Theo một đánh giá mới, nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner có khả năng "thu nhỏ quy mô" và tái cơ cấu sau cuộc nổi loạn diễn ra vào tháng 6.

Bộ Quốc phòng Anh: Nga không còn tài trợ Wagner

Hoàng Vũ (theo Newsweek) | 14/08/2023, 10:05

Theo một đánh giá mới, nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner có khả năng "thu nhỏ quy mô" và tái cơ cấu sau cuộc nổi loạn diễn ra vào tháng 6.

"Có một khả năng thực tế là Điện Kremlin không còn tài trợ cho nhóm này nữa", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm 13.8.

Lực lượng lính đánh thuê Wagner đã tiến vào thành phố Rostov-on-Don vào 24.6, kiểm soát trụ sở Quân khu miền Nam Nga. Lính Wagner cũng hướng quân tiến về phía thủ đô Moscow, khiến Nga phải mở chiến dịch để đối phó.

wagner-xe-tang.png
Các chiến binh của nhóm lính đánh thuê tư nhân Wagner ngồi trên xe tăng khi được triển khai gần trụ sở của Quân khu phía nam ở thành phố Rostov-on-Don, Nga, ngày 24.6 - Ảnh: Reuters

Theo Văn phòng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, với sự đồng ý của Tổng thống Vladimir Putin, ông Lukashenko đã sử dụng kênh liên lạc riêng để đối thoại với ông trùm Prigozhin nhằm dàn xếp tình hình và đề xuất đưa lực lượng Wagner đến Belarus.

Các chiến binh Wagner đã lần lượt đến Belarus trong nhiều tuần qua. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Litva nói với Newsweek vào cuối tháng 7 rằng họ tin rằng số liệu thống kê về các thành viên Wagner được đăng trên các phương tiện truyền thông Nga và Belarus đã bị thổi phồng.

Đầu tháng này, ông Lukashenko cho biết các thành viên Wagner đang được đưa vào lực lượng vũ trang của Minsk để "truyền kinh nghiệm" cho các chiến binh Belarus.

Theo báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh, nếu Nga không còn hỗ trợ tài chính cho Wagner, thì "người trả lương hợp lý thứ hai là chính quyền Belarus". "Tuy nhiên, với một lực lượng khá lớn như Wagner, đây sẽ là một sự tiêu hao đáng kể đối với các nguồn lực khiêm tốn của Belarus”, cơ quan này cho biết.

Sự hiện diện của Wagner tại Belarus đã làm dấy lên lo ngại về an ninh ở Đông Âu giữa một số quốc gia NATO, với mọi con mắt đang hướng về Khoảng trống Suwałki (Suwałki Gap) - dải đất có tầm quan trọng chiến lược dọc biên giới giữa Ba Lan và Litva, ngăn cách Belarus với Kaliningrad, vùng lãnh thổ tách biệt của Nga trên bờ biển Baltic.

Tổng thống Belarus Lukashenko cho biết vào cuối tháng 7 rằng binh lính Wagner đã xuất hiện gần biên giới Ba Lan "khẳng khăng muốn tiến về phía tây" vào lãnh thổ Warsaw. Ba Lan sau đó đã tăng cường hiện diện quân sự gần biên giới với Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak, tuần trước tiết lộ rằng sẽ triển khai thêm 10.000 binh sĩ tới để củng cố biên giới.

Đáng chú ý, Belarus đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần khoảng trống Suwałki trong những ngày gần đây. Minsk lý giải rằng các cuộc tập trận diễn ra dựa trên những kinh nghiệm thu thập được từ cuộc chiến ở Ukraine.

Đề cập đến các cuộc tập trận quân sự, Bộ Quốc phòng Litva nói với Newsweek trong một tuyên bố rằng họ "liên tục theo dõi các cuộc tập trận quân sự của Nga và Belarus", bao gồm cả địa điểm, quy mô, vũ khí và mục tiêu của họ, đặc biệt là khi cuộc tập trận liên quan đến Nga.

Nga tìm kiếm lực lượng thay thế Wanger trong nước

Theo báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh hôm 8.8 về cuộc chiến Nga-Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật cho phép trang bị cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga (Rosgvardia) bằng vũ khí hạng nặng, gồm pháo và trực thăng tấn công.

Báo cáo nhận định quyết định của người đứng đầu Điện Kremlin có thể cho thấy rằng, ông coi đơn vị này là một trong những trụ cột chính bảo đảm an ninh cho đất nước.

Lực lượng Rosgvardia hiện có khoảng 200.000 nhân sự chiến tuyến và tồn tại dưới hình thức hiện tại từ năm 2016, trong đó người đứng đầu là Viktor Zolotov, cựu cận vệ của ông Putin. Lực lượng này không có quan hệ chính thức với quân đội Nga và báo cáo trực tiếp với Tổng thống Putin.

Tình báo Quốc phòng Anh nhấn mạnh rằng, bất chấp tuyên bố của lãnh đạo Zolotov rằng, cấu trúc này hoạt động xuất sắc trong cuộc nổi loạn vào tháng 6, chưa có bằng chứng nào cho thấy Rosgvardia đã thực hiện bất kỳ hành động hiệu quả nào chống lại Wagner.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Quốc phòng Anh: Nga không còn tài trợ Wagner