OceanBank "lớn nhanh như thổi", song cũng lao dốc không phanh dưới tay Hà Văn Thắm khi vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng lỗ tới 10.000 tỉ đồng và "ôm" nợ xấu tới 15.000 tỉ đồng...

OceanBank: 'Con cưng' 4.000 tỉ dính đại án dưới tay Hà Văn Thắm

tuyetnhung | 06/08/2017, 10:37

OceanBank "lớn nhanh như thổi", song cũng lao dốc không phanh dưới tay Hà Văn Thắm khi vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng nhưng lỗ tới 10.000 tỉ đồng và "ôm" nợ xấu tới 15.000 tỉ đồng...

Hà Văn Thắm: Từ người giàu thứ 8 sàn chứng khoán tới kẻ tội đồ

Ông Hà Văn Thắm (sinh năm 1972, thường trú ở quận Tây Hồ, Hà Nội) có thâm niên 10 năm ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Hà Văn Thắm từng sở hữu khối tài sản lớn bao gồm cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC), tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo. Năm 2012, ông được xem là người giàu thứ 8 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với lượng cổ phiếu OGC trị giá hơn 1.800 tỉ đồng.

Đến tháng 1.2014, ông giữ vai trò Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), đồng thời là Chủ tịch OceanBank, Chủ tịch CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OCH), Chủ tịch CTCP Chứng khoán Đại Dương (OCS).

OceanBank tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng. Cũng giống như nhiều ngân hàng khác "xuất thân" từ một ngân hàng nông thôn nhưng chỉ sau một vài năm, OceanBank "lớn nhanh như thổi" dưới sự lãnh đạo của Hà Văn Thắm. Từ một ngân hàng với số vốn ban đầu vỏn vẹn 300 triệu đồng rồi tăng tốc lên 4.000 tỉ đồng năm 2010.

Song, thời kỳ hưng thịnh của OceanBank kéo dài chưa được bao lâu thì ông Hà Văn Thắm đã câu kết với đồng bọngây thiệt hại lớn về tài sản cho ngân hàng và cổ đông.

Cụ thể, theo kết luận điều tra, trong giai đoạn từ 2011-2014, ông Thắm cùng đồng phạm đã gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn của ngân hàng, Nhà nước và cổ đông. Nổi bật trong đó là vụ việc Hà Văn Thắm cho doanh nghiệp vay 500 tỉ đồng mà không có tài sản đảm bảo.

"Thả mồi" OceanBank, câu kết chiếm đoạt tài sản

Hà Văn Thắm trong quá trình tham gia, điều hành OceanBank, với cương vị người đứng đầu ngân hàng, đã chỉ đạo Ban giám đốc OceanBank giải quyết cho vay không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục vay của OceanBank, trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền 500 tỉ đồng.

Khoản tiền thất thoát này chính là số tiền của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng CB Bank, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh), vay để trả nợ cho việc mua cổ phần của bà Hứa Thị Phấn tại ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín.

Ngoài ra, để huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Hà Văn Thắm đã đồng ý chi tiền ngoài hợp đồng tiền gửi cho ông Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, quê Hà Tĩnh, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) theo đề nghị. Ông Thắm và Sơn đã bàn bạc, thống nhất đề ra chủ trương thu phí của khách hàng thông qua CTCP BSC Việt Nam và triển khai tổ chức thực hiện dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng 70 tỉ đồng.

Ông Hà Văn Thắm còn chỉ đạo, thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, vượt trần huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho OceanBank hơn 984 tỉ đồng.

Đây được đánh giá là vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn. Theo đó, ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vụ việc này cũng được xem là 1 trong 6 đại án tham nhũng, kinh tế lớn được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử sơ thẩm.

OceanBank chao đảovới 15.000 tỉ đồng nợ xấu và cái kết 0 đồng

Sau khi Hà Văn Thắm bị bắt, Ban lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này liên tục xáo trộn. Chỉ trong 6 tháng kể từ ngày ông Thắm bị bắt, OceanBank đã trải qua 3 lần thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị và đối mặt bối cảnh vốn điều lệ mang danh 4.000 tỉ đồng nhưng tổng nợ xấu tới gần 15.000 tỉ(chiếm 49,84%). Lúc này, OceanBank lỗ trước thuế hơn 10.000 tỉ đồng (tức là âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).

Do đó, ngày 6.5.2015 Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, giao cho Ngân hàng Công Thương (VietinBank) hỗ trợ tái cơ cấu. Nhà băng này đã có lãi trở lại từ cuối năm 2015, đồng thời thu hồi được 5.000 tỉ đồng nợ xấu.

Năm 2016, dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận sự chuyển biến tích cực của mảng cho vay khách hàng cá nhân tăng 1.907 tỉ đồng so với năm 2015.

Hiện nay, trong bối cảnh OceanBank chưa được chủ động giải ngân cho vay khách hàng doanh nghiệpthì việc phát triển tốt mảng tín dụng cá nhân đã giúp ngân hàng này tăng trưởng tín dụng an toàn.

Năm 2017, OceanBank đặt chỉ tiêu giữ tổng tài sản tương đương năm 2016, tiền gửi khách hàng trên 30.000 tỉ đồng, dư nợ cho vay khoảng 17.835 tỉ đồng; lợi nhuận đạt mục tiêu tăng gấp đôi năm 2016.

Đáng chú ý, đại diện Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết đang có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu OceanBank.

Cụ thể, ngân hàng này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank. Nhà đầu tư này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OceanBank: 'Con cưng' 4.000 tỉ dính đại án dưới tay Hà Văn Thắm