Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập, bảo tàng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vừa công bố một số mẫu vật được giải mật.
Bảo tàng này được gọi là “chỉ dành cho mắt điệp viên”, nằm trong trụ sở CIA ở Langley, không mở cho người dân vào xem.
Vài mẫu vật được giải mật cũng được tải lên mạng internet, nhưng đa phần bảo tàng bí mật của CIA chỉ mở cửa cho quan chức nước ngoài, các nghị sĩ và nhân viên của các cơ quan hành pháp và tình báo Mỹ vào xem. Số khách tham quan hàng năm được giữ bí mật.
Phó giám đốc bảo tàng Janelle Neises cho biết: trong CIA có câu đùa rằng “đây là bảo tàng vĩ đại nhất mà bạn sẽ không bao giờ được vào”.
Mẫu vật mới nhất là mô hình nhà trú ẩn của trùm khủng bố Al-Qeada
Hầu hết các mẫu vật chỉ được giải mật sau nhiều năm, hoặc thậm chí vài chục năm, nhưng mô hình nhà trú ẩn của trùm khủng bố Al-Qeada Ayman al-Zawahiri được công bố ngày 24.9 là một ngoại lệ hiếm có.
Bà Neises nói việc nhanh chóng giải mật mô hình này là “rất bất thường”.
Mô hình nhà trú ẩn dài 30cm này đã được dùng để báo cáo Tổng thống Mỹ Joe Biden biết nơi trú ẩn của Al-Zawahiri, trước khi CIA dùng máy bay tự hành tiêu diệt hắn ở Afghanistan hồi cuối tháng 7.2022, tức gần một năm sau khi Mỹ phải rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm tham chiến, trong đó CIA giữ vai trò trung tâm.
Hai tuần sau vụ nước Mỹ bị Al-Qeada tấn công ngày 11.9.2001, CIA đã cử các điệp viên đầu tiên đến Afghanistan.
20 năm sau, CIA rút hết các tài sản tình báo và giúp thực hiện cuộc di tản hàng ngàn người Mỹ và đồng minh Afghanistan trong hoảng loạn.
Sau khi Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ giết ở làng Abbottabad, Pakistan, hồi tháng 5.2011, phó tướng kiêm quân sư Al-Zawahiri đã lên thay.
Việc tiêu diệt được tên này là một chiến tích lớn của CIA, vốn đã bị mất 7 điệp viên có nhiệm vụ lùng sục để tìm Al-Zawahiri. Họ bị giết khi một bác sĩ người Jordan (làm việc cho Al-Qeada) cung cấp thông tin giả rằng Al-Zawahiri đã thực hiện vụ đánh bom tự sát hồi năm 2009 vào một căn cứ ở Khost, Afghanistan.
Gần mô hình nhà trú ẩn của Al-Zawahri là 7 ngôi sao, tượng trưng cho các điệp viên CIA bị giết ở Khost. Nhóm ngôi sao này từng được gắn ở một tượng đài ở Afghanistan, nhưng được hạ xuống khi Mỹ rút quân hồi năm 2021.
Cũng trong cuộc công bố 600 mẫu vật được trưng bày ở bảo tàng mới được nâng cấp, CIA trưng bày khẩu súng AK của trùm khủng bố Bin Laden.
Và một áo khoác da được tìm thấy khi bắt được Tổng thống Iraq Saddam Hussein hồi năm 2003.
Ngoài ra, còn có các bản vẽ ý tưởng làm ra một đoạn phim giả trong chiến dịch giải cứu các nhà ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin trong Sứ quán Mỹ tại Iran năm 1980; bộ đồ bay của các phi công lái máy bay do thám U-2 và A-12 hồi Chiến tranh Lạnh.
Còn có bộ đồng phục thủy thủ cùng các mẫu vật khác của Glomar Explorer, một con tàu được dùng làm vỏ bọc để trục vớt một tàu ngầm Liên Xô mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân bị chìm hồi thập niên 1970. Chiến dịch này từng được kể lại trên trang nhất báo Los Angeles Times, và trang báo này cũng được trưng bày trên tường của bảo tàng CIA.
Một số cựu binh CIA tham gia các điệp vụ cũng tặng nhiều mẫu vật cho bảo tàng bí mật. Khoảng vài trăm món được trưng bày từ những năm 1980 đều đã được giải mật.
Tất cả các mẫu vật trong bảo tàng bí mật đều được xếp vào danh mục các di sản của chính phủ Mỹ, và chúng không được định giá.
Giám đốc bảo tàng nói đôi khi CIA cho các thư viện tổng thống và các bảo tàng bất vụ lợi mượn các mẫu vật để trưng bày.
Bảo tàng bí mật có cả các thông tin về những giai đoạn đen tối của CIA, gồm vai trò của tình báo Mỹ trong việc tạo chứng cứ giả “tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt” để buộc tội chế độ Hussein ở Iraq. Hoặc thông tin về những vụ phát hiện và xử tử các điệp viên CIA chủ chốt ở Liên Xô.
Bà Neises nói: “Bảo tàng là nơi các nhân viên chúng tôi rút tỉa bài học từ các thành quả lẫn thất bại. Chúng tôi dùng các mẫu vật để kể lại chuyện của CIA. Đây là một cách để thật sự minh bạch và trung thực về CIA”.
Đây là một ý tưởng tốt, xét từ việc CIA hiện tuyển dụng nhân viên trong độ tuổi 20, tức là những người còn quá trẻ để nhớ về sự kiện nước Mỹ bị Al-Qeada tấn công ngày 11.9.2001.