Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”.

Bộ NN-PTNT đề nghị mạnh tay xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép để gỡ "thẻ vàng"

Hồ Đông | 16/04/2022, 09:55

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”.

Chiều 15.4, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn(NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về hoạt động thủy sản và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu , tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm IUU so với những năm trước đây có giảm đáng kể nhưng vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 3 tàu cá với 25 thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Trước thực trạng này, ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và đặc biệt là xử lý nghiêm minh hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” (của Ủy ban châu Âu - EC). Trong đó cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tuân thủ các quy định và không đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, cần xử phạt mạnh tay, quyết liệt, đúng nội dung, đối tượng vi phạm để hạn chế các hành vi vi phạm IUU. 

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tình trạng tàu cá xâm phạm, khai thác ở vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ là một trong những nguyên nhân chính khiến EC rút “thẻ vàng” cảnh báo đối với nguồn gốc hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc xuất khẩu thủy sản sang châu Âu mà còn là vấn đề danh dự quốc gia. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu đang quyết liệt xử lý tình trạng ấy.

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết thời gian qua các lực lượng chức năng đã thường xuyên triển khai thực hiện theo kế hoạch, đột xuất và tăng cường các đợt cao điểm trong công tác chống khai thác IUU.

“Sở NN-PTNT đang giao Chi cục Thủy sản tỉnh khẩn trương phối hợp với các địa phương rà soát danh sách từng trường hợp, những trường hợp tàu cá còn hoạt động, thì phải yêu cầu lắp đặt ngay thiết bị giám sát hành trình. Những tàu nào đã không còn hoạt động thì xóa khỏi danh sách, những tàu tạm ngưng hoạt động báo cáo lý do chưa lắp để có biện pháp xử lý theo quy định. Hiện Sở NN-PTNT cũng đã cấp giấy phép khai thác cho 59,5% số tàu”, ông Cường trả lời báo chí.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thời gian gần đây tình trạng tàu cá và ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu vi phạm khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài có giảm, tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đơn cử trong năm 2021, có 4 vụ với 5 tàu cá và 67 ngư dân của tỉnh bị lực lượng chức năng Indonesia và Malaysia bắt giữ do khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

CẦN SỰ TỰ GIÁC CỦA NGƯ DÂN

Hiện các tỉnh của Việt Nam đang rất mạnh tay trong việc hạn chế nạn đánh bắt cá trái phép để gỡ thẻ vàng. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, đến nay Cà Mau có 99% số tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ðây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU nhằm góp phần gỡ "thẻ vàng" của EC.

Cà Mau cũng đã tăng cường quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào các cửa biển, thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ thực hiện tốt các quy định chống khai thác thủy sản trái phép của IUU. Nhờ đó, số vụ tàu cá của tỉnh đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng ở Cà Mau.

Chỉ có điều vẫn cần phải tăng cường ý thức cho ngư dân thêm nữa. Dù số lượng tàu cá của tỉnh được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ rất cao nhưng số lượng thiết bị sau lắp đặt bị mất kết nối trên thực tế vẫn còn nhiều. Điều đó khiến cơ quan chức năng tỉnh gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kiểm tra, dẫn đến gây nhiều khó khăn trong việc xử lý tàu cá vị phạm. Việc xác định rõ nguyên nhân thiết bị tàu cá mất kết nối xuất phát từ lỗi kỹ thuật của thiết bị hay lỗi do sự cố ý đối phó của chủ tàu cá cũng là thách thức đòi hỏi sự hợp tác từ ngư dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ NN-PTNT đề nghị mạnh tay xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép để gỡ "thẻ vàng"