Trước đây, rơm rạ sau thu hoạch lúa vụ xuân được xem là nguồn chất đốt và phục vụ chăn nuôi thì nay chủ yếu được để lại trên đồng ruộng, gây nguy cơ ngộ độc cho cây lúa. Đây là hiện tượng rất phổ biến trong sản xuất lúa vụ hè - thu hiện nay.

Bệnh ngộ độc hữu cơ trên lúa vụ hè - thu và cách phòng ngừa, khắc phục

Quang Cường | 11/06/2023, 12:43

Trước đây, rơm rạ sau thu hoạch lúa vụ xuân được xem là nguồn chất đốt và phục vụ chăn nuôi thì nay chủ yếu được để lại trên đồng ruộng, gây nguy cơ ngộ độc cho cây lúa. Đây là hiện tượng rất phổ biến trong sản xuất lúa vụ hè - thu hiện nay.

Sản xuất lúa vụ hè - thu thường liền sau thu hoạch lúa vụ xuân. Lượng rơm rạ bị vùi trong đất do cày bừa trong điều kiện nắng nóng, tốc độ phân hủy mạnh khiến lúa có nguy cơ cao bị ngộ độc hữu cơ. Điều này ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Chia sẻ với Một Thế Giới, ông Phan Duy Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Nghệ An cho biết, việc nhận định sớm nguy cơ để có biện pháp phòng chống ngộ độc cho lúa hè - thu rất cần được bà con trồng lúa quan tâm, tổ chức thực hiện.

ngo-doc-huu-co-lua-he-thu.jpeg
Một ruộng lúa có biểu hiện bị bệnh ngộ độc hữu cơ, lá chuyển sang màu vàng, giảm khả năng sinh trưởng

Triệu chứng lúa bị ngộ độc hữu cơ

Theo ông Hải, bệnh ngộ độc hữu cơ trên cây lúa ban đầu xuất liện ở lá già. Biểu hiện là chóp lá chuyển sang màu vàng đỏ và khô, sau đó lan xuống dưới, nặng thì xuất hiện ở cả lá bánh tẻ, thậm chí cả lá non. Bệnh này khi lan xuống rễ khiến rễ bị đen một phần hay toàn bộ và có mùi trứng thối (hôi, tanh) - tùy theo mức độ bị ngộ độc.

Cây lúa bị ngộ độc nhẹ thì giảm sinh trưởng phát triển, giảm khả năng đẻ nhánh; nặng thì ngưng sinh trưởng, không đẻ nhánh, thậm chí bị chết.

Nguyên nhân gây ra bệnh ngộ độc hữu cơ trên cây lúa là do quá trình phân hủy rơm rạ diễn ra mạnh trong điều kiện yếm khí gây thiếu oxy trong vùng rễ lúa; ngộ độc khí H2S, CH4, C2H4.

Phòng bệnh ngộ độc hữu cơ trên cây lúa

Phó chi cục trưởng Chi cục T-BVTV Nghệ An chia sẻ, để phòng bệnh ngộ độc hữu cơ, bà con nông dân nên tăng cường bón phân lân, vôi cho lúa trong quá trình làm đất trước khi gieo cấy.

Trước khi gieo cấy cần tạo rãnh dọc trên mặt ruộng và trên rãnh dọc tạo các rãnh "xương cá" để tăng khả năng giải phóng khí độc trong quá trình phân hủy rơm rạ, cũng như khả năng cung cấp oxy cho bộ rễ lúa khi cần thiết.

Cần bón phân cân đối và hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng của lúa, tính chất đất. Chẳng hạn như đất thịt thì bón đạm chỉ 2 - 3 lần/vụ; trên đất nhẹ, đất cát ven biển, đất bạc màu thì cần tăng số lần bón lên 4 - 5 lần. Không bón phân khi lá lúa còn ướt; đặc biệt là phân kali, đạm, lân thì lúa cần nhiều trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng. Ngoài ra, trong quá trình cây lúa phân hóa đòng và phân bào giảm nhiễm tạo nên số hạt/bông thì cần nhiều đạm. Với phân kali thì lúa cần nhiều trong quá trình sinh trưởng sinh thực để hỗ trợ quá trình vận chuyển tích lũy vật chất về hạt.

Trong các giải pháp chống ngộ độc hữu cơ cho lúa thì bón chế phẩm vi sinh, phân bón vi sinh xử lý rơm rạ được xem là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Có thể áp dụng một số chế phẩm vi sinh như Azotobacterin sau khi thu hoạch lúa vụ xuân khi đất còn đủ ẩm, bón 10 - 12kg/sào, bón xong cày vùi cùng rơm rạ. Trong điều kiện không cày vùi được cần dùng biện pháp dập cùng rơm rạ trên ruộng, sau 5 - 7 ngày thì lấy nước vào và bừa để cấy.

Người trồng lúa cũng có thể sử dụng chế phẩm Fito - Biomix 300g trộn với 10 - 15kg phân chuồng hoai mục, hoặc 2 - 3kg đất bột để bón, sau đó cày dập, để 5-7 ngày thì có thể lấy nước vào bừa và cấy.

Ngoài ra, tùy điều kiện khu vực, thị trường bà con có thể sử dụng các loại chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ khác và cần đọc kỹ, làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác.

1513c730-ee32-41ce-9ffa-a96524c5702b.jpeg
Cán bộ Chi cục TT-BVTV Nghệ An kiểm tra cánh đồng lúa vụ xuân đạt năng suất cao 

Biện pháp khắc phục khi lúa bị ngộ độc hữu cơ

Khi phát hiện lúa có biểu hiện lúa ngộ độc hữu cơ, bà con nên dừng ngay việc bón phân đạm, NPK… (trừ vôi bột) cho đến khi xử lý xong việc ngộ độc và lúa ra rễ mới (nhổ lên thấy xuất hiện nhiều rễ trắng) thì mới có thể bón thúc phân.

Đối với lúa cấy hoặc gieo sạ hàng thì làm cỏ sục bùn, sau làm cỏ từ 3 - 5 tiếng thì tháo cạn nước, để ruộng khô 2 - 3 ngày thì có thể lấy nước vào.

Trường hợp không có điều kiện làm cỏ sục bùn, bà con tiến hành rút nước khỏi ruộng 2 - 3 ngày hoặc dài hơn, tùy thời điểm sinh trưởng của lúa cho đến khi mặt ruộng nứt “chân chim” thì cấp nước trở lại.

Giải quyết bệnh ngộ độc hữu cơ trên lúa hè – thu là vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp nước ta, nằm trong kế hoạch hành động giảm phát thải khí methal đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5.8.2022, nhằm thực hiện nỗ lực quốc gia giảm ít nhất 30% tổng lượng phát thải khí methal vào năm 2030 so với mức năm 2020 trong các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khai thác dầu khí, khai thác than và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Nghệ An là một trong những địa phương có đặc thù canh tác lúa vụ hè – thu với quy trình xử lý rơm rạ gây nguy cơ cao phát thải khí methal (CH4) gây nên bệnh ngộ độc hữu cơ trên cây lúa. Vì vậy, việc phòng ngừa và khắc phục lúa bị ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa hè - thu năm 2023 ở Nghệ An là hết sức quan trọng.

Để giải quyết được vấn đề này, bà con trồng lúa cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, từ phòng đến nhận diện hiện tượng, áp dụng biện pháp chống để giải quyết triệt để”.

Ông Phan Duy Hải, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh ngộ độc hữu cơ trên lúa vụ hè - thu và cách phòng ngừa, khắc phục