Dưới mắt một cựu phi công trực thăng Lực lượng đặc biệt của Mỹ, việc giới truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa tuyên bố sắp bay thử nghiệm một kiểu máy bay ném bom tàng hình là thể hiện sự cứng rắn, nhằm che giấu sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc bay thử nghiệm Oanh-20 để che giấu căng thẳng?

13/10/2018, 14:31

Dưới mắt một cựu phi công trực thăng Lực lượng đặc biệt của Mỹ, việc giới truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa tuyên bố sắp bay thử nghiệm một kiểu máy bay ném bom tàng hình là thể hiện sự cứng rắn, nhằm che giấu sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Mô hình phác thảo chiếc H-20 - Ảnh : Sputnik

Cựu phi công Todd Wood dẫn ra việc Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) vừa tuyên bố sắp cho bay thử nghiệm máy bay ném bom tàng hình tầm xa Oanh - 20 (có nghĩa Oanh tạc cơ, hoặc còn gọi là H-20) sau hơn 10 năm phát triển.

Chiếc Oanh-20 sẽ bay đến Biển Đông để khoe sức mạnh?

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc xác nhận rằng trong tương lai gần, chiếc H-20 sẽ sớm bay vào vùng trời các nước bạn, nhưng không nêu thời hạn cụ thể của chuyến bay đầu tiên.

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình nói với Hoàn cầu thời báo hôm 9.10: “Chuyến bay thử nghiệm sẽ sớm được thực hiện. Trước đây, việc phát triển phương tiện và vũ khí của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) thường được giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng việc tiết lộ tên của chiếc H-20 ngay trước khi bay thử nghiệm cho thấy công nghiệp hàng không Trung Quốc đang ngày càng tự tin”.

Chính phủ Trung Quốc nói đã làm việc với kiểu H-20 từ năm 2015, nhằm để đối phó chiếc B-2 Spirit của không quân Mỹ.

Hồi tháng 4, chuyên gia hàng không Phó Tiền Tiêu người Trung Quốc cho biết chiếc H-20 có tầm bay tối đa 8.000 km mà không cần tiếp xăng, và khoang vũ khí có thể chứa 10 tấn vũ khí. Nhưng chiếc Oanh -20 cũng có thể nâng tầm bay lên 12.000 km và chứa 20 tấn vũ khí.

Tháng 11.2017, báo Asia Times đưa tin Bắc Kinh có thể cho chiếc H-20 bay dọc vùng biển phía Tây nước Mỹ, có thể tấn công các mục tiêu Mỹ bằng tên lửa CJ-10K vốn có thể mang đầu đạn qui ước hoặc hạt nhân, cho phép PLAAF hoàn toàn có khả năng tấn công đối thủ tiềm năng từ xa.

Với chiếc H-20, PLAAF có thể xuyên thủng hệ thống phòng không của địch, kết hợp với tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ trên bộ và từ tàu ngầm. Chiến lược này được Trung Quốc tự gọi là “bộ tam hạt nhân”.

Với tầm bay xa, chiếc Oanh-20 cũng có thể là công cụ cần thiết để Bắc Kinh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông và vùng Thái Bình Dương.

Trung Quốc hiện chưa sản xuất đại trà máy bay ném bom chiến lược có thể tấn công địch từ khoảng cách xa. PLAAF hiện có chiếc H - 6K, là phiên bản nâng cấp và hiện đại hóa của chiếc H-6 vốn dựa theo bản thiết kế chiếc Tu-16 do Liên Xô sản xuất.

Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phô trương nhiều loại vũ khí

Cựu phi công Todd Wood nay cộng tác với hãng tin Fox Business, báo New York Post, National Review.. khẳng định việc PLAAF “lòe” chiếc H-20 chỉ là một động thái tỏ ra cứng rắn, và ông dùng thành ngữ “con nai run sợ trước ánh đèn pha” để khẳng định Bắc Kinh đang “run như cầy sấy đến độ không thể cử động hoặc suy nghĩ” (theo đúng nghĩa của thành ngữ trên) và viết thêm: “Trước sự tự tin tỏa ra từ chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo Trung Quốc hành xử như tên bắt nạt kẻ yếu ở trường lần đầu tiên bị đấm vào mặt và cố gắng nghĩ mình không thích như thế một chút nào”.

Theo Todd Wood, ông Trump đã làm điều Bắc Kinh không nghĩ là sẽ xảy ra: lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến 2, ông Trump sử dụng toàn bộ quyền lực Mỹ về kinh tế, chính trị, tinh thần và kể cả sức mạnh quân sự. Bài bản này đã có hiệu quả.

Ông Todd Wood nêu các chuyên gia tuyên bố kinh tế Trung Quốc đang trên đường qua mặt Mỹ theo hướng GDP. Nhưng đấy là trước khi ông Trump tung ra chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Sau các mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, theo ông Todd Wood, “kinh tế Trung Quốc hiện nặng nợ không thể thu hồi từ cách làm ăn bừa bãi, như xây các “thành phố ma” chỉ để người dân có việc làm và không gây loạn. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh và sẽ có lợi về lâu về dài. Chúng ta cũng vừa biết Trung Quốc toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ. Họ đã nghĩ: “chúng ta không thể để Trump củng cố quyền lực, nếu không thì chúng ta toi !”.

Cựu phi công Mỹ xác định Trung Quốc sẽ còn tiếp tục phô trương nhiều loại vũ khí nữa, bên cạnh nỗ lực tác động dư luận Mỹ chống lại các chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump: “Chúng ta nên chờ xem thêm những hành xử thâm hiểm của Trung Quốc, như khiêu khích ở Biển Đông, cài cắm điệp viên chiếm đoạt công nghệ, tăng cường diễu binh và phong hàm tướng cho nhiều sĩ quan vỗ ngực hung hăng. Nhưng Ronald Reagan đã từng thắng Chiến tranh Lạnh và xé toang Bức Màn Sắt.

Ông Trump cũng có thể làm thế ở Thái Bình Dương, gây thất vọng cho kế hoạch phá hoại nước nước Mỹ của Trung Quốc mà không cần phải nã phát đạn nào".

Vĩnh Thụy (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc bay thử nghiệm Oanh-20 để che giấu căng thẳng?