“Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện và bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững tất cả các hoạt động, hệ đào tạo”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Bí thư Nguyễn Văn Nên: Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất

Tú Viên | 25/08/2022, 19:08

“Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất. Muốn xã hội phát triển toàn diện và bền vững cần có một nền giáo dục phát triển toàn diện và bền vững tất cả các hoạt động, hệ đào tạo”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Đó là chia sẻ kỳ vọng và tâm huyết của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Theo Bí thư Nên, công tác giáo dục là phải làm sao để con người hiểu được giá trị của việc học, vì sao phải học, học để làm gì, học như thế nào chứ không nói chung chung. Nếu phát động chung chung, đưa ra chương trình hành động chung chung, thi đua chung chung thì sẽ có kết quả chung chung.

Cần học để trở thành người có giá trị cho cuộc đời. Phải định hướng, tạo điều kiện cho học sinh học tập chứ không phải miễn cưỡng, gượng ép. Học như thế sẽ không có kết quả. Cần tạo ra một xã hội học tập, khuyến khích các cá nhân tự học để trở thành người có giá trị.

hoc-sinh3.jpg
Để thực hiện đổi mới, ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực - Ảnh: P.V

Bí thư  Nguyễn Văn Nên yêu cầu ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đối với giáo dục mầm non. Năm học vừa qua, nhiều cán bộ, thầy cô giáo không thể bám nghề do tình hình dịch bệnh COVID-19 phải đóng cửa trường học. Các chế độ hỗ trợ cho đội ngũ nhà giáo chưa thật sự tương xứng. Ngành giáo dục cần tham mưu để các cấp lãnh đạo quan tâm, động viên các nguồn lực tư nhân có điều kiện xây dựng thêm các trường mẫu giáo, mầm non hoạt động theo đúng quy định của ngành giáo dục.

Bên cạnh đó, vấn đề sách giáo khoa được xã hội rất quan tâm. Ngành giáo dục cần chú ý tính hai mặt của nó, nếu thực hiện không khéo sẽ gây thêm phiền toái cho người học. Việc lựa chọn sách, môn học nào thuộc thẩm quyền chuyên môn của Sở GD-ĐT và các hội đồng giáo viên, nhưng để đảm bảo tính khách quan, hướng đến mục đích dạy tốt, học tốt, ngành giáo dục cần nghiên cứu tình hình để thầy trò có điều kiện tham khảo nhiều bộ sách khác nhau, qua đó nâng cao chất lượng học tập, tránh tình trạng độc quyền.

"Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ biên soạn đề thi tốt nghiệp THPT không dựa trên ngữ liệu của bộ sách giáo khoa nào mà chỉ dựa theo chương trình giáo dục khung. Như vậy, TP sẽ có định hướng gì đối với việc này phù hợp đặc thù riêng của TP?", ông Nên cũng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành giáo dục trong vai trò tham mưu, thực hiện đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, phù hợp tình hình TP. Lịch sử và truyền thống của TP.HCM luôn có nhiều sáng tạo, đổi mới, nhưng thời gian gần đây đang có dấu hiệu giảm đi.

Ngoài ra, là vấn đề về học phí. Từ năm 2018, TP.HCM căn cứ vào điều kiện thực tế đã có đề xuất miễn giảm học phí bậc THCS nhưng do nhiều lý do chưa thực hiện được. Qua ý kiến của Bộ GD-ĐT, TP sẽ có lộ trình thực hiện hợp lý phù hợp tình hình thực tế. Trước mắt khi chưa có những quy định đầy đủ từ bộ ngành, Sở GD-ĐT TP.HCM cần tiếp tục nghiên cứu để tham mưu, có hướng dẫn những quy định cụ thể đối với từng khoản thu, đảm bảo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền của TP để các trường thực hiện vừa đảm bảo tiết kiệm, tận dụng các nguồn lực vừa đúng quy định pháp luật.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cùng sự tham mưu của ngành giáo dục tháo gỡ khó khăn về đất đai để đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu địa phương, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Mỗi năm tăng thêm 30.000-40.000 học sinh khiến hạ tầng trường lớp phát triển không theo kịp.

Vấn đề kế tiếp mà ông Nên nêu ra, là chăm lo đội ngũ nhà giáo và văn hóa học đường. Những năm qua, Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyển dụng giáo viên. Nguồn tuyển dụng đầu vào hiện nay không còn đòi hỏi yêu cầu hộ khẩu giúp công tác tuyển dụng thuận lợi hơn, tuyển được đội ngũ nhà giáo giỏi và yêu nghề. TP rất trân trọng những nhà giáo đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để bám ngành, bám nghề, đóng góp thành tích chung cho ngành giáo dục.

"Tuy nhiên, nỗ lực không thể kéo dài mãi, vượt qua khó khăn trong khoảnh khắc thôi, bởi sức người có hạn. Nếu cứ để các thầy cô giáo bươn chải đời sống thì không thể yên tâm công tác. Câu hỏi được đặt ra là, sứ mệnh được giao cho ngành giáo dục cực kỳ lớn nhưng công tác đảm bảo điều kiện để đội ngũ thực thi sứ mệnh đáp ứng chưa?", Ông Nên nêu vấn đề.

Trước hết, việc nâng cao mức lương, thu nhập của nhà giáo là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong khi chờ chính sách chung của Đảng và Nhà nước thì TP tiếp tục nghiên cứu để có thể ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ thầy cô giáo yên tâm đảm bảo cuộc sống, đặc biệt đối với những khu vực còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, toàn ngành cần quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong ngành giáo dục, bắt kịp giai đoạn hội nhập quốc tế, nâng cao giáo dục toàn diện với trọng tâm là con người. Thành phố thông minh, hiện đại không thể chấp nhận nền giáo dục đi sau, đi chậm.

Chúng ta cần nỗ lực để học sinh dù nội thành hay ngoại thành, dù trường công hay trường tư, hộ khẩu thành phố hay nhập cư từ các tỉnh, thành khác đều có điều kiện học tập tốt nhất trên tinh thần “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đặt vấn đề, hiện nay, cả nước đang trong tiến trình cải cách, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gọi chung là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, nhưng cụ thể là những vấn đề gì?

Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp tiếp cận, thậm chí phải dũng cảm thay đổi chính mình, từ lãnh đạo quản lý đến thầy cô giáo, từ chỗ dạy học ép buộc thay đổi qua dạy học cởi mở hơn, lắng nghe tiếng nói học sinh, có nhiều sự tương tác hơn giữa thầy và trò. Dạy học trong bối cảnh mới là dạy học khai phóng, đề cao sự tương tác, gợi mở để phát triển năng lực tư duy cho học sinh.

Để thực hiện đổi mới, ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ đâu, theo hướng nào để thực hiện một cách trung thực? Bắt đầu tự sự gương mẫu của các thầy cô giáo, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không thành tích ảo, xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng, nói thật làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chống sự giả dối.

Thời gian tới, TP cần tăng cường sự chủ động trong công tác truyền thông đến từng gia đình, trường học, thôn xóm, giúp phụ huynh học sinh có thông tin về việc học của con em mình để qua đó có sự gắn kết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Văn Nên: Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất