Về đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Nhiều nước phải chi 10-15% GDP để xử lý nợ xấu'

Trí Lâm | 05/10/2016, 12:40

Về đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2016, Văn phòng chính phủ đã lên tiếng về đề xuất dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra gần đây.

Chưa quyết định chính thức

Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, vấn đề báo chí nêu chỉ là nội dung dự thảo sơ bộ trong quá trình soạn thảo đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.

Theo ông Dũng, thời gian qua, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách nhà nước mà được thực hiện thông qua các biện phápnhư trích lậpdự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản đảm bảo thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thànhvốn góp, thành lập VAMC để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước…

Để giải quyết căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế…

Theo đó, việc xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹlưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC làhơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng xử lý nợ xấu năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, VAMC đã mua 241.000 tỉ đồng nợ xấu. Con số này thay đổi không đáng kể so với quy mô đã mua lũy kế đến cuối 2015.

Trước đó, trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới,chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định, nợ xấu chính là do định giá tài sản không minh bạch khi cho vay, vậy tại sao người dân phải trả cho sự nhập nhèm này giữa các "đại gia" và ngân hàng? Vấn đề phải biết được ai nợ, nợ ai để xử lý chứkhông thể bắt dân trả tiền cho sự nhập nhèm này.

Theo chuyên gia này, khi ngân sách còn phải đi vay để đảo nợ và chỉ đủ chi thường xuyên, muốn đầu tư phải vay tiếp mà lại phải bỏ ra một lượng tiền lớn để giúp những doanh nghiệp làm ăn lèm nhèm là một điều phi lý cả về mặt kinh tế và nhân văn.

Ông Bùi Trinh cho rằng đề xuất dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là điều vô lý. Bởi vì nợ ngân hàng thì đã rõ nhưng ai nợ? Những đại gia sử dụng tiền nợ đi xe sang, ở nhà sang, ăn chơi chỗ sang, tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này?

“Tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu” – ông Trinh nhấn mạnh.

Sabeco và Habeco khó lên sàn trong năm nay

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, do việc niêm yết 2 doanh nghiệp này phải qua nhiều thủ tục và tốn nhiều thời gian, trong khi đó, Sabeco và nhà đầu tư chiến lược là Carlsbergchưa giải quyết hết những vướng mắc nên khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn. Có thể trong quý 1.2017, Sabeco và Habeco mớiđược niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải trung thực, công khai. Việc bán vốn dứt khoát phải thông qua đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư nào, không bán giới hạn, không có lợi ích nhóm. Ai có tiền, trả giá cao nhất thì người đó mua được.

Ông Mai Tiến Dũng nói thêm, Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm.

Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này sẽ thực hiện thoái toàn bộ gần 82%, tương đương 9.000 tỉ tại Habeco ngay trong năm 2016 và thoái vốn đợt 1 với tỉ lệ 53,59% vốn, tương đương 24.000 tỉ đồng của Sabeco.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: 'Nhiều nước phải chi 10-15% GDP để xử lý nợ xấu'