Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các rồi, có nhất thiết phải có thêm tượng rùa vàng ở hồ Gươm làm biểu tượng không?

Biểu tượng của Hà Nội là Khuê Văn Các, không cần đến tượng rùa!

VNN | 31/03/2017, 18:00

Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các rồi, có nhất thiết phải có thêm tượng rùa vàng ở hồ Gươm làm biểu tượng không?

Xung quanh “Dự án đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm - Thần Kim Quy" tại Hồ Gươm, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng thư ký Hội di sản Văn hóa Việt Nam, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Thế giới Di sản đã gửi đến VietNamNet ý kiến riêng.

"Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh dự án này. Một số báo có hỏi quan điểm của tôi, nhưng tôi chưa dám trả lời, vì chưa được tiếp cận với dự án đó. Hôm nay, được đọc dự án, tôi được biết một số thông tin:

Ý tưởng của Đề án, được nêu ra là: Bắt nguồn từ truyền thuyết lịch sử (truyền thuyết thần Kim Quy và nỏ thần, thần Kim Quy và vua Lê Lợi); rùa hồ Gươm tâm linh hiện hữu (thần Kim Quy); sức mạnh biểu tượng quốc gia trên thế giới. Từ đó cho rằng: Đây là "Biểu tượng độc đáo và ý nghĩa sâu sắc của Hà Nội, của Việt Nam về hình tượng ùa Vàng Hồ Gươm "Thần Kim Quy".

Nhóm ý tưởng của Dự án là nhà sử học Dương Trung Quốc và ông Tạ Hồng Quân. Ban Cố vấn nêu trong Dự án gồm một số giáo sư, các nhà khoa học, văn hóa (có ghi rõ họ tên, chức vụ cụ thể). Cơ quan phối hợp thực hiện nêu trong văn bản gồm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Trong Dự án đưa cả ý kiến của 4 nhà khoa học, trong đó có 3 ý kiến vừa đánh máy, vừa viết tay, có ngày tháng và chữ ký và cả ảnh chân dung kèm theo vào tháng 11-2011, ủng hộ ý tưởng này. Trong Dự án cũng viết: “Khi Dự án chính thức thực hiện sẽ tổ chức thi biểu tượng Rùa Vàng Hồ Gươm Thần Kim Quy”, nhưng cũng giới thiệu 4 ảnh về 4 phương án biểu tượng…

Xung quanh nội dung của dự án này liên quan đến nhiều vấn đề, chắc chắn là sẽ có các ý kiến của các nhà chuyên môn, các cơ quan liên quan khác nhau, tôi không có tham vọng bàn rộng, mà chỉ xin nêu một số ý kiến liên quan đến di sản văn hóa, như sau:

1. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam (có tên trong dự án) hoàn toàn không được biết và không được hỏi ý kiến về việc có đồng ý tham gia dự án này không? Trong Dự án có nêu tên Chủ tich Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong Ban Cố vấn, nhưng khi trao đổi với Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, thì Chủ tịch Hội khẳng định rằng hoàn toàn không được biết về dự án này, không có ai gặp gỡ, trao đổi, hỏi ý kiến. Việc tự ý đưa Hội và Chủ tịch Hội vào dự án là việc làm không đúng, cần phải sửa kịp thời.

2. Việc xây dựng các công trình ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm phải được xuất phát từ quan điểm di sản văn hóa, lấy di sản văn hóa làm cốt lõi và điểm xuất phát, không chỉ thiên về cảm tính, nhiệt tình và tình cảm; cần phải xem xét toàn diện, cụ thể và hết sức thận trọng.

Xung quanh dự án này, quan điểm của cá nhân tôi là không ủng hộ và không nên thực hiện, vì các lý do sau:

Một là, Hồ Gươm là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bản thân vùng đất này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử và văn hóa thiêng liêng với tên Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa… Bất cứ việc làm nào ở đây không tính toán kỹ cũng dễ dẫn đến việc làm tổn thương Di tích cả về không gian, cảnh quan, di sản văn hóa, không gì có thể bù đắp được.

Hai là, bản thân khu đất thiêng này đã mang trong lòng nó ý nghĩa lịch sử-văn hóa sâu xa, gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng, mà cả nước và thế giới đều biết, ăn sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt Nam, vì vậy không cần thiết phải xây dựng biểu tượng Rùa Vàng ở đây. Chúng ta hãy làm tốt việc bảo vệ, bảo quản, giữ gìn cảnh quan, môi trường ở nơi này, giữ cho được hồn cốt của nó.

Ba là, các địa điểm dự kiến đặt biểu tượng, theo tôi được biết, đều nằm trong khu vực bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt khu vực Hồ Hoàn Kiếm, đó là các vị trí hết sức nhạy cảm, chắc chắn sẽ tác động không tốt tới cảnh quan, không gian của Di tích.

Bốn là, khu vực Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là Di tích quốc gia, mà còn là Di tích quốc gia đặc biệt; do vậy, việc xây dựng thêm các công trình mới ở đây phải căn cứ vào các quy định của Luật Di sản văn hóa. Điều 32 Luật di sản văn hóa nêu rõ: “Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Năm là, Hà Nội đã có biểu tượng là Khuê Văn Các rồi, có nhất thiết phải có thêm biểu tượng này không?

PGS.TS Đỗ Văn Trụ/VNN
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biểu tượng của Hà Nội là Khuê Văn Các, không cần đến tượng rùa!