2 người cùng bị bắt 1 ngày và sau khi nguyên Chi cục phó QLTT Sóc Trăng được tại ngoại thì anh Thanh cũng được về nhà.

Bị can cuối cùng trong vụ án ở Chi cục QLTT Sóc Trăng đã về nhà

Duy Khang | 19/01/2018, 13:00

2 người cùng bị bắt 1 ngày và sau khi nguyên Chi cục phó QLTT Sóc Trăng được tại ngoại thì anh Thanh cũng được về nhà.

Sáng 19.1, gia đình của anh Ung Văn Thanh (35 tuổi, ở P.8, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết thanh niên này đã về nhà vào chiều 17.1, sau hơn 7 tháng bị tạm giam. 1 ngày trước đó, sếp cũ của Thanh là ông Châu Hoài Phương đã rời Trại tạm giam Công an Sóc Trăng để về nhà lúc 19 giờ 15, khi được hủy bỏ biện pháp tạm giam.

Trước khi bị bắt vào ngày 9.6.2017, ông Phương là Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng, còn Thanh là kiểm soát viên Đội QLTT số 7. 2 người này bị bắt về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng trước khi kết luận điều tra thì Cơ quan An ninh điều tra Công an Sóc Trăng đã thay đổi quyết định khởi tố bị can, chuyển thành tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết luận điều tra thì Công an Sóc Trăng quyết định "Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện KSND tỉnh Sóc Trăng để truy tố các bị can Châu Hoài Phương và Ung Văn Thanh có lý lịch nêu trên theo tội danh và điều luật đã dẫn". Ngày 4.1, Viện KSND tỉnh Sóc Trăng chuyển kết luận điều tra cho Viện KSND TP.Sóc Trăng để nơi đây truy tố ông Phương và Thanh theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo cơ quan điều tra, hành vi của Phương và Thanh nếu có tội thì mức án dưới 15 năm tù nên việc chuyển hồ sơ đến VKSND TP.Sóc Trăng là phù hợp. Tuy nhiên, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Phương thì không thống nhất với việc này.

Cụ thể, 1 luật sư đã gửi đơn khiếu nại với nội dung cho rằng tuy ông Phương bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 2 điều 218 Bộ Luật Hình sự là thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra cấp huyện, nhưng do vụ việc có tính chất phức tạp nên Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã thụ lý để giải quyết.

Vì vậy, sau khi kết thúc điều tra thì Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phải tiếp tục thụ lý giải quyết theo quy định, việc chuyển giao hồ sơ vụ án cho Viện KSND TP.Sóc Trăng lập hồ sơ ra cáo trạng là không đúng theo quy định tại điều 169 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

"Vì Viện KSND TP.Sóc Trăng không có tham gia kiểm sát điều tra vụ án này tại giai đoạn khởi tố, nên nơi đây không có thẩm quyền tiếp tục lập cáo trạng truy tố ông Phương", vị luật sư nói.

Cũng theo luật sư này thì Viện KSND TP.Sóc Trăng chỉ có thẩm quyền lập cáo trạng truy tố đối với những vụ án do cơ quan điều tra cùng cấp của viện này khởi tố điều tra. Vì vậy, trong vụ án này Cơ quan An ninh điều tra là cơ quan điều tra cấp tỉnh đã khởi tố điều tra và đã kết thúc điều tra, đã ra bản kết luận điều tra, thì Viện KSND TP.Sóc Trăng không có thẩm quyền lập cáo trạng truy tố.

"Viện KSND tỉnh Sóc Trăng đã tham gia xử lý, giải quyết vụ án từ giai đoạn đầu và cho đến khi kết thúc điều tra tại giai đoạn sơ thẩm, nếu hồ sơ chuyển cho Viện KSND TP.Sóc Trăng truy tố, tham gia xét xử sơ thẩm, thì sau đó Viện KSND tỉnh Sóc Trăng lại tiếp tục được tham gia phiên tòa phúc thẩm là không đảm bảo tính khách quan, công bằng cho ông Châu Hoài Phương.

Bởi vì Viện KSND tỉnh Sóc Trăng vừa tham gia kiểm sát tại giai đoạn khởi tố điều tra (của cấp xét xử sơ thẩm) mà lại vừa tham gia giai đoạn kiểm sát xét xử tại giai đoạn phúc thẩm của vụ án là không đúng pháp luật", luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên Chi cục phó QLTT Sóc Trăng, nhấn mạnh.

Theo kết luận điều tra, ông Phương là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành (KTLN) do Sở Công Thương Sóc Trăng thành lập tháng 3.2016. Tháng 4.2016, đoàn KTLN lấy mẫu 3 loại phân bón vô cơ của 1 doanh nghiệp ở TX.Ngã Năm.

Sau khi 2 mẫu phân bón được kiểm nghiệm lần đầu và kiểm nghiệm bổ sung cho kết quả chưa đạt với chỉ tiêu ghi ngoài bao bì, đoàn kiểm tra đã họp và thống nhất giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp bằng cách cho giám định mẫu còn lại tại trung tâm Kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP.HCM). Lần giám định này cho kết quả đạt nên đoàn kiểm tra trả lại phân bón cho doanh nghiệp.

Kết luận điều tra cho rằng Thông tư 26 năm 2012, của Bộ KHCNkhông quy định thử nghiệm hàng hóa lần 3, mà kết quả thử nghiệm lại (lần 2) là căn cứ cuối cùng để xử lý. Tuy nhiên, ông Phương đã "lợi dụng chức vụ Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT, Trưởng đoàn KTLN để quyết định cho lấy mẫu phân bón lưu giữ tại doanh nghiệp đưa đi thử nghiệm (lần 3) sai quy định".

Hàm Yên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị can cuối cùng trong vụ án ở Chi cục QLTT Sóc Trăng đã về nhà