Từ ngày 18 đến 20.10 sẽ diễn ra hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Singapore, và chủ đề nóng sẽ vẫn là Biển Đông bị Trung Quốc quân sự hóa.

Biển Đông sẽ là điểm nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

15/10/2018, 05:42

Từ ngày 18 đến 20.10 sẽ diễn ra hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Singapore, và chủ đề nóng sẽ vẫn là Biển Đông bị Trung Quốc quân sự hóa.

Trung Quốc đưa máy bay ném bom H -6K đến đảo nhân tạo xây trái phép - Ảnh: CNBC

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 14.10, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cũng sẽ tham dự hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng (ADMM) lần thứ 12 này.

Theo tờ báo Hồng Kông, trong khi các nhà quan sát hy vọng các đoàn đại biểu sẽ tìm sự nhất trí về những vấn đề không gây tranh cãi như cứu hộ thiên tai, tìm kiếm trên biển và nỗ lực chống khủng bố, gồm một mạng lưới chia sẻ tình báo chống khủng bố do Singapore khởi xướng, họ lại không kỳ vọng ADMM 2018 có thể đạt được tiến bộ cụ thể về vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, một tuyến hàng hải chiến lược có nhiều vùng chồng lấn, giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines, Malaysia, 3 quốc gia thuộc ASEAN.

Mỹ đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nên đây sẽ là vấn đề nóng của ADMM 2018, nhất là sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tố cáo Trung Quốc hành xử hung hăng, tiếp sau vụ tàu chiến Mỹ -Trung suýt đâm vào nhau ngày 30.9, sau khi khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Ông Aaron Rabena, nhà nghiên cứu của Hội đồng quan hệ đối ngoại Philippine, nói:

“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến Mỹ tái lập lời cam kết ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, và một lần nữa sẽ chỉ trích hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Khi quan hệ Mỹ - Trung nóng lên, ASEAN sẽ chịu sức ép từ cả hai phía”.

Theo vài nhà phân tích, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đẩy cao sự lo ngại nơi các nước thành viên ASEAN, nhưng cũng khiến các nước này nỗ lực hợp tác trên Biển Đông với các đồng minh của Mỹ, gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand, Anh và Pháp.

Bà Elena Collinson, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ Úc - Trung ở Đại học Công nghệ Sydney (Úc) nói, căng thẳng trên Biển Đông “đã dâng cao không thể ngờ” trong năm 2017, và “mọi người có thể kỳ vọng sẽ có nhiều cuộc bàn luận tại ADMM 2018. Bất kỳ quyết định nào cũng sẽ tính đến quan hệ của các nước thành viên ASEAN không chỉ với Trung Quốc, mà còn với phương Tây”.

ADMM 2018 diễn ra sau khi ASEAN và Trung Quốc hồi đầu tháng 8 đã đạt thỏa thuận về một "văn bản duy nhất" để đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sau hơn 10 năm đàm phán, dù các nhà phân tích nói khó có thể sớm đạt đến thỏa thuận cuối cùng.

Ông Bill Hayton, chuyên viên về Biển Đông ở tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh) nói: “Điều quan trọng là suy nghĩ về COC như một hành trình chứ không là một đích đến. Tôi không thể kỳ vọng rằng họ sẽ đạt đến một tuyên bố lớn về vấn đề này ở ADMM 2018. Sẽ là một bất ngờ dễ thương, nếu họ thật sự đồng ý về bất kỳ điều gì cụ thể, thẳng thắn mà nói như thế”.

Bà Pooja Bhatt, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu các thế lực không quân (ở Ấn Độ) nói: “Dù có đạt được COC, nó sẽ không bắt buộc phải tuân thủ, vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ nằm ngoài hiệu lực của COC, và các nước không tham gia COC sẽ bị ngăn không được can thiệp khi có sự bất đồng. Dựa theo văn bản COC thì tự thân tài liệu này không là một tài liệu mạnh. Dù có đạt đến một kết luận thì các vấn đề vẫn còn nguyên”.

Ngoài kỳ hội nghị ADMM 2018, Trung Quốc và ASEAN sẽ có một cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên vào cuối tháng 10 này. Các nhà phân tích mô tả động thái này là “một giải pháp xây dựng lòng tin”, hơn là một sự thay đổi chiến lược sâu sắc.

Các nhà quan sát nói bên cạnh việc tập trận chung với Trung Quốc, các nước thành viên ASEAN đều theo đuổi quan hệ thân cận với các thế lực lớn khác, gồm Mỹ và Nhật Bản, nhằm chống lại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, đồng thời tự nâng cấp khả năng phòng vệ.

Bà Bjatt nói: “Cuộc đấu Mỹ - Trung sẽ tiếp tục và đang rất báo động. Vì sự xung đột này, các nước khác đều lo sợ cho an ninh của nước mình, và họ phản ứng bằng cách tự củng cố cơ sở an ninh. Nói chung, đó là một khuynh hướng đáng báo động, rõ ràng khiến khu vực Biển Đông càng lúc càng nhạy cảm hơn”.

Bắc Kinh đã liên tục phản đối hoạt động tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trên Biển Đông, trong khi Anh, Pháp đều có hoạt động FONOP này.

Ông Hayton nói: “Bắc Kinh khó chịu vì sự chú ý dồn vào Biển Đông. Trung Quốc đã quyết gây khó khăn hơn cho các thế lực nước ngoài, điển hình là vụ đối đầu giữa hai tàu chiến Mỹ - Trung ngày 30.9. Đó là chuyện rất nghiêm trọng”.

Bà Collinson nói căng thẳng trên Biển Đông “đã dâng cao không thể ngờ” từ năm 2017, và “vì là các nước nhỏ hơn, các nước thành viên ASEAN sẽ phải gánh chịu hậu quả của bất kỳ xung đột nào trong khu vực của họ”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển Đông sẽ là điểm nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN