Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật Thuế tài sản nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản..., góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí.
Bộ Tài chính đang muốn tạo nguồn thu theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn (nhà, đất,…), mở rộng đối tượng thu thuế tài sản, tin từ PLO ngày 7.8 cho biết.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo cáo chuyên đề thực trạng thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chính sách thuế liên quan đến đất đai và bất động sản; đưa ra các giải pháp chính sách thuế liên quan đến thị trường bất động sản.
Bộ Tài chính cho rằnghiệnViệt Nam có nhiều khoản thu liên quan đến bất động sản, trong đó có chính sách thuế như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập đối với chuyển nhượng bất động sản, phí trước bạ.
Việc hoàn thiện các chính sách thuế đối với bất động sản có ý nghĩa trong việc Nhà nước điều tiết thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ. Trong hệ thống chính sách thuế Việt Nam chưa có tên gọi thuế tài sản (thuế bất động sản).
Để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản.
Bộ Tài chính nói ở Việt Nam chưa có sắc thuế tài sản riêng nhưng đã có những chính thuế liên quan đến tài sản (thuế sử dụng đất,...). Tuy nhiên các chính sách thuế này chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước (số thu thuế sử dụng đất của Việt Namchỉ chiếm 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách).
Trên thế giới, thuế tài sản là loại thuế được ra đời rất sớm trong lịch sử, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt là thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước.
Cụ thể nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, trong đó Canada là 4%, Mỹ cao nhất là 3% và thấp nhất là 1%. Còn tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.
Thuế tài sản được các nước đánh giá là loại thuế trực thu có khả năng động viên tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, nhất là nhà và đất.
Bộ Tài chính cũng cho biết, xu hướng cải cách thuế tài sản đang diễn ra tại một số quốc gia như Canada, Úc, Malaysia... Thời gian gần đây các nước có xu hướng cải cách nguồn thu theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn, mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.
Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng trong các năm gần đây, từ 1.400 USD (khoảng 30 triệu) năm 2013 lên 2.200 USD (khoảng gần 50 triệu) năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 3.400 USD (gần 80 triệu) đến năm 2020. Theo đó, dự kiến việc nắm giữ, sở hữu, đầu tư bất động sản của người dân có xu hướng tăng lên...
Từ đó Bộ Tài chính khẳng định cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế đầu cơ và sử dụng bất động sản lãng phí, thông tin trên PLO cho biết.
T.H