Những gì chúng ta học được từ việc giải quyết vấn đề mưa axit và lỗ thủng tầng ozone có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nói chung.

Biến đổi khí hậu là kiếp nạn thứ 3 thách thức loài người sau mưa axit và thủng tầng ozone

Anh Tú | 26/10/2023, 08:15

Những gì chúng ta học được từ việc giải quyết vấn đề mưa axit và lỗ thủng tầng ozone có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nói chung.

moitruong.jpg
Môi trường là vấn đề của toàn nhân loại

Thế giới có cảm giác như đang bị đun sôi; cháy rừng ở Canada và châu Âu, lũ lụt ở Trung Quốc và những đợt nắng nóng kỷ lục không bao giờ kết thúc là vấn đề gây thu hút.

Nhiều người bi quan cho rằng thế giới không thể giải quyết được những vấn đề môi trường lớn, nhưng những nỗ lực trong quá khứ cho chúng ta biết vẫn còn hy vọng. Thế giới đã giải quyết được những vấn đề môi trường to lớn mà dường như không thể giải quyết được vào thời điểm đó.

Một ví dụ còn sống động là mưa axit đã từng được chúng ta giải quyết. Hiện tượng này giờ không còn được nhắc nhiều nữa nhưng mưa axit là vấn đề môi trường hàng đầu trong những năm 1990. Có thời điểm, đây là vấn đề ngoại giao song phương lớn nhất giữa Mỹ và Canada.

Mưa axit - với hàm lượng axit sulfuric hoặc nitric cao - chủ yếu là do sulfur dioxide, một loại khí được tạo ra khi chúng ta đốt than. Nó có tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, làm rừng trụi lá, rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất và làm ô nhiễm sông hồ. Khí thải từ Vương quốc Anh sẽ lan sang Thụy Điển và Na Uy; khí thải từ Mỹ sẽ thổi qua Canada. Cũng giống như biến đổi khí hậu, nó là vấn đề xuyên biên giới và không quốc gia nào có thể một mình giải quyết được.

Đây là một bài toán lý thuyết kiểu trò chơi cổ điển; kết quả không chỉ phụ thuộc vào hành động của một quốc gia mà còn phụ thuộc vào hành động của các quốc gia khác. Một quốc gia sẽ chỉ hành động nếu họ biết rằng những nước khác cũng sẵn sàng làm điều tương tự. Lần đó, các nước đã hành động tập thể.

Các chính phủ đã ký hiệp định quốc tế, đặt ra giới hạn phát thải đối với các nhà máy điện và bắt đầu giảm việc đốt than. Các biện pháp can thiệp có hiệu quả đáng kinh ngạc. Ở châu Âu, lượng khí thải sulfur dioxide đã giảm 84% và ở Mỹ là 90%. Một số quốc gia đã giảm hơn 98%.

Chúng ta đã làm điều tương tự với tầng ozone. Lỗ thủng tầng ozone là một vấn đề cần sự phối hợp lớn. Không một quốc gia nào phải chịu trách nhiệm về việc phát thải các chất làm suy giảm tầng ozone trên thế giới. Cách duy nhất để cắt giảm đáng kể lượng khí thải đầu độc tầng ozone là phải có nhiều quốc gia tham gia. Điều này phải dựa vào sự hợp tác quốc tế và thế giới đã giải quyết được nó. Sau khi các quốc gia ký Nghị định thư Montreal, lượng khí thải các chất làm suy giảm tầng ozone đã giảm hơn 99%.

Những gì chúng ta học được từ việc giải quyết vấn đề mưa axit và lỗ thủng tầng ozone có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nói chung.

Đầu tiên, chi phí của công nghệ thực sự quan trọng. Tỷ lệ chi phí-lợi ích của công nghệ khử lưu huỳnh là chìa khóa để giải quyết mưa axit. Nếu giá thành mà đắt đỏ thì các quốc gia sẽ không thực hiện chuyển đổi.

Tương tự, các công nghệ carbon thấp giá rẻ rất cần thiết cho chống biến đổi khí hậu. Công nghệ ít carbon từng đắt tiền nhưng trong thập niên qua, giá năng lượng mặt trời đã giảm hơn 90%. Giá năng lượng gió giảm hơn 70%. Giá pin đã giảm 98% kể từ năm 1990, kéo theo giá thành của ô tô điện cũng giảm theo. Trên toàn cầu, cứ 7 chiếc xe mới được bán ra thì có 1 chiếc là xe điện. Ở châu Âu, cứ 5 chiếc ô tô xuất xưởng thì có 1 xe điện, và ở Trung Quốc thì cứ 3 người dùng ô tô là có 1 người dùng xe điện.

Đồng thời, các quốc gia đang nhận thức được những hậu quả tiềm tàng của việc không chuyển sang sử dụng năng lượng sạch, dù dưới hình thức chịu thiệt hại do biến đổi khí hậu hoặc bị ràng buộc với thị trường nhiên liệu hóa thạch dễ biến động.

Thứ hai, các thỏa thuận và mục tiêu về khí hậu cần có thời gian để phát triển. Lỗ thủng tầng ozone và mưa axit ban đầu vẫn chưa được giải quyết bằng các hiệp định quốc tế đầu tiên trên bàn đàm phán. Các mục tiêu ban đầu quá khiêm tốn để tạo ra sự khác biệt đủ lớn. Nhưng theo thời gian, các quốc gia ngày càng tham vọng hơn, sửa đổi các thỏa thuận và đạt được những mục tiêu cao hơn đó.

Đây là nguyên tắc cơ bản của Hiệp định Paris về khí hậu. Các quốc gia đã đồng ý tăng cường cam kết duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C hoặc 2 độ C (so với thời tiền công nghiệp). Mặc dù điều này đã và đang diễn ra nhưng chắc chắn là chưa đủ nhanh. Thế giới đang trên đà tăng khoảng 2,6 độ C vào năm 2100. Con số 2,6 độ là ác mộng nhưng vẫn còn thấp hơn một ít so với tính toán của chúng ta vào năm 2016.

Các chính phủ đã tăng cường hành động và tăng số lượng mục tiêu của họ. Và cũng giống như mưa axit hay lỗ thủng tầng ozone, họ cần tiếp tục hướng tới mục tiêu cao hơn. Nếu mọi quốc gia đều thực hiện cam kết của mình, thế giới sẽ giữ nhiệt độ tăng ở mức 2 độ C. Nếu họ đáp ứng cam kết phát thải khí nhà kính về mức 0 đúng thời hạn, chúng ta có thể giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới mức đó.

Cuối cùng, lập trường của các chính trị gia phải kiên định theo hướng vì môi trường. Mưa axit là sự chia rẽ lưỡng đảng ở Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Nhưng cuối cùng không phải người của đảng Dân chủ hành động đầu tiên mà đó là người kế nhiệm George H.W. Bush cũng thuộc đảng Cộng hòa. Trước khi nhậm chức, Bush đã cam kết trở thành “tổng thống môi trường”, một lập trường táo bạo ngay cả đối với nhiều nhà lãnh đạo cánh hữu ngày nay, nhưng đó là lập trường mà chúng ta cần phải lặp lại nếu muốn thực hiện và đạt được những mục tiêu cao hơn.

Ở Vương quốc Anh, công chúng ủng hộ mạnh mẽ việc phát thải ròng bằng 0 đến mức ngay cả bà Margaret Thatcher - nhà lãnh đạo cánh hữu khét tiếng nhất cũng phải sớm coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel là một ví dụ hiện đại về một nhà lãnh đạo bảo thủ ủng hộ khí hậu. Là một người được đào tạo khoa học bài bản, bà Merkel luôn thừa nhận các mối đe dọa của biến đổi khí hậu và đạt được danh hiệu “thủ tướng khí hậu”. Vào cuối những năm 1990, bà đã lãnh đạo hội nghị khí hậu đầu tiên của Liên Hợp Quốc và Nghị định thư Kyoto. Năm 2007, bà thuyết phục được lãnh đạo G8 đặt ra các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải. Thật sai lầm khi coi các vấn đề môi trường là vấn đề của cánh hữu. Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta cần phải vượt qua sự chia rẽ này.

Biến đổi khí hậu không hoàn toàn giống với các vấn đề môi trường mà chúng ta đã giải quyết trước đây. Sẽ khó hơn vì nó đặt ra thách thức phải xây dựng lại hệ thống năng lượng, giao thông và cung ứng lương thực. Nó sẽ liên quan đến mọi quốc gia và hầu hết mọi lĩnh vực. Nói chung, nó cần tất cả phải có sự chung tay như những lần trước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu là kiếp nạn thứ 3 thách thức loài người sau mưa axit và thủng tầng ozone