Năm học mới đã được gần 1 tháng và việc học thêm, dạy thêm ở các trường cũng bắt đầu sôi động, nhiều phụ huynh lên tiếng phản đối nhưng không ít chuyên gia lại cho rằng chỉ cần có sự quản lý mới phù hợp.
Dạy thêm không xấu, chỉ đừng lợi dụng để trục lợi
Năm học 2023-2024 chỉ mới bắt đầu được một tháng nhưng phụ huynh, giáo viên, học sinh đều bất bình trước tình trạng dạy thêm, học thêm biến tướng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Nhiều phụ huynh đã lập các group để trao đổi, bày tỏ sự bức xúc về việc học sinh hiện nay phải học thêm quá nhiều, xen vào cả thời gian học chính khóa.
Chia sẻ với phóng viên, anh H.T.L (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh có 2 người con đang học tiểu học và THCS nhưng cả 2 cháu đều học thêm liên tục dù mới vào học chỉ chưa đầy 1 tháng.
"Cháu lớn học thêm không sao nhưng ngay cả học sinh lớp 3 cũng học thêm, tiểu học thì học cái gì mà tuần đều đặn 3 buổi. Học ở trên lớp không đủ, cô giáo báo học thêm tại nhà cô. Bố mẹ ngoài việc đi làm đón con thì phải đưa con đến lớp học và đón con về. Thời gian chờ đợi rất mệt mỏi và khi hỏi con học thêm những gì thì con mình chỉ bảo cô cho hoàn thành bài tập đã giao trên lớp. Cả lớp con mình đều học thêm tại nhà cô cả nên tôi không hiểu trên lớp học gì để học sinh về nhà phải học thêm, hoàn thành bài tập về nhà. Mới lớp 3 lớp 4 học thêm gì mà cả tuần như thế này làm sao các cháu có thời gian vui chơi" - anh L. cho hay.
Là nhà giáo tâm huyết, gắn bó nhiều năm trong nghề, thầy Lưu Bá Hoàng (giáo viên THPT ở TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, bản chất việc dạy thêm là không xấu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay khá nặng, học sinh phải học rất nhiều môn học cùng lúc, đối mặt với rất nhiều kỳ thi căng thẳng, áp lực như thi vào lớp chọn, thi vào trường chuyên, thi đại học… Trong khi đó, với thời gian học trên lớp, giáo viên chỉ có thể đáp ứng lượng kiến thức cơ bản.
Nhu cầu tìm đến các lớp học thêm để bổ sung, bồi dưỡng thêm kiến thức của học sinh và phụ huynh là có. Trên phương diện này, dạy thêm lại giúp học sinh củng cố, mở rộng kiến thức, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi mang tính chất tuyển chọn cao. Tuy nhiên theo các chuyên gia giáo dục, đừng biến tướng việc dạy thêm, bổ túc thêm kiến thức cho học sinh để trục lợi cho chính mình.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc dạy thêm ngoài giờ, ngoài trường và cả những người không làm việc trong cơ sở giáo dục là nhu cầu không thể cấm được. Trước đây Bộ GD-ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng Luật Đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Tuy nhiên, việc dạy thêm học thêm mà nếu giáo viên bớt các nội dung giảng dạy chính thức, hoặc dạy trước nội dung trên lớp là bị cấm. Điều này nằm trong đạo đức nhà giáo và bị cấm. Nếu có giáo viên dạy thêm như vậy thì mới là điều cần lên án, Bộ trưởng nêu.
Việc dạy thêm dựa trên tình thần... tự nguyện trong bắt buộc
Việc tổ chức dạy thêm, dạy tăng cường trong nhiều trường học đã bộc lộ bất cập, phụ huynh cho biết đăng ký tự nguyện trên tinh thần "bắt buộc".
Nhiều sở GD-ĐT cũng quy định về việc dạy thêm, học thêm trong các trường, là các giáo viên tuyệt đối không được dạy thêm trừ trường hợp được các phụ huynh đồng thuận. Chính vì điều này nên hầu hết các lớp hay các trường khi tổ chức dạy thêm đều lấy chữ ký và 100% phụ huynh buộc phải ký vào đơn "đồng thuận" để tổ chức lớp dạy thêm cho các con em mình.
Việc dạy thêm học thêm ngoài việc không quản lý được thì chính Bộ GD-ĐT còn lộ ra nhiều bất cập do thiếu hành lang pháp lý. Chính thông tư 17 của Bộ GD-ĐT cũng đã nêu rõ: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm…
Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống…".
Tại các trường học, nhiều nơi vẫn cho học thêm bằng cách cài cắm với các môn học chính khóa, vì vậy nhiều phụ huynh rất khó phải sắp xếp thời gian cho con học tập. Nếu lựa chọn không học thêm trong nhà trường thì hôm đó cũng phải đưa đón con em mình về nhà (khá sớm so với giờ tan làm).
Việc dạy thêm không được ủng hộ, nhưng tại sao các trường vẫn tổ chức? Điều có thể nhìn thấy rõ là nếu các trường, các thầy cô giáo không tổ chức dạy thêm học thêm thì sẽ không có nguồn thu nhập, đặc biệt nguồn thu nhập này lại cao hơn nhiều so với lương của giáo viên.
Hiện nay, các nhà trường tổ chức dạy thêm, dạy liên kết nhiều cho học sinh tiểu học, THCS bằng các hình thức khác nhau. Ở Hà Nội, hầu như trường nào cũng liên kết. Việc tổ chức liên kết không chỉ một chương trình mà còn nhiều chương trình khác nhau. Điểm kỳ lạ nhất, chương trình liên kết ngoại ngữ được tổ chức vào giờ học chính khóa nên phụ huynh dù không muốn cũng phải đăng ký cho con theo học.
Có thể thấy, việc dạy thêm học thêm tại các trường, nhất là trường phổ thông hiện nay, diễn ra dưới nhiều hình thức: Phụ đạo, dạy tăng cường, liên kết, bồi dưỡng nâng cao, câu lạc bộ… Dù trên tinh thần tự nguyện đăng ký nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra e ngại, không dám từ chối khi nhà trường đưa ra gợi ý về các lớp học này. Vì vậy, đầu năm học cũng là lúc phụ huynh phải ký vào các tờ đơn “tự nguyện xin học” cho con, với mức chi thêm vài trăm nghìn đồng/tháng cho mỗi lớp học, khóa học.
Việc dạy thêm học thêm dù được các tỉnh chấn chỉnh, Bộ GD-ĐT nghiêm cấm nhưng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Chính vì vậy việc ngành giáo dục cần thường xuyên, liên tục kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp làm trái quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội.