Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý có thể giảm tới 100% thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) với xăng. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính đã lên tiếng.

Bộ Tài chính nói gì về đề xuất miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?

Tuyết Nhung | 30/09/2022, 11:29

Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý có thể giảm tới 100% thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) với xăng. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính đã lên tiếng.

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn. Thời gian áp dụng việc giảm thuế là sáu tháng, kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm hai sắc thuế này sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp hưởng lợi do giảm được chi phí trực tiếp trong tiêu thụ xăng dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác. Đồng thời, chính sách trên còn góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi cũng như mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nếu từ ngày 1.11 tới đây, biện pháp giảm thuế TTĐB, thuế VAT có hiệu lực, dự kiến giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm nay khoảng 0,15%. Tuy nhiên, tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản phản hồi, cho ý kiến với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TTĐB đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu do Bộ Tài chính xây dựng.

Về lâu dài, VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng. VCCI đánh giá chính sách giảm 50% thuế TTĐB như đề xuất hiện nay của Bộ Tài chính đã tích cực nhưng có thể phương án miễn giảm toàn bộ thuế TTĐB sẽ cần thiết trong bối cảnh thế giới có rất nhiều những yếu tố bất ổn có thể xảy ra trong thời gian tới.

Về ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trao đổi với PV cho biết, Bộ Tài chính luôn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản, không chỉ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mà đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế VAT, thuế TTĐB, để ứng phó kịp thời, giữ giá các mặt hàng chiến lược.

"Đề xuất miễn thuế TTĐB với xăng cũng là một ý kiến, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe và đánh giá, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền là Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất được đưa ra", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng lưu ý, thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức, do đó chúng ta không thể chủ quan, điều hành nhịp nhàng chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát.

Theo Thứ trưởng, mục tiêu của Chính phủ vẫn là nhất quán để thực thi các giải pháp nhằm hướng tới hoàn thành nhiệm vụ về chỉ tiêu lạm phát đề ra hàng năm. 9 tháng vừa qua, kinh tế nước ta đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên nhiệm vụ và các giải pháp để kiểm soát lạm phát luôn nằm trong chương trình nghị sự của Chính phủ. Trong đó, các bộ ngành tập trung nguồn lực, trí lực để đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng...

Về vấn đề kiểm soát lạm phát, ông Nguyễn Văn Truyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, vẫn còn dư địa trong điều hành để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 9 tháng 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ.

Theo đó, đại diện Cục Quản lý giá nhận định, chỉ tiêu lạm phát Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho năm 2022 không quá 4%. "Bình quân 9 tháng mới đạt 2,73%, nghĩa là dư địa còn tương đối lớn", ông Truyền nhận định.

Bài liên quan
Gia hạn thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước từ 15.9, ngân sách giảm hơn 2.000 tỉ/tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109 quy định chi tiết trình tự, thủ tục về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký là ngày 15.9.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính nói gì về đề xuất miễn toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?