Bộ KH-ĐT cho rằng cần cải cách quy trình, thủ tục để DN dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ DN trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu thay thế nhằm vượt qua ảnh hưởng của COVID-19.

Bộ KH-ĐT: Cải cách quy trình, thủ tục để DN dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ

Lam Thanh | 14/02/2021, 11:40

Bộ KH-ĐT cho rằng cần cải cách quy trình, thủ tục để DN dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đồng thời hỗ trợ DN trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu thay thế nhằm vượt qua ảnh hưởng của COVID-19.

Nếu khống chế được dịch, quý 1/2021 có thể tăng trưởng 4,46%

Theo báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của diễn biến phức tạp về thời tiết, dịch bệnh.

nguyen-chi-dung-kbkt-2.jpg
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: Báo Đầu tư

Dịch tả lợn châu Phi tuy đã cơ bản được kiểm soát nhưng còn xảy ra quy mô nhỏ ở nhiều địa phương. Dịch cúm gia cầm ở các nước trong khu vực đang bùng phát, lây lan trên diện rộng. Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 theo dự báo sẽ ở mức cao.

Nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 ước đạt 2,78%.

Hoạt động sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi nhanh như trước khi chịu tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp còn đối diện với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt thị trường xuất khẩu hàng hóa vẫn chịu nhiều tác động do các nền kinh tế lớn trên thế giới phục hồi chậm, hạn chế nhập khẩu vì giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới và gồng mình chống dịch.

Nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng năm 2021 ước đạt 9%.

Khu vực dịch vụ còn chịu ảnh hưởng trực tiếp tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhất là sau thời gian dài được khống chế không lây nhiễm trong cộng đồng thì cuối tháng 1.2021 đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố. Nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2021 ước đạt 5,48%.

Nếu dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý 1, ước tính GDP quý 1/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý 2 cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý 3, quý 4 phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với NQ01, trong đó quý 3 tăng 6,73% (cao hơn 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý 4 tăng 7,04% (cao hơn 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021, về phòng, chống, kiểm soát đại dịch COVID-19, ưu tiên hàng đầu là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, tạo nền tảng để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, chủ động công khai thông tin chính xác, kịp thời, bảo đảm ổn định tâm lý, niềm tin trong nhân dân, tạo sự đồng lòng, chung tay chống dịch cùng chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị; cung cấp đủ các hàng hoá thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng tích trữ hàng hoá lương thực, thực phẩm. Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đàm phán để sớm triển khai áp dụng vắc xin; xây dựng phương án phân phối vắc xin, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Dũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế. Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải.

nguyen-chi-dung-kbkt-3.jpg
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh FDI; tập trung ưu đãi cho những doanh nghiệp công nghệ cao có chuyển giao công nghệ, gắn kết với doanh nghiệp trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị tập trung thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản một cách thiết thực, hiệu quả, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Về thương mại và dịch vụ, tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu. Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển mạnh thương mại điện tử. Thúc đẩy phối hợp với các đơn vị thanh toán, khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử. Phối hợp với các đối tác nước ngoài để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Song song với đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn; tăng cường các biện pháp phòng vệ, khẩn trương xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại…

Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về giải ngân vốn đầu tư công

Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư NSNN, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra.

Trong đó, phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước ngay từ đầu năm kế hoạch cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; chủ động xây dựng ngay kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý.

Cụ thể, quý 1 hoàn thành việc thu hồi vốn ứng trước của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021; quý 2 hoàn thành việc giải ngân các dự án được phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 sang năm 2021; quý 3 giải ngân 80% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 của các dự án chuyển tiếp dự kiến hoàn thành trong năm 2021 và hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án khởi công mới dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư năm 2021 và lũy kế đến quý 4 phấn đấu giải ngân 90% kế hoạch năm 2021 được giao.

“Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng dự án theo kế hoạch đề ra, gắn trách nhiệm của lãnh đạo, tổ chức, cá nhân với kết quả giải ngân của từng dự án được phân công”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, theo ông Dũng, cần tiếp tục rà soát hành lang và khuôn khổ pháp lý về đầu tư, ngân sách đặc biệt là vốn ODA một cách đồng bộ và minh bạch, trong đó đổi mới công tác quản lý, giải ngân và sử dụng vốn ODA; đẩy mạnh các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư để khơi thông vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng giao thông...

nguyen-chi-dung-kbkt-4.jpg
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp. Trước mắt cần tập trung thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 cho hơn 800 nghìn doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng.

Bài liên quan
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020
Chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã giúp Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành nước có thu nhập trung bình thấp và là điểm đến an toàn, tin tưởng của các nhà đầu tư tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ KH-ĐT: Cải cách quy trình, thủ tục để DN dễ tiếp cận chính sách hỗ trợ