Hàng loạt sai phạm liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu, hạng mục công trình... tại dự nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án nhiệt điện 43.000 tỉ đồng của PVN

31/05/2018, 16:15

Hàng loạt sai phạm liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu, hạng mục công trình... tại dự nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra.

Dự nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mắc hàng loạt sai phạm trong việc thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu... Ảnh: Internet

Cụ thể, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết kết luận thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 cho thấy PVN đã không lấy ý kiến các cơ quan liên quan về khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn để thẩm định dự án trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Chi phí quản lý dự án tăng hơn 19,5 tỉ đồng do áp sai hệ số khu vực khó khăn; chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán, tư vấn quản lý dự án, thẩm tra hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC, ban quản lý dự án, tổng thầu là hơn 430,1 tỉ đồng, lớn hơn chi phí tính theo hệ số tỷ lệ nhưng không lập và phê duyệt dự toán chi tiết chi phí ban quản lý dự án, tổng thầu; tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu, giá ca máy, áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng số tiền hơn 210,6 tỉ đồng.

Việc thực hiện đầu tư dự án chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt, khiến PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỉ đồng tại Quyết định số 5966/QĐ-DKVN ngày 29.8.2014. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5.2015 và theo tiến độ tại Quyết định 2415 ngày 11.12.2013 của Thủ tướng thì sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1, thực tế đến tháng 9.2017 cho thấy dự án bị chậm tiến độ 25,65%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.

Trong công tác lựa chọn nhà thầu, Thanh tra dự án phát hiện hồ sơ mời thầu không yêu cầu về cán bộ phụ trách an toàn lao động, không có yêu cầu chi tiết về số lượng máy móc tham gia xây dựng; hồ sơ dự thầu không có bản vẽ biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, không có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận trong quá trình thi công, không có bản vẽ biện pháp thi công các hạng mục...

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương ban hành khung giá bán điện trong giai đoạn chạy thử để có cơ sở tính toán giá trị thu hồi trong tổng mức đầu tư của các dự án; chỉ đạo PVN nghiêm túc thực hiện kết luận, tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân do đã có những vi phạm, sai sót được nêu trong kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, có biện pháp khắc phục.

Ngoài ra, PVN cũng cần điều chỉnh giảm dự toán số tiền hơn 230,1 tỉ đồng; tính lại chi phí thiết kế bản vẽ thi công, giảm trừ giá trị hợp đồng đối với phí mở bảo lãnh thực hiện hợp đồng của gói thầu EPC...

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 với diện tích sử dụng đất khoảng 115ha, có tổng mức đầu tư 43.043 tỉ đồng. Được biết, nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 là nhà máy nhiệt điện đốt than siêu tới hạn công suất 1.200 MW (2x600MW), bao gồm hai lò hơi, hai tua bin và hai máy phát cùng hệ thống phụ trợ. Nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu (3 nhà máy với tổng công suất 5.200 MW) được xây dựng tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Đây là dự án trọng điểm thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được phép áp dụng cơ chế đặc thù để đầu tư xây dựng các công trình điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg ngày 11.12.2013. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và phát điện thương mại vào năm 2019 với sản lượng điện trung bình 7,8 tỉ kwh/năm.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại dự án nhiệt điện 43.000 tỉ đồng của PVN