Chiều 2.6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo chí về một số bất cập trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng trong thời gian gần đây.

Bị quấy rối khi vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước 'lệnh' chấn chỉnh

03/06/2018, 13:15

Chiều 2.6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo chí về một số bất cập trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng trong thời gian gần đây.

Các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng có bước tăng trưởng mạnh thời gian gần đây - Ảnh: minh họa

Chấm dứt thu hồi nợ thông qua tín dụng, chuyển khoản

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc nhiều khách hàng tố bị quấy rối việc cho vay tiêu dùng, NHNN có biện pháp nào để quản lý việc cho vay tiêu dùng cũng như quản lý thông tin tài chính, lãi suất vay và nợ xấu, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay về việc cho vay tiêu dùng, văn bản hướng dẫn về cho vay tiêu dùng cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính đã được NHNN ban hành.

“Vừa qua NHNN cũng đã tiếp nhận thông tin về việc một số công ty tài chính có áp dụng hình thức thu hồi nợ thông qua tín dụng hoặc chuyển khoản để thu lợi. NHNN đã làm việc với các công ty tài chính yêu cầu chấm dứt ngay việc này và đề nghị rà soát, khắc phục, chấn chỉnh nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc cho vay tín dụng”, bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, trong chỉ đạo điều hành, ngày 15.5 vừa qua, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh về vấn đề cho vay tiêu dùng, trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; các đơn vị chức năng của Nhà nước tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng.

“Yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao công tác cán bộ, tổ chức tập huấn các lớp kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên. NHNN và các tổ chức tín dụng sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt, xử lý và giải quyết các thông tin khiếu nại, kiến nghị của người dân kịp thời”, bà Hồng nêu.

Số liệu của NHNN cho thấy tính đến cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỉ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đạt khoảng 1,1 triệu tỉ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 17% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong tổng dư nợ đó, các công ty tài chính chiếm khoảng 8,2% (tương đương 90.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2017), còn lại là từ các ngân hàng thương mại.

Theo khảo sát, mức lãi suất trung bình hiện tại của các Công ty tài chính tiêu dùng đang dao động từ 30%-50%/năm.

Phi công Vietnam Airlines muốn kiện vì 2 thông tư

Cũng trả lời báo chí về việc vừa qua, các phi công hãng hàng không Vietnam Airlines lại có đơn kiến nghị giải quyết những vấn đề đã tồn tại và sẽ khởi kiện 2 thông tư của Bộ Giao thông vận tải là Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017. Vậy đại diện Bộ Giao thông vận tải trả lời vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, hai thông tư số 41/2015 ngày 12.8.2015 và Thông tư 21/2017 thay thế Thông tư 41 sau này, hai thông tư này điều chỉnh việc sử dụng người lao động trong lĩnh vực hàng không.

“Thực chất, lĩnh vực hàng không có nhiều điểm rất đặc biệt, tiêu chí an toàn an ninh hàng không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặc biệt khắt khe. Đào tạo các nhân viên ngành hàng không, đặc biệt là các phi công, rất mất thời gian, quy trình quy định khác nhau”, ông Nhật nói.

Tại Khoản 1, Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về chế độ lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không. Căn cứ quy định này, ngày 12.8.2015, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT (được thay thế bởi Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT) để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhân viên hàng không bậc cao, tạo điều kiện cho việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hài hòa, không tạo nên những đột biến trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Theo quy định của Thông tư thì nhân viên hàng không trình độ cao khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động 120 ngày. Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.

Như vậy, Điều 37 của Bộ luật Lao động chỉ quy định mức giới hạn tối thiểu mà không quy định mức tối đa. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam”, vậy quy định trong Luật này được ưu tiên.

Lam Thanh

Bài liên quan
Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Bộ GTVT vừa gửi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các tổng công ty rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án dừng thi công, chậm tiến độ, đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị quấy rối khi vay tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước 'lệnh' chấn chỉnh