương mại, hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới, thúc đẩy mở/nâng cấp cửa khẩu biên giới, xây dựng cửa khẩu thông minh và nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan...

2023_11_27_11_43_363_5d1cc.png
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Phản hồi về các đề xuất của phía Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Trung Quốc cùng phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực phòng vệ thương mại và thương mại điện tử; sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các bộ ngành và địa phương liên quan trong việc mở/nâng cấp các cửa khẩu, xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn, nâng cao mức độ thuận lợi hóa thông quan cũng như tăng cường hợp tác về nông nghiệp.

Về đầu tư, cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Theo đó, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án sử dụng Quỹ hợp tác đặc biệt Mekong – Lan Thương trong đó mở rộng quy mô và lĩnh vực cung cấp viện trợ không hoàn lại cho phía Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ triển khai gói viện trợ không hoàn lại. Ở chiều ngược lại, phía Trung Quốc cũng chia sẻ mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế số, phát triển xanh; tăng cường hợp tác công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề ra một số biện pháp quan trọng nhằm triển khai thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước như: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu tại thị trường Trung Quốc; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam; thúc đẩy ký kết thỏa thuận khung về thương mại gạo giữa hai nước; đề nghị các cơ quan chức năng Trung Quốc dành thời gian quá độ cho tôm hùm bông khi nhập khẩu vào Trung Quốc; mở rộng danh sách các cửa khẩu biên giới Trung Quốc với Việt Nam được phép nhập khẩu nông sản, thủy sản, lương thực. 

Hoàn tất các thủ tục thành lập văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc trong năm 2023; tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết như "Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa Việt - Trung"; ủng hộ, tạo thuận lợi và dành ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hiện diện, thuê kho bãi và xuất khẩu qua các khu thí điểm thương mại điện tử hay khu thí điểm thương mại tự do của Trung Quốc...

Bài liên quan
Các nhà ngoại giao Trung Quốc lan truyền tin ‘COVID-19 bắt nguồn từ tôm hùm Mỹ’?!
Giữa tháng 9.2021, Marcel Schliebs, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch ở Đại học Oxford, đã theo dõi thông điệp mà các nhà ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc lan truyền trên Twitter trong 18 tháng qua, phát hiện sự xuất hiện của lý thuyết nguồn gốc COVID-19 đáng ngạc nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nêu giải pháp 'gỡ tắc' cho tôm hùm bông Việt Nam