Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”

Lam Thanh | 28/10/2021, 18:06

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông hay nghĩ đến câu nói vui: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Trong đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Riêng trong quý 3, khi dịch COVID-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020.

Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế

Tại tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 28.10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng trong đại dịch COVID-19 ngành nông nghiệp được nhắc đến như một trụ đỡ khi kinh tế chao đảo.

“Tôi hay nghĩ đến câu nói vui: 'Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ'. Mọi người hay đánh giá thông qua các con số tỷ trọng đóng góp cho tổng sản phẩm quốc gia hay doanh thu của các doanh nghiệp. Nhưng đã đến lúc phải nghĩ đến câu chuyện khác sau đại dịch, đó là đánh giá nền kinh tế và doanh nghiệp dựa trên sự lan tỏa, chiều sâu của mỗi nền kinh tế và doanh nghiệp”, ông Hoan nói.

bt.png
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Theo Bộ trưởng Hoan, quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh. Như vậy phải nhìn nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng gốc rễ của xã hội Việt Nam là nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là nền tảng của xã hội và nền kinh tế Việt Nam. Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, thì nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần.

“Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp. Nông thôn chính là bệ đỡ về an sinh, như “ngôi nhà” của người lao động. Nông thôn sẵn lòng đón và chăm lo trong giai đoạn này. Nông thôn chính là nơi giúp người lao động có thể ổn định cuộc sống và tâm lý trong lúc cuộc sống khó khăn”, ông Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng nông dân cũng phải có tinh thần doanh nghiệp và cần phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ.

“Chúng ta biết tác động của kinh tế số bây giờ, một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp”, ông Lộc nói.

Nói cụ thể hơn điều này, ông Lộc cho rằng phải tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ.

“Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn”, ông Lộc nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Chúng ta thường nói nông nghiệp là phải sản xuất quy mô lớn nhưng bây giờ điều đó cũng chưa chắc, nhất là do tác động của đại dịch COVID-19 vừa rồi”.

Ví dụ như việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ. Nếu bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được, tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được, giống như trước đây ta quy hoạch những đại đô thị. Trước bối cảnh đại dịch, các đại đô thị này cũng bị chia nhỏ và kết nối những đô thị nhỏ lại, bản chất là chia nhỏ những mô thức. Nông nghiệp cũng vậy, cũng cần có sự thay đổi để thích ứng với đại dịch.

Khai tâm, khai trí cho người nông dân

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình chứ không phải thay đổi tỷ trọng của một ngành nông nghiệp khi đi theo sản lượng. Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội”.

“Văn hóa, xã hội nông thôn, tri thức hóa người nông dân tạo ra cộng đồng nông dân năng động ở địa phương. Nó sẽ trở thành nguồn lực tinh thần hợp tác của người nông dân với nhau. Chúng ta thấy “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” là 3 từ khóa “lời nguyền” của nông nghiệp; nếu trong “bình thường mới” tiếp tục manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vẫn là vòng luẩn quẩn”, ông Lê Minh Hoan nêu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết "chúng ta đã đưa ra chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với triết lý xây dựng nông thôn mới là xây dựng người nông dân mới, tinh thần làm chủ của người nông dân. Cái đó mới quyết định cho sự thay đổi chất lượng sống của người nông dân chứ không phải hạ tầng".

Theo đó, trong chương trình nông thôn mới sẽ có đội ngũ huấn luyện nông dân khuyến nông. Bây giờ phải thay đổi suy nghĩ của người nông dân trước. 

"Khuyến nông như ngày trước được hiểu là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật xuống. Theo tôi, giờ chúng ta nên nghĩ khác đi, trước tiên là “khai tâm” cho người nông dân nghĩ khác đi; sau đó là “khai trí”, đưa kiến thức và từ đó, người nông dân bằng sáng kiến và năng lực của mình họ sẽ làm. Không phải chúng ta chỉ cung cấp giống má mà còn cung cấp tri thức, kiến thức mới, chế biến, công nghệ, tìm kiến thị trường, xây dựng thương hiệu… Cho nên rất nhiều mô hình khuyến nông làm được một thời gian thì biến mất. Chúng ta phải tổ chức lại, tìm điều mới cho cộng đồng. Phải “khai tâm” để người dân thay đổi", ông Hoan nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”