'Tam quốc diễn nghĩa' là một tác phẩm văn học cổ điển đã đi vào đời sống người dân, trong đó có dân Việt Nam, một cách sâu đậm.

Bộ 'Tam quốc diễn nghĩa' lại được tái bản

Thu Đông | 14/04/2016, 13:44

'Tam quốc diễn nghĩa' là một tác phẩm văn học cổ điển đã đi vào đời sống người dân, trong đó có dân Việt Nam, một cách sâu đậm.

Bộ tiểu thuyết Trung Quốc Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung vừa được NXB Văn học và Công ty Văn hóa Đông A tái bản. Qua bản dịch của Phan Kế Bính và hiệu đính của Bùi Kỷ, cộng với 324 tranh minh họa (của các họa sĩ Trung Hoa) dành cho nội dung tất cả 120 hồi, đây là bản chuyển ngữ đầy đủ và chính xác nhất của tác phẩm ở nước ta, tính đến thời điểm này.

Tam quốc diễn nghĩa là một tác phẩm văn học đã đi vào đời sống người dân, trong đó có dân Việt Nam, một cách sâu đậm. Từ các hình tượng nhân vật với những tính cách mạnh mẽ, tiêu biểu, độc đáo, người đọc vì lòng yêu mến đã đưa họ vào đời sống, chuyển hóa thành những con người bình thường rất gần gũi quanh mình. Nhiều nhân vật đã mặc nhiên trở thành “biểu tượng” cho một loại người nào đó trong xã hội. Những cách nói, những thành ngữ đã trở nên rất phổ biến, từ người trí thức cho đến bình dân, ai cũng hiểu, cũng dùng một cách quen thuộc: nóng như Trương Phi; đa nghi như Tào Tháo; mưu trí như Khổng Minh; hữu dũng vô mưu, háo sắc như Lữ Bố; bụng phệ, tham tàn, già dê như Đổng Trác; vì nghĩa lớn hiến dâng nhan sắc như Điêu Thuyền…

Đó là chưa kể một số nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa đã được khai thác, biến thành những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, chiếm lĩnh trái tim người đọc, như phần văn hóa tinh thần không thể thiếu trong một xã hội yêu cái đẹp. Vở tuồng Phụng Nghi đình với nữ nghệ sĩ lừng danh Phùng Há vào vai Lữ Bố bên cạnh nữ nghệ sĩ xinh đẹp Thanh Nga trong vai Điêu Thuyền là một tác phẩm như vậy. Nó đã làm hao tốn biết bao giấy mực của các ký giả kịch trường và là niềm mơ ước được có cơ hội thưởng ngoạn của tất cả những khán giả trẻ già yêu thích tuồng.

Một nhân vật khác cũng tạo nên cuộc “đấu thơ” giữa hai nho sĩ, hai tác giả có khuynh hướng chính trị đối lập: Tôn Thọ Tường theo Pháp và Phan Văn Trị chống Pháp. Đó là bài thơ Tôn phu nhân quy Thục trong đó Tôn Thọ Tường ngầm ví mình với người đẹp đất Ngô đã sang Thục làm vợ kẻ thù Lưu Bị. “Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng/Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông/Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc/Về Hán, trau tria mảnh má hồng/Son phấn thà cam dày gió bụi/Đá vàng chi để thẹn núi sông/Ai về nhắn với Chu Công Cẩn/Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng”.

Bài “họa” nhiều tính bài bác của Phan Văn Trị cũng rất hay, đã cùng Tôn phu nhân quy Thục được đưa vào chương trình kim văn bậc trung học ở miền Nam VN trước 1975: “Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng/Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông/Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng/Duyên về đất Thục đượm màu hồng/Hai vai tơ tóc bền trời đất/Một gánh cang thường nâng núi sông/Anh hỡi! Tôn Quyền anh có biết/Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng”.

Có thể nói, ít có tác phẩm nước ngoài nào lại được người Việt yêu thích và Việt hóa bằng nhiều cách sáng tạo như Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Thu Đông

Chú thích ảnh: Ảnh bìa 6 tập củabộ sách Tam quốc diễn nghĩa tiếng Việtvừa được tái bản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ 'Tam quốc diễn nghĩa' lại được tái bản